Công nghệ thông tin

Hà Nội “trảm” hàng loạt cây xanh

Sở Xây dựng TP Hà Nội đã trình UBND TP phê duyệt đề án cải tạo, thay thế cây xanh trên 190 tuyến phố của 10 quận nội thành, giai đoạn 2014-2015, kinh phí thực hiện khoảng 73,38 tỉ đồng

Đánh giá thực trạng cây xanh đường phố trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội, ông Hoàng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết các cây cổ thụ với đường kính lớn, tuổi đời cao được trồng từ thời Pháp đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở gốc, thân; rễ bị thối dễ bị gãy đổ trong mùa mưa bão, đặc biệt là cây xà cừ. Nhiều cây được trồng sau ngày giải phóng thủ đô cũng đang dần già cỗi, cong nghiêng, sâu mục như quếch, phượng, cơm nguội, bàng, xà cừ... hay các loại cây không thuộc chủng loại cây trồng đô thị như dâu da, vông, gòn... đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của hệ thống cây xanh và an toàn giao thông.

Hơn 100 cây lát hoa đã được trồng trên phố Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình)
thay thế cho 98/144 cây bị chặt hạ Ảnh: NGUYỄN QUYẾT
Hơn 100 cây lát hoa đã được trồng trên phố Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) thay thế cho 98/144 cây bị chặt hạ Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

“Vì vậy, các trường hợp không đúng chủng loại, cây cong, nghiêng, sâu, mục, không bảo đảm an toàn giao thông, cảnh quan đô thị... cần được thay thế bằng các loại cây phù hợp hơn, hướng tới bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh đường phố theo quy hoạch được duyệt” - ông Sơn nói.

Cụ thể, trên tuyến vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu và Kim Liên - Ô Chợ Dừa, 139 cây sấu được trồng thay thế. Trên tuyến phố Kim Mã đã chặt hạ 50/52 cây, dịch chuyển 4 cây và trồng 47 cây (24 cây thàn mát, 23 cây bằng lăng); phố Nguyễn Thái Học chặt hạ 98/144 cây, trồng 101 cây lát hoa... Tại 4 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã cho chặt hạ tổng cộng 787 cây, dịch chuyển 25 cây, trồng bổ sung vào vị trí trống 67 cây và trồng 775 cây thay thế...

Trước các ý kiến băn khoăn về việc chặt cây sẽ ảnh hưởng đến không gian, môi trường của thủ đô, đại diện Sở Xây dựng khẳng định khi khảo sát, các lực lượng chuyên môn luôn đánh giá đầy đủ các yếu tố lịch sử cũng như độ an toàn, đồng thời cho biết thời gian tới sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn.

Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, thừa nhận việc di chuyển đối với các cây lớn rất khó khăn, cần phải tiến hành theo nhiều bước trong thời gian nhất định mới bảo đảm an toàn. Tuy vậy, ông khẳng định việc di chuyển cây theo kế hoạch trong thời gian tới sẽ được triển khai.

Không để ảnh hưởng đến nét đẹp của thủ đô

Góp ý về kế hoạch này, ThS Nguyễn Văn Thịnh, giảng viên Khoa Quản lý đô thị Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng đường đô thị có những quy chuẩn nhất định về tỉ lệ che phủ của cây xanh, tỉ lệ này không giống nhau đối với từng loại đường, từng địa phương. Do đó cần có sự đánh giá kỹ về yếu tố lịch sử các tuyến đường của thủ đô trước khi thay thế hàng loạt cây xanh.

“Hà Nội có đặc trưng với những con đường rợp bóng cổ thụ. Do đó, việc thay thế cây mối mọt, hư hỏng là cần thiết nhưng cần có lộ trình thay dần dần, không thể biến các con phố vốn nhiều cây xanh trở thành các phố không cây hoặc cây mới ươm, quá bé. Việc này sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt thủ đô, độ hấp dẫn khách du lịch...” - ThS Thịnh lưu ý.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,324,382       2/731