Về nguyên tắc, giá xăng dầu (chủ yếu là xăng) giảm sẽ kéo giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, qua đó giúp giá hàng hóa, dịch vụ giảm theo. Tuy nhiên, diễn biến thị trường lại không phải vậy
Từ 15 giờ ngày 22-12, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đã giảm đồng loạt với mức sâu nhất trong năm: xăng A92 giảm 2.050 đồng/lít còn 17.880 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.420 đồng/lít còn 16.990 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.570 đồng/lít còn 17.400 đồng/lít, ma-dút giảm 1.690 đồng/kg còn 13.130 đồng/kg.
Cơ hội kích thích sản xuất
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, tín hiệu giảm giá xăng dầu mạnh mẽ sẽ tiếp tục giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kìm hãm.
Ông Doanh nhìn nhận việc giảm giá xăng dầu trên thị trường thế giới sẽ kéo theo nguồn thu ngân sách từ bán dầu thô của Việt Nam giảm bởi nguồn thu này chiếm đến 10% ngân sách. Tuy nhiên, việc giảm giá xăng dầu lại có ý rất nghĩa lớn trong việc tạo điều kiện giảm giá đầu vào, thúc đẩy sản xuất với nhiều ngành sản xuất - kinh doanh. “Nếu phát huy được tăng trưởng kinh tế dân doanh, đầu tư, sản xuất thì thu thuế từ những hoạt động sản xuất - kinh doanh này sẽ lớn hơn nhiều so với việc trông chờ bán dầu thô. Hơn nữa, nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh là nguồn thu có tính chất tích cực và bền vững, có giá trị về lâu về dài thì rõ ràng là lợi ích đem lại lớn hơn” - TS Lê Đăng Doanh nhận định.
Ở khía cạnh khác, CPI giảm theo giá xăng sẽ có tác động nhất định đến việc giảm lãi suất ngân hàng, tạo thuận lợi cho toàn bộ mặt bằng sản xuất, kinh doanh. “Tuy nhiên, động thái này chỉ thực sự trở thành cơ hội với người dân, doanh nghiệp (DN) khi các chi phí đầu vào, dịch vụ, hàng hóa có sự giảm giá tương ứng với giá xăng dầu. Do đó, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý giá... cần tích cực nhắc nhở, kiểm soát việc giảm giá những mặt hàng thiết yếu, các nguyên liệu đầu vào, thậm chí có chế tài xử phạt các đơn vị không chấp hành” - ông Doanh đề xuất.
Cơ quan quản lý, bình ổn giá thiếu quyết liệt
Về mặt lý thuyết, giá xăng dầu giảm thì hàng hóa thiết yếu cũng sẽ giảm giá theo. Tuy vậy, diễn biến giá thực tế trên thị trường lại không hề nhúc nhích, thậm chí có biểu hiện ngược lại.
Ghi nhận thực tế cho thấy sau hàng loạt kỳ giảm giá xăng dầu vào các tháng 10, 11 và đầu tháng 12-2014, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn không giảm. Hàng hóa trong hệ thống các siêu thị cũng không hề giảm giá. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nói: “Trứng gà công nghiệp của một DN phía Nam vẫn bán ra thị trường với giá 2.700 đồng/quả, trứng gà Ai Cập 4.500-4.700 đồng/quả... là quá cao so với chi phí sản xuất, vận chuyển; giá thịt bò, thịt gà và đồ khô... cũng không hề nhúc nhích. Chúng tôi rất muốn giảm giá cho người tiêu dùng nhưng không thể được vì nhà cung ứng không giảm”.
Thực tế này cũng được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, thừa nhận. Ông Tuấn cho biết xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nên khi chi phí đầu vào giảm, DN phải điều chỉnh giảm giá hàng hóa ở mức hợp lý. “Qua theo dõi, Bộ Tài chính nhận thấy vừa qua, giá các mặt hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá nhiên liệu trên thị trường chưa thể hiện rõ xu hướng giảm. Trong đó, cước vận tải là loại chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu cũng chưa giảm tương ứng, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội” - ông Tuấn nói.
Góp ý về công tác điều hành giá, ông Vũ Vinh Phú cho rằng Luật Giá cho phép khi có biến động bất thường về giá thì cơ quan quản lý nhà nước có quyền kiểm tra, kiểm soát và yêu cầu DN điều chỉnh giá phù hợp. Do đó, trong bối cảnh này, cơ quan quản lý về giá nên chọn một số mặt hàng thiết yếu để rà soát. Nếu làm tốt những mặt hàng đó thì mặt bằng giá cả chung sẽ giảm khá.
Cũng theo ông Phú, vấn đề khiến giá xăng dầu dù giảm rất sâu nhưng vẫn không tác động được đến giá cả thị trường nói chung là do hiệu năng quản lý nhà nước về giá chưa mạnh, các cơ quan liên quan thực hiện công tác bình ổn giá chưa quyết liệt...
Có thể giảm giá xăng sâu hơn nữa
Quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu cũng đã được điều chỉnh lên mức 800 đồng/lít - mức cao nhất từ trước đến nay, tăng thêm 500 đồng/lít so với kỳ điều hành giá trước. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mức trích quỹ bình ổn như vậy là quá cao. “Không nhất thiết phải trích đến 800 đồng/lít xăng dầu bởi số dư của quỹ hiện rất lớn. Nếu quỹ dự phòng tăng nhẹ hơn thì giá xăng có thể giảm sâu hơn nữa” - ông Long nhận xét.
Trước đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố ước tồn quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Petrolimex trước thời điểm giảm giá lần này là 1.955 tỉ đồng. Báo cáo định kỳ tháng 11-2014 của đơn vị này cũng cho biết vào cuối tháng 11-2014, số dư quỹ là khoảng 1.815 tỉ đồng, lớn gấp gần 6 lần so với mức 304,3 tỉ đồng đầu năm 2014.