Công nghệ thông tin

Tuyến buýt riêng cho phụ nữ: Không khả thi!

Ý tưởng triển khai tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ để phòng chống quấy rối tình dục không dễ thực hiện trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về hạ tầng cũng như ý thức xã hội

Theo kết quả điều tra do Tổ chức ActionAid Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình, Môi trường tại Hà Nội và

TP HCM thực hiện được công bố đầu tháng 12-2014, trong tổng số 2.046 người được hỏi có tới 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) nói rằng đường phố là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt.

Cơ sở thực tiễn mong manh

Sau khi báo chí thông tin kết quả của cuộc điều tra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có văn bản yêu cầu Hà Nội kiểm tra, khảo sát các địa điểm, tuyến xe buýt thường xuyên xảy ra quấy rối tình dục với phụ nữ. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng đã chỉ đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ để hạn chế tình trạng quấy rối tình dục như kết quả nói trên.

Mật độ hành khách trên các tuyến xe buýt ở Hà Nội thường rất đông Ảnh: THÙY DƯƠNG
Mật độ hành khách trên các tuyến xe buýt ở Hà Nội thường rất đông Ảnh: THÙY DƯƠNG

Tuy nhiên, lãnh đạo Transerco cho biết trong 8 tháng gần đây (từ ngày 1-4 đến ngày 31-11), đường dây nóng của đơn vị đã nhận được 43.012 cuộc gọi của khách hàng phản ánh về chất lượng dịch vụ nhưng chỉ có 5 hành khách (chiếm 0,4%) phản ánh sự việc liên quan đến quấy rối tình dục. Có nghĩa là cứ khoảng 10.000 lượt khách hàng phản ánh thì mới có 1 người phản ánh về tình trạng quấy rối tình dục.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng về góc độ nhân văn, triển khai sáng kiến này thể hiện sự quan tâm của xã hội với nữ giới một cách kịp thời. “Tuy vậy, đưa tuyến buýt dành riêng cho phụ nữ vào hoạt động thì đã ngầm chứa nội dung xã hội Việt Nam đang tồn tại việc quấy rối tình dục một cách nghiêm trọng. Trong khi thực tế lại không như vậy. Chưa kể, việc phân riêng tuyến xe buýt cho nam và nữ còn có thể ngầm thừa nhận sự không bình đẳng giới” - ông Bình nêu ý kiến.

Hạ tầng, vật chất không đủ đáp ứng

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng Giám đốc Transerco, cho biết trong thời gian tới, Transerco sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế, lên phương án cụ thể trước khi triển khai thực tế theo chỉ đạo của TP Hà Nội. Theo ông Trung, có thể có nhiều phương án được đặt ra khi triển khai tuyến buýt này. Trong đó, nhiều khả năng sẽ thực hiện tăng cường một số xe nhất định vào giờ cao điểm trên một vài tuyến đông học sinh, sinh viên, công nhân... Tuy nhiên, phương án thực hiện cuối cùng hiện nay chưa gút lại.

Về ý tưởng này, PGS-TS Trịnh Hòa Bình khẳng định muốn thực hiện cần phải có không gian vật chất, văn hóa phù hợp. Trong khi đó tại Việt Nam, hệ thống giao thông đang rất căng thẳng, thể hiện ở đường sá chật hẹp, thiếu không gian bến bãi. Do đó, sáng kiến này không thể thực hiện được.

Theo TS Đinh Thị Thanh Bình - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải (GTVT), Đại học GTVT - nhìn vào điều kiện thực tế của ngành giao thông Việt Nam thì việc tạo chuyến vận tải riêng cho nữ giới với loại hình xe buýt là khó khả thi. Bà Bình phân tích: “Với hệ thống đường sắt đô thị thì việc bố trí một toa cho đối tượng riêng là dễ dàng và nhiều nước đã làm được. Nhưng với loại hình xe buýt thì việc tăng chuyến, tăng xe rất khó, nhất là vào giờ cao điểm. Bình thường, hiệu suất sử dụng trên mỗi tuyến buýt cao điểm đã quá tải 1,8 lần; tuyến không đông cũng quá tải 1,2-1,5 lần. Giờ cao điểm, thường tần suất các chuyến buýt được huy động tối đa, chừng 5-10 phút/chuyến. Nếu tiếp tục xen kẽ chuyến riêng dành cho phụ nữ vào giữa các chuyến cố định thì không phải trục đường nào cũng chịu được áp lực về tắc đường”.

Về góc độ kinh tế, TS Bình e ngại khi chưa rõ TP sẽ lấy nguồn ngân sách nào để trợ giá cho những tuyến buýt tăng cường. “Bên cạnh đó, tần suất của các chuyến buýt này sẽ không lớn, nếu thực hiện được cũng chỉ một vài chuyến ở một vài khung giờ cố định nên sẽ không hấp dẫn doanh nghiệp phục vụ. Như vậy, về góc độ hạ tầng lẫn kinh tế đều không khả thi” - TS Đinh Thị Thanh Bình nhận xét.

Tuyên truyền ý thức xã hội

Theo TS Đinh Thị Thanh Bình, việc tuyên truyền ý thức xã hội, ứng xử văn minh, nâng cao vai trò của lực lượng cảnh sát, công an, đồng thời giáo dục cho phụ nữ biện pháp tự bảo vệ mình sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc thành lập chuyến xe buýt riêng cho phụ nữ để tránh quấy rối tình dục.

Đại diện Transerco cho biết đơn vị đã và sẽ thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa các hành vi quấy rối tình dục trên xe buýt. Ngoài phản ánh qua số điện thoại đường dây nóng của công ty, thư điện tử, hành khách có thể gọi theo số đường dây nóng của Công an TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội được niêm yết trên xe buýt...

Người lao động

© 2021 FAP
  3,324,387       1/731