Nhiều giải pháp hạn chế xe cá nhân đã được đề xuất nhiều năm nay nhưng chưa thể triển khai, vì thế bài toán giải quyết quá tải phương tiện của TP HCM vẫn còn loay hoay
Báo cáo tổng hợp những giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải mà Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa gửi UBND TP HCM tiếp tục nhắc lại các giải pháp để hạn chế xe cá nhân trong nhiều năm qua. Trên cơ sở đó, TP sẽ báo cáo Bộ GTVT và Chính phủ.
Đề án “nằm trên giấy”
Nhận định về báo cáo này, một cán bộ Sở GTVT cho rằng đây chỉ là báo cáo tổng hợp sau khi UBND TP tiếp nhận văn bản của Bộ GTVT. Đây là các giải pháp được nghiên cứu bởi nhiều đề tài, không phải đề xuất mới.
Cụ thể, đầu năm 2013, UBND TP HCM đã yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu đề tài quản lý phương tiện đăng ký mới thông qua Giấy chứng nhận quyền mua xe (COE, còn gọi là “quota ô tô”), đề xuất Chính phủ cho thí điểm. Thế nhưng, khi đóng góp cho giải pháp này, nhiều chuyên gia lo ngại bởi nền kinh tế của 2 đất nước khác nhau. Ở Singapore, mỗi người có thể mua 2-3 ô tô nên cần cấp quotar, ở Việt Nam nếu cấp quotar sẽ gây lãng phí và không hiệu quả.
Trước đó, một giải pháp khác được TP HCM nghiên cứu nhiều năm nhưng đến nay vẫn “nằm trên giấy” là đề án tổ chức thu phí ô tô vào nội đô, dự kiến xây dựng 35 cổng thu phí tự động bao quanh các tuyến đường quận 1, 3 và vùng giáp ranh quận 5, 10. Tại những cổng này sẽ lắp đặt thiết bị tính phí và camera để nhận dạng các loại xe.
Đề án này vấp phải lo ngại khi hạn chế ô tô thì xe máy sẽ tràn vào nội đô vì số lượng cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại chủ yếu nằm ở khu vực trung tâm TP.
Ngoài ra, TP HCM cũng yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu thí điểm việc cấm taxi, xe cá nhân, ô tô trên 30 chỗ lưu thông vào một số tuyến đường đông xe vào những giờ nhất định và được đi vào ngày chẵn hoặc lẻ. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng rơi vào tình trạng “nằm trên giấy”. Song song đó là các giải pháp tăng thuế trước bạ đối với ô tô; tăng tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, môi trường như quy định niên hạn sử dụng đối với xe gắn máy và buộc xe gắn máy phải đăng kiểm định kỳ...
Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, việc hạn chế xe cá nhân là cần thiết bởi đường sá, hạ tầng của TP trong tương lai sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển phương tiện đi lại của người dân. Tuy nhiên, để hạn chế phương tiện cá nhân, cần có lộ trình và phải cụ thể bằng một đề án chi tiết, song song đó là phát triển vận tải công cộng để người dân có thói quen sử dụng phương tiện này.
Trước đây, để giải quyết chuyện kẹt xe nghiêm trọng tại các TP lớn, Bộ GTVT đưa ra đề án hạn chế xe cá nhân, sau đó thấy khó khả thi nên chuyển sang đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải và đưa vấn đề kẹt xe về cho địa phương giải quyết là chính.
Cần có lộ trình
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 8-1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết việc phát triển giao thông đô thị là một trong những việc cần phải nghiên cứu để giảm ùn tắc và bảo đảm đi lại thuận lợi cho người dân, đặc biệt là ở những đô thị lớn.
Theo ông Trường, trong nhiều giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra trước đây thì việc giảm các phương tiện cá nhân cần có lộ trình, phải đi đôi với tăng phương tiện giao thông công cộng và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân trong đô thị. Quốc gia nào cũng phải làm như thế.
Về tờ trình của Sở GTVT TP HCM đề xuất với UBND TP một số giải pháp hạn chế xe cá nhân, ông Trường cho rằng cần phải được các đại biểu HĐND TP xem xét. HĐND TP thông qua thì mới gửi lên cấp cao hơn để xin ý kiến.
Về những ý kiến không đồng tình với nhiều nội dung đề xuất của Sở GTVT TP HCM, ông Trường cho rằng việc này HĐND TP sẽ quyết định cụ thể, trong đó đề cập tất cả lợi ích chứ không thể chỉ xem xét một lợi ích nào đó.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khẳng định hoàn toàn ủng hộ đề xuất hạn chế ô tô con ở TP HCM. Theo ông Thanh, các giải pháp như quy định số lượng phương tiện được cấp có giới hạn trên cơ sở phù hợp với sự phát triển kết cấu hạ tầng hằng năm (quota), điều kiện để cá nhân sở hữu ô tô là phải chứng minh được có chỗ đỗ… đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu.
“Kết cấu hạ tầng của TP HCM có đáp ứng được đâu. Đường sắt trên cao và tàu điện ngầm chưa có, tất cả phương tiện đều dàn trên đường bộ. Đường hẹp mà ô tô cá nhân chình ình ra thì đường đâu mà đi” - ông Thanh phân tích và nói dù ủng hộ đề xuất của TP HCM nhưng băn khoăn rằng liệu có làm được đến nơi đến chốn, nghiêm túc hay không. “Phải nghĩ đến việc phát triển hoạt động xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; với việc đăng kiểm mô tô, làm được việc này thì sẽ hạn chế tình trạng xe quá cũ, chất lượng kém gây ô nhiễm môi trường” - ông Thanh nói.
Muốn sở hữu xe phải có COE
Giải pháp quản lý phương tiện đăng ký mới thông qua COE được Singapore áp dụng khá thành công. Theo đó, người dân muốn sở hữu xe phải có COE, số lượng COE hằng năm được tính toán dựa trên sự tăng trưởng xe 1,5%/năm và số giấy chứng nhận hết hạn sẽ thu hồi trong năm. Khoảng 2 tháng, Cục Quản lý Giao thông sẽ đấu giá hạn ngạch quotar một lần với số lượng hạn chế, số xe được nhập vào cân đối với số xe thải ra và một số xe cần theo nhu cầu cấp thiết.
GÓC NHÌN
Không nên rập khuôn
Giải pháp hạn chế phát triển xe cá nhân bằng cách đấu giá “hạn ngạch” xe mà Sở GTVT TP HCM đề xuất sẽ khó khả thi. Bởi, đã có bài học một vài địa phương trước đây từng làm, do người dân TP vẫn có nhu cầu đi lại và phải tự “cứu lấy mình” trong lúc giao thông công cộng chưa đáp ứng, như vậy sẽ xảy ra chuyện nhờ người nhà mua xe đăng ký biển số tỉnh, hoặc chuyển sang sử dụng xe máy lại càng làm tăng thêm mức độ kẹt xe.
Riêng biện pháp đánh vào túi tiền người dân như đặt thêm hoặc tăng cao các loại thuế phí, chắc chắn sẽ gặp phản ứng tiêu cực từ nhiều phía. Chuyện HĐND TP chậm quyết định việc thu phí xe 2 bánh vừa rồi đã nói lên điều đó.
Trên thế giới, chuyện kẹt xe đã và đang còn xảy ra từng ngày, ngay cả ở nước Mỹ. Tuy nhiên, những bài học kinh nghiệm trong việc giảm kẹt xe đều cho thấy: Phải giải quyết vấn đề theo điều kiện thực tế cụ thể chứ không nên rập khuôn của bất cứ nơi nào; có giải pháp thực hiện (tổ chức, kỹ thuật, tài chính…) đồng bộ, tận dụng các công nghệ mới như hệ thống giao thông thông minh; đặc biệt lãnh đạo chính quyền đô thị phải biết lắng nghe và có trách nhiệm trước dân nếu cứ để câu chuyện kẹt xe kéo dài.
Tóm lại, muốn giải quyết căn cơ chuyện kẹt xe mà không giải quyết đồng bộ ba vấn đề cơ bản: phát triển hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông cộng cộng và kiểm soát tốt quy hoạch đô thị (cụ thể là sử dụng đất) thì câu chuyện hạn chế xe cá nhân dưới mọi hình thức đều khó khả thi.
TS Phạm Sanh (Chuyên gia giao thông)
Báo Người Lao Động, ô nhiễm môi trường, trung tâm thương mại, kẹt xe nghiêm trọng, UBND TP HCM, Tàu điện ngầm, ùn tắc giao thông, sử dụng đất, thu phí