Công nghệ thông tin

Hàng không khổ vì... chim

Dùng mọi biện pháp từ thủ công đến hiện đại nhưng hàng không Việt Nam bó tay với chim trời vì chúng vừa khôn vừa “điếc”

Ngày 6-1, một vụ va chạm giữa chim trời và “chim sắt” đã xảy ra với chuyến bay VJ305 của hãng hàng không VietJet từ Huế đi TP HCM. Khi đó, máy bay đang chuẩn bị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì bị chim lao vào động cơ, phá nát tua-bin. Chuyến bay đã hạ cánh an toàn nhưng ngay sau đó, chiếc máy bay phải dừng khai thác để sửa chữa.

Chim trời: Kẻ thù của máy bay

Một cán bộ kỹ thuật của Công ty Kỹ thuật máy bay VAECO cho biết sự cố chim va vào máy bay thường xảy ra 2 tình huống. Thứ nhất, gây móp méo hoặc phá hủy một phần thân máy bay. Thứ hai, con chim bị hút vào động cơ, mức độ nhẹ thì làm hỏng tua-bin, nặng thì làm hỏng cả động cơ máy bay. Trong đó, tình huống thứ hai xảy ra nhiều hơn đối với ngành hàng không.

Hãng hàng không VietJet thiệt hại nặng vì có máy bay va chạm với chim trời
Hãng hàng không VietJet thiệt hại nặng vì có máy bay va chạm với chim trời

Trường hợp chim làm hỏng động cơ thường thiệt hại nặng vì thay mỗi lá tua-bin mất vài ngàn USD và thường phải thay cả 2 lá xuyên tâm (đối xứng). Hỏng một vài cái thì có phụ tùng để thay ngay, nhiều thì phải chờ đặt hàng ở nước ngoài. Chưa kể, lá tua-bin bị gãy có thể hút sâu vào bên trong động cơ, phá hủy nhiều bộ phận khác và lúc đó chỉ còn cách tháo cả động cơ gửi ra nước ngoài sửa chữa. Mỗi ngày, máy bay nằm “chết” tại sân, hãng hàng không thiệt hại cả trăm triệu đồng do không có phương tiện chở khách.

Tại các sân bay của Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2014 ghi nhận 11 sự cố do chim va vào máy bay được báo cáo tại các sân bay Vinh, Pleiku, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Rạch Giá. Ngoài gây hư hỏng máy bay, uy hiếp an toàn bay, các sự cố này còn góp phần làm tình trạng chậm, hủy chuyến diễn ra trầm trọng nhất trong lịch sử ngành. Để khắc phục, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) ra chỉ thị cho các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm soát chim, kết quả là 6 tháng còn lại của năm 2014... có thêm 26 vụ va chạm nữa.

Công nghệ hiện đại cũng chào thua

Trong thực tế, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) rất nỗ lực đuổi chim. Báo cáo trước Hội nghị an toàn hàng không vừa diễn ra, một cán bộ ACV cho biết có 3 biện pháp cơ bản mà các nước trên thế giới áp dụng là làm sạch môi trường, xua đuổi và tiêu diệt thì Việt Nam đều áp dụng đủ.

Trước đây, các sân bay phải cắt cỏ theo tháng hoặc quý vì cả một khu vực mới được trang bị 1 máy cắt cỏ nhưng hiện nay mỗi sân bay đã được trang bị riêng 1 máy hoạt động liên tục không để cỏ mọc cao kéo chim về làm tổ. Biện pháp tận diệt, dùng súng đạn thật bắn chim cũng được sử dụng nhưng rất hạn chế. “Nhiều sân bay của Việt Nam rất gần khu dân cư nên ngành công an mới chỉ cấp phép cho sử dụng súng săn có đạn thật ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng), còn lại là dùng súng bắn đạn nổ tạo tiếng nổ chói tai để đuổi chim trong thời gian có máy bay cất/hạ cánh” - một cán bộ ACV nói. Các sân bay còn thuê hẳn đội ngũ chuyên đi đặt bẫy chim, đặt xác chim chết để giả cảnh báo nguy hiểm… nhưng lũ chim rất nhanh chóng phát hiện và tỏ ra coi thường.

Làm thủ công không hiệu quả, năm 2013, ACV sang sân bay Changi (Singapore) học tập kinh nghiệm đuổi chim. Năm 2014, cơ quan này lại dự kiến “chi bạo” khi đặt vấn đề bỏ ra vài tỉ đồng mua thiết bị đuổi chim công nghệ mới nhất của Anh (dùng sóng và cả âm thanh xua đuổi) vì nhận thấy thiết bị này đang được ứng dụng thành công tại nhiều sân bay quốc tế lớn. Nhà cung cấp cử 2 đoàn chuyên gia sang chạy thử nghiệm ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Thế nhưng, khi xe chở máy phát sóng chạy lòng vòng ở khu bay, người thì váng cả đầu óc nhưng bầy chim vẫn thản nhiên bay lượn. Sau gần một tuần chạy thử, các chuyên gia Anh lắc đầu bảo “chim Việt Nam bị điếc” và thu dọn máy móc về nước.

Sân bay châu Á nhiều chim nhất

Theo thống kê của hàng không quốc tế, các vụ va chạm thường xảy ra ở độ cao dưới 900 m, khi máy bay cất/hạ cánh. Động cơ máy bay chở hơn 200 khách có bán kính gần 1,5 m, khi bay tạo ra sức hút cách đó hàng trăm mét nên sẽ hút những con chim bay gần đó.

Chim trời xuất hiện nhiều nhất ở các sân bay châu Á. Để đuổi chim, các sân bay dùng từ công nghệ laser, robot, sóng âm thanh đến huấn luyện chim ưng săn mồi ở sân bay. Thậm chí, người ta còn chế tạo những máy phát ra âm thanh có tiếng chim kêu thảm thiết hoặc tiếng kêu của loài chim săn mồi để bầy chim hoảng sợ.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,333,255       1/495