Công nghệ thông tin

Tranh cãi nảy lửa quanh xe buýt chống "dê xồm"

(NLĐO) - Đề xuất thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ tại Hà Nội để chống "dê xồm" làm “nóng” diễn dàn Báo Người Lao Động những ngày qua. Nhiều bạn đọc cho rằng đó là đề xuất “trên mây”, sản phẩm của “phòng lạnh”, có bạn đọc còn đòi cách chức lãnh đạo đơn vị đề ra "tối kiến" này...

TP Hà Nội dự kiến ngày 5-1-2015 sẽ bắt đầu chạy tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ
TP Hà Nội dự kiến ngày 5-1-2015 sẽ bắt đầu chạy tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ

Bạn đọc đòi cách chức lãnh đạo đơn vị có "tối kiến"

Đề xuất thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ tại Hà Nội để chống quấy rối tình dục đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Trên phần bình luận của Báo Người Lao Động, phần lớn ý kiến của bạn đọc cho rằng đề xuất này không khả thi trong điều kiện còn nhiều hạn chế về hạ tầng cũng như ý thức xã hội hiện nay, một số bạn đọc đồng tình hay có những "sáng kiến" để chống quấy rối tình dục mà không phải lập tuyến buýt riêng cho phụ nữ.

Phần lớn bạn đọc cho rằng phương án xe buýt dành riêng cho phụ nữ không khả thi, là giải pháp “trên mây xanh”, “quyết sách phòng máy lạnh” vì như thế gây lãng phí rất lớn, mặt khác làm gia tăng nạn tắc đường. Bạn Hồng Anh đặt câu hỏi: "Xin hỏi giờ Hà Nội có bao nhiêu tuyến buýt? Mỗi tuyến buýt có bao nhiêu đầu xe? Giờ mà mở thêm đầu xe để dành riêng cho phụ nữ thì sẽ gấp thêm bao nhiêu lần, mà hiện tại cơ sở hạ tầng có phù hợp để mở thêm không? Nghĩ đi nghĩ lại quá lãng phí và tốn kém".

Bạn Lê Thành An nêu ý kiến: "Một số sâu làm sầu nồi canh! Đâu cần làm như vậy để thêm phần tốn kém và có vẻ mang hình ảnh những chuyến xe phụ nữ làm xấu mặt đàn ông Việt Nam nói chung". Đồng tình, bạn Cao Minh cũng cho rằng phương án này không khả thi, gây tâm lý không tốt cho những người đứng đắn, tử tế. "Đanh đá" hơn, bạn đọc Nguyễn Cao Sơn nói thẳng: "Điều đó chỉ thể hiện sự bất lực của Hà Nội, việc lập tuyến xe buýt dành cho nữ cũng chỉ là sự hoang phí". "Xe buýt thông thường quản còn không nổi..." - bạn Đặng thanh Vũ nói. Mạnh tay hơn, bạn đọc Văn Vũ còn đòi "cách chức lãnh đạo đơn vị đã để cho ra đời những "tối kiến" như thế này".

Hiến kế chống "dê xồm" trên xe buýt

Tuy nhiên, thực trạng "chị em" bị quấy rối trên xe buýt là không thể phủ nhận. Bạn đọc lấy nickname là “Hồi ấy” bộc bạch: “Tôi thường xuyên đi xe buýt và thường xuyên phải nhìn những cử chỉ, hành động vô văn hóa có tính khiêu dâm với các cô gái và phụ nữ của các thanh niên trơ tráo. Riêng tại Hà Nội, cảnh khiêu dâm trên xe buýt tôi chứng kiến từ những năm 1980, nay là thế kỷ 21 rồi sao vẫn còn tồn tại…”.

Xe buýt quá tải là môi trường dễ xảy ra quấy rối tình dục. Ảnh minh họa: Xuân Hoa - VNE

Xe buýt quá tải là môi trường dễ xảy ra việc "dê xồm" lợi dụng để quấy rối tình dục. Ảnh minh họa: VNE

Rất nhiều bạn đọc đã “hiến kế” chống “dê xồm” trên xe buýt mà không cần đến giải pháp lãng phí và khó khả thi là lập tuyến buýt riêng.

Bạn đọc có nickname “quayroi” chỉ rõ: “Cái quan trọng nhất là ngăn chặn và trị những kẻ quấy rối tới nơi tới chốn để chúng sợ và chừa chứ không phải là đẻ ra cái dành riêng”.

Đồng tình, nickname “motngaymottran” nói: “Chưa có luật thì ban hành luật, đã có luật thì mạnh tay xử... nhẹ thì cảnh cáo phạt vài triệu, nặng thì cho ôm lịch, các tội phạm loại này đều phải ghi vào lý lịch ở địa phương (nếu đi làm thì ghi vào hồ sơ nhân viên) để răn đe. Hành vi quấy rối tình dục không chỉ xảy ra nơi công cộng mà có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu... Không lẽ sau này sẽ sáng kiến thêm "công sở dành riêng cho nữ" "rạp hát dành riêng cho nữ" "bãi tắm dành riêng cho nữ" "chợ, siêu thị dành riêng cho nữ"…

Nhiều bạn đọc đồng tình với việc lắp camera, chuông cảnh báo trên xe buýt. Bạn đọc Cao Minh nói: “Nên lắp camera trên xe và các chuông cảnh báo bất an trên xe. Camera có tính năng liên kết với chuông cảnh báo càng tốt, để đánh dấu các đoạn băng bất thường. Mỗi khi có bất an (bị quấy rối, bị móc túi,... nạn nhân sẽ ấn chuông này). Chuông sẽ khiến các hành khách khác hướng sự chú ý đến những kẻ gây hấn và cũng để chúng phải dè chừng”.

Bạn Nguyễn Thiên Ân không đồng ý với việc làm xe buýt riêng cho phụ nữ và đề nghị bổ sung thêm nhiều ghế ngồi trên xe buýt hơn. Tương tự, bạn Nguyễn Cao Sơn cho rằng muốn hạn chế việc quấy rối tình dục, móc túi thì cách tốt nhất là phải làm sao để chấm dứt tình trạng đứng chen lấn trên xe, mỗi xe phải bố trí mỗi người 1 ghế và không có tình trạng phải đứng vì không có chỗ ngồi, lắp camera quan sát trên xe để vừa giám sát tài xế và vừa giám sát an ninh trên xe. “Ngoài việc gắn máy quay phim thì xe buýt cũng có điện thoại nối kết với tổng đài và đường dây nóng khi cần sự hỗ trợ của công an” - bạn Thu Lan nêu ý kiến.

Không chỉ xe buýt dành riêng cho nữ mà “sáng kiến” của bạn đọc là chia xe buýt làm 2 khu vực, dành cho nam và nữ cũng gây rất nhiều tranh cãi. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: vợ chồng, tình nhân cùng đi xe buýt thì ngồi ở đâu, thậm chí mẹ đi cùng con trai 15 tuổi thì sẽ xử lý ra rao?...

Người lao động

xe buýt cho phụ nữ, quấy rối tình dục, quấy rối tình dục trên xe buýt, nữ sinh bị quấy rối tình dục, kẻ quấy rối, xe buýt, UBND TP Hà Nội, dê xồm, máu


© 2021 FAP
  3,164,575       4/599