(NLĐO) - UBND TP HCM vừa yêu cầu các sở ngành, quận huyện tăng cường công tác quản lý người lang thang, người ăn xin, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP từ nay đến Tết Ất Mùi và những ngày Lễ trọng đại trong năm 2015.
Một người giả dạng nhà sư đi khất thực tại Ngã tư MK quận 9 - Ảnh: Hoàng Triều
Trong thời gian gần đây, đối tượng ăn xin giả dạng người cao tuổi bán tăm bông, tu sĩ khất thực, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật lê lết trên đường phố… xuất hiện và lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền, làm ảnh hưởng đến hình ảnh TP HCM.
Vì vậy, UBND TP HCM giao Sở LĐ-TB-XH tăng cường khảo sát trên các tuyến đường trọng điểm, khu vực thường có nạn xin ăn để phối hợp địa phương tập trung đối tượng, đồng thời có chế độ hỗ trợ cho người dân khi họ phát hiện người xin ăn và thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng.
Lực lượng Thanh niên xung phong phối hợp với Công an TP và Sở LĐ-TB-XH phát hiện và ngăn chặn các trường hợp ăn xin, bán hàng rong, có hành vi đeo bám, gây rối làm phiền khách du lịch và các hành vi vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, đặc biệt tại các khu vực trung tâm trên địa bàn Quận 1, những nơi tập trung khách du lịch.
Việc bán tăm bông như thế này cũng góp phần làm xấu hình ảnh của TP HCM - Ảnh: Hoàng Triều
Ban Tôn giáo TP phổ biến chủ trương đến giáo dân, phật tử, người có đạo “không cho tiền người ăn xin”. Đồng thời, Thành Hội Phật giáo có văn bản hướng dẫn không để tu sĩ đi khất thực trên địa bàn TP, tránh tình trạng giả danh tu sĩ lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền.
Nói về chủ trương này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận yêu cầu 24 quận huyện công khai đường dây nóng để tiếp nhận người lang thang, ăn xin. “Chúng tôi quyết tâm dọn dẹp những hình ảnh xấu nhằm giữ hình ảnh TP HCM văn minh, hiện đại trong mắt bạn bè quốc tế và để người dân đón Tết an vui” – ông Hứa Ngọc Thuận khẳng định.
Văn bản của UBND TP HCM còn nêu rõ quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND TP HCM về việc còn người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn mình quản lý.
Khi phát hiện người ăn xin, người dân có thể điện thoại theo các số sau đây để thông báo: đường dây nóng tại Sở LĐ-TB-XH (Phòng Bảo trợ xã hội), số điện thoại: 38.292491 (giờ hành chính) hoặc 0903.959929; Trung tâm Hỗ trợ xã hội, số điện thoại: 35.533258 (24/24 giờ).
ăn xin, xin ăn, người ăn xin, người lang thang, bán tăm bông, tu sĩ khất thực, mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật, khách du lịch, lấn chiếm lòng lề