Công nghệ thông tin

Hàng không Việt tăng cường bảo dưỡng máy bay sau vụ QZ8501 gặp nạn

(NLĐO) - Trao đổi với Báo Người Lao Động hôm nay (30-12), ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã yêu cầu các hãng hàng không nội địa tăng cường công tác bảo dưỡng, bảo trì máy bay theo đúng tài liệu hướng dẫn khai thác của nhà sản xuất.

Yêu cầu này được đưa ra sau vụ chuyến bay QZ8511 của hãng hàng không Indonesia AirAsia chở theo 162 người mất tích hôm 28-12 khi đang trong hành trình bay từ Indonesia đến Singapore.

Theo ông Cường, thông thường, sau khi có điều tra chính thức về sự cố hoặc tai nạn máy bay, nhà sản xuất máy bay và nhà chức trách hàng không của quốc gia điều tra sẽ công bố kết luận. Từ đó đưa ra khuyến cáo an toàn đối với tất cả các hãng hàng không trên thế giới.

Hiện nay, mọi nỗ lực đang dành cho công tác tìm kiếm QZ8501 nên phía Indonesia chưa thể đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào. Các hãng hàng không khác chỉ có thể theo dõi tình hình, giao các bộ phận chuyên môn đưa ra các giả thiết liên quan đến chuyến bay để nghiên cứu, đánh giá rút kinh nghiệm.

Một máy bay của AirAsia
Một máy bay của AirAsia

Ông Cường cũng cho biết Indonesia AirAsia (QZ) đã từng khai thác thị trường Việt Nam vào tháng 9-2009 trên đường bay Jakarta – TP HCM với tần suất 3 chuyến/tuần. Tuy nhiên, tháng 3-2013, hãng đã quyết định ngừng bay.

Hiện nay, các công ty con khác của AirAsia vẫn đang thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam gồm: Malaysia AirAsia (AK) và Thai AirAsia (FD). Mỗi tuần, AirAsia có 11 chuyến bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) và 7 chuyến bay từ Bangkok (Thái Lan) đến Hà Nội; 35 chuyến từ Bangkok và nhiều chuyến bay từ Johor Bahru (Malaysia) đến TP HCM.

AirAsia là tập đoàn hàng không giá rẻ của Malaysia được thành lập năm 2001. Tập đoàn này đã mở rộng mạng bay với các công ty liên kết ở châu Á như AirAsia X, Thai AirAsia, Indonesia AirAsia, AirAsia Inc của Philipines... Tuy nhiên, AirAsia lại chưa thành công khi nhiều lần có ý định mua cổ phần của hãng hàng không nội địa của Việt Nam để lập công ty liên kết tại cửa ngõ quan trọng của khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, năm 2005, AirAsia muốn mua cổ phần của Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific) khi hãng này tách ra khỏi Vietnam Airlines và thực hiện tái cơ cấu. Năm 2007, AirAsia đã ký Biên bản ghi nhớ về việc thành lập liên doanh hàng không với Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nhưng cơ hội kinh doanh bất thành vì sau đó Vinashin không được đầu tư vào hàng không.

Giai đoạn sau đó, Việt Nam cũng tạm dừng cấp phép thành lập hãng hàng không mới vì lo chảy máu chất xám và tạo điều kiện để Pacific tái cơ cấu thành công.

Năm 2010, AirAsia một lần nữa ký thỏa thuận mua 30% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air để hình thành liên doanh hàng không VietJet AirAsia nhưng cũng không thành hiện thực vì vướng chuyện thay đổi thương hiệu.

AirAsia hiện có 8 code chuyến bay, bao gồm AK (Malaysia AirAsia), FD (Thai AirAsia), D7 (AirAsia X), PQ (Philippines AirAsia), Z2 (AirAsia Zest), XJ (Thai AirAsia X), I5 (AirAsia India) và QZ (Indonesia AirAsia).

AirAsia có 2 dòng máy bay, gồm Airbus 320 sử dụng trên các đường bay dưới 4 giờ và Airbus 330 sử dụng cho các đường bay trên 4 giờ.

Người lao động

hãng hàng không, Hãng hàng không giá rẻ, Hàng không giá rẻ, hàng không nội địa, cơ hội kinh doanh, biên bản ghi nhớ, hàng không, AirAsia, máy bay gặp


© 2021 FAP
  3,163,863       4/590