Công nghệ thông tin

Tiền tỉ “nuôi” đường sắt bỏ không

Tuyến đường sắt dài 31 km từ thị trấn Cầu Giát đến huyện Nghĩa Đàn bỏ không đã nhiều năm, mỗi năm ngành đường sắt phải chi ra nhiều tỉ đồng để “nuôi sống” nó

Tuyến đường sắt từ thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) đến huyện Nghĩa Đàn dài 31 km, xây dựng từ năm 1966 nhằm vận chuyển hàng hóa, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân từ các huyện miền núi Tây Bắc tỉnh Nghệ An về xuôi và ngược lại. Sau nhiều năm hoạt động hiệu quả, thời gian gần đây tuyến đường này không còn những chuyến tàu chở hàng, chở khách hoạt động.

Ông Cao Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, thừa nhận: “Do không có người đi lại, hàng hóa nên tàu khách đã ngừng hoạt động. Tàu chở hàng thì đến cuối năm 2012 dừng chạy vì không có đơn hàng”.

Do bỏ hoang nhiều năm nên hiện tại tuyến đường sắt này có dấu hiệu xuống cấp, nhiều đoạn cỏ dại, cây cối mọc um tùm. Các ga tàu hoang lạnh, cơ sở vật chất hư hỏng dần theo thời gian.

Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn bỏ hoang nhiều năm
Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn bỏ hoang nhiều năm

Anh Nguyễn Văn Hải - ngụ xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn - cho biết sự tồn tại của tuyến đường sắt này đang gây ra tình trạng giao thông bị chia cắt, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. “Muốn mở đường cắt ngang để đi lại nhưng vướng phải đường sắt nên không ai dám làm. Nếu không còn sử dụng, ngành đường sắt nên bỏ tuyến đường sắt này” - anh Hải đề xuất.

Mặc dù tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn không còn sử dụng nhưng mỗi năm ngành đường sắt phải chi ra nhiều tỉ đồng để duy trì sự tồn tại của nó. “Không chạy tàu nhưng công ty vẫn phải bố trí khoảng 12 người thường xuyên thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng để bảo đảm chất lượng cầu đường. Kinh phí duy tu, bảo dưỡng trước năm 2014 khoảng 6 tỉ đồng/năm. Hiện tại, ngành đường sắt có cắt giảm nhưng mỗi năm cũng mất ít nhất 2 tỉ đồng, chưa tính tiền trả lương cho các cán bộ, nhân viên” - ông Hùng cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, cho biết: “Tuyến đường sắt bỏ không gây lãng phí lớn, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các huyện miền núi ở đầu tuyến đường sắt này đang rất lớn; đồng thời  còn gây ra tình trạng quá tải trên Quốc lộ 48. Do đó ngành đường sắt đang có hướng khôi phục để đưa tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn hoạt động trở lại”.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,320,987       1/1,803