Công nghệ thông tin

Cô gái mê bảo tồn linh trưởng

Lê Thị Trang đã vào tốp 10 nhà bảo tồn trẻ được vinh danh tại giải thưởng quốc tế Future For Nature Award 2015

Với niềm đam mê và có nhiều cống hiến trong chiến dịch bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng), Lê Thị Trang (SN 1986, ngụ Đà Nẵng) đã vào tốp 10 nhà bảo tồn trẻ được vinh danh tại giải thưởng quốc tế Future For Nature Award 2015. Giải thưởng này nhằm vinh danh những cá nhân có nỗ lực tạo ra nhiều sự khác biệt cho tương lai của một môi trường tốt đẹp.

Giữ hệ sinh thái cho môi trường

Từ nhỏ, Trang luôn có một niềm vui là được chơi đùa, chăm sóc động vật. Lớn lên, cô đăng ký học ngành môi trường của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng với nguyện vọng được làm điều gì đó để bảo tồn động vật, nhất là động vật quý hiếm, giúp giữ hệ sinh thái cho môi trường.

Lê Thị Trang đam mê nghiên cứu và bảo tồn voọc chà vá chân nâu
Lê Thị Trang đam mê nghiên cứu và bảo tồn voọc chà vá chân nâu

Ra trường, Trang đăng ký làm việc ở nhiều nơi nhưng chủ yếu tham gia công tác bảo vệ, nghiên cứu động vật hoang dã. Cho đến đầu năm 2013, cô bắt đầu phụ trách truyền thông ở Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (GreenViet). Từ đó, Trang đã tham gia nhiều chương trình ở trung tâm này nhằm nghiên cứu và chăm sóc loài voọc chà vá chân nâu nằm trong Sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng cao tại bán đảo Sơn Trà.

Trong thời gian làm việc tại đây, Trang đã cùng các nhân viên ở GreenViet thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau về loài voọc chà vá chân nâu để có kế hoạch bảo tồn.

“Bán đảo Sơn Trà còn khoảng 350 con voọc chà vá chân nâu. Số lượng trên gần như lập kỷ lục thế giới bởi không có nơi nào tồn tại nhiều voọc chà vá chân nâu quý hiếm đến vậy. Bảo tồn và phát triển voọc chà vá chân nâu không những làm cho môi trường thiên nhiên được giữ vững mà còn đưa bán đảo Sơn Trà vươn xa hơn” - Trang tâm sự.

Kêu gọi người dân tham gia

Ngoài việc nghiên cứu, Trang còn tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền về sự quý hiếm của loài voọc đến người dân, du khách… Bên cạnh đó, cô cùng với GreenViet tổ chức đưa chương trình bảo vệ voọc chà vá chân nâu vào trường học; gắn hình ảnh của loài này ở các cơ sở lưu trú, du lịch trên địa bàn Đà Nẵng…

“Qua những hình ảnh và chương trình đó, mình hy vọng mọi người có thể hiểu rõ hơn về loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ cấp thiết này” - Trang nói.

Theo Trang, trong dự án được vinh danh, ngoài việc đưa ra thực tế về tình trạng cũng như sự tồn tại của voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, cô còn có những kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, bảo vệ loài động vật quý hiếm, hướng đến việc đưa chúng thành biểu tượng thiên nhiên của Đà Nẵng.

Trang cho biết 3 trong số 10 nhà bảo tồn được vinh danh tại Future For Nature Award 2015 sẽ được trao 50.000 euro/người. “Nếu được nhận số tiền trên, tôi sẽ dùng toàn bộ cho việc khảo sát và xây dựng kế hoạch bảo tồn voọc chà vá chân nâu” - Trang chia sẻ.

Theo Trang, kế hoạch bảo tồn voọc chà vá chân nâu đã được GreenViet hoạch định bao gồm lập một câu lạc bộ bảo tồn tại 19 trường tiểu học và THCS ở quận Sơn Trà nhằm giáo dục tình yêu động vật hoang dã, môi trường thiên nhiên cho học sinh. Ngoài ra, GreenViet sẽ tổ chức tour du lịch hằng tuần miễn phí có tên gọi I love Son Tra để người dân có thể tận mắt thấy loài linh trưởng này.

Người lao động

động vật hoang dã, động vật quý hiếm, trường tiểu học, tour du lịch, lập kỷ lục, voọc chà vá, bảo tồn động vật, kỷ lục thế giới, giải thưởng quốc tế,


© 2021 FAP
  3,318,801       2/1,292