Công nghệ thông tin

Không để Hào Dương lờn luật

Nếu Công ty CP Thuộc da Hào Dương không chấp hành nộp phạt thì cơ quan chức năng cần tiến hành cưỡng chế

Sau khi Báo Người Lao Động ngày 8-1 đăng bài “Hào Dương nợ như chúa Chổm”, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cơ quan chức năngUBND TP HCM phải kiên định trong việc xử phạt doanh nghiệp (DN) này để làm gương cho những công ty xả thải gây ô nhiễm môi trường khác.

Ngăn chặn đầu độc môi trường

Theo TS Lê Văn Khoa, Khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nếu DN vi phạm một đôi lần có thể do vô ý, trường hợp đó chỉ cần xử phạt một lần thì DN đã phải chấn chỉnh hoạt động. Điểm lại quá trình sai phạm liên tiếp của Công ty Hào Dương và những lần cù nhầy nợ thuế, nợ phí… cho thấy DN này đã cố tình gây ô nhiễm môi trường và coi thường luật pháp.

“Vấn đề ở đây không phải là số tiền phạt nhiều hay ít mà là tính nghiêm minh của luật pháp: phạt nặng một DN vi phạm sẽ có tác dụng răn đe, ngăn ngừa các DN khác vi phạm. Còn nếu “giơ cao đánh khẽ” thì các DN khác sẽ “noi” theo mà lờn luật” - TS Khoa nhận định.

Công ty CP Thuộc da Hào Dương Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Công ty CP Thuộc da Hào Dương Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo TS Khoa, quá trình sai phạm nhiều lần của Công ty Hào Dương có lỗi của chính quyền đã không nghiêm túc trong việc giám sát, xử lý triệt để các sai phạm. Vì thế, dư luận mong rằng lần này UBND TP sẽ không khoan nhượng mà hãy thực hiện đúng quyết định xử phạt đã ban hành để ngăn chặn các trường hợp đầu độc môi trường trong tương lai!.

Còn PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng trường hợp số tiền phạt quá lớn và DN thật sự khó khăn nhưng có ý hối lỗi thì cũng nên xem xét việc dãn nộp phạt để tạo điều kiện cho họ hoạt động. Tuy nhiên, với một DN như Hào Dương thì 2 tỉ đồng tiền phạt vi phạm hành chính không phải quá lớn để xin trả góp.

Lượng nước thải của Công ty Hào Dương xả ra trên 2.000 m3/ngày đêm, giá xử lý khi đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Hiệp Phước là 10.000 đồng/m3. PGS-TS Sỹ tạm tính: Nếu xả bậy không qua xử lý, mỗi ngày Hào Dương lời 20 triệu đồng, mỗi năm khoảng 7,2 tỉ đồng.

“Bao năm qua, DN này bỏ túi số tiền không ít, TP mới thu lại có 4,3 tỉ đồng thì có là gì! Xét ở góc độ quản lý, DN này lại được bố trí cạnh bờ sông, cơ quan quản lý không giám sát chặt lượng nước đầu vào - đầu ra, không phát hiện vi phạm kịp thời… Do đó, lần này phải xử lý thật nghiêm, cần thiết có thể dùng các biện pháp mạnh nhất như cấm vĩnh viễn DN đầu tư tại TP HCM” - PGS- TS Sỹ nói. Đồng thời, cá nhân PGS-TS Sỹ cũng không đồng tình với việc cho Hào Dương hoãn, chậm nộp phạt.

Một số ý kiến cho rằng vi phạm của Hào Dương là nguyên nhân khách quan vì nước thải thuộc da rất khó xử lý. PGS-TS Sỹ thừa nhận điều này nhưng cho rằng thực tế nhiều DN thuộc da khác ở Việt Nam đều xử lý đạt tiêu chuẩn thì không lý do gì Hào Dương được ngoại lệ. Nếu Hào Dương không xử lý được buộc phải đổi ngành nghề chứ không thể đổ lỗi vì nước thải thuộc dạng “khó”.

Cưỡng chế để làm gương

Một cán bộ thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết theo nguyên tắc từ khi nhận được quyết định xử phạt, trong vòng 10 ngày DN phải thực hiện. Tuy nhiên, Công ty Hào Dương đã có đơn xin xem xét nên trên cơ sở báo cáo của Sở TN-MT, UBND TP sẽ quyết định có cho hoãn, chậm nộp phạt hay không. Trường hợp UBND TP không chấp nhận, nếu Hào Dương không nộp phạt sẽ bị cưỡng chế theo một số quy định của pháp luật: kê biên tài sản bằng tương đương số tiền phạt để bán đấu giá, phong tỏa tài khoản ngân hàng

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật Kinh Luân), căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ 1-7-2013, trường hợp Công ty Hào Dương xin áp dụng điều 79 của luật này là không đủ cơ sở. Bởi lẽ, Công ty Hào Dương không thuộc diện có khó khăn đặc biệt về kinh tế và tạm dừng hoạt động không phải do kinh doanh thua lỗ hay sự kiện bất khả kháng (thiên tai, địch họa…) mà vì vi phạm nghiêm trọng pháp luật về môi trường.

Theo điều 73 và 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Công ty Hào Dương thuộc trường hợp không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt nên cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế, gồm: Khấu trừ tiền từ tài khoản của DN này, trường hợp tài khoản của DN không còn tiền thì kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá. Thẩm quyền cưỡng chế và thi hành quyết định cưỡng chế trong trường hợp này thuộc UBND TP HCM (điều 86, 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

BHXH và công nhân khởi kiện

Nguồn tin từ Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM sáng 8-1 cho biết sau khi Công ty CP Thuộc da Hào Dương buộc phải đóng cửa, toàn bộ 138 lao động lâm vào cảnh mất việc. Từ tháng 3-2014 đến nay, do công ty không trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp nên khi ốm đau, công nhân phải tự bỏ tiền túi chi trả. Tổng số nợ BHXH của công ty (tính đến hết tháng 12-2014) là 1,658 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ của Phòng Thu BHXH TP HCM cho biết dù liên tục được khuyến cáo song công ty vẫn chây ì trích nộp. Để bảo vệ quyền lợi người lao động, đầu tháng 11-2014, BHXH TP đã khởi kiện công ty ra tòa. Trong khi đó, Phòng Quản lý lao động các KCX-KCN TP HCM xác nhận Công ty CP Thuộc da Hào Dương còn bị tập thể công nhân khởi kiện ra TAND huyện Nhà Bè.

V.Tùng

Người lao động

Báo Người Lao Động, ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng, vi phạm hành chính, UBND TP HCM, Bán đấu giá, xử lý nước thải, tài khoản ngân hàng, quyết đ


© 2021 FAP
  3,317,099       3/877