Công nghệ thông tin

Liều mình mưu sinh trên hồ thủy điện

Thiếu đất sản xuất nên hằng ngày, gần 1.000 người dân tái định cư phải mưu sinh trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở tỉnh Nghệ An

Để xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (320 MW), từ năm 2007-2009,  hơn 2.120 hộ dân ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã rời quê cũ đến nơi ở mới tại huyện Thanh Chương (cách nơi cũ hơn 150 km) sinh sống. Tuy nhiên, do đời sống tại nơi ở mới quá khó khăn nên hàng ngàn người đành bỏ khu tái định cư về khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ mưu sinh.

Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương trong cuộc họp giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tái định cư thủy điện Bản Vẽ do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuối tuần qua, hiện có 342 hộ dân với 1.287 người dựng lán trại, bè, cư trú bất hợp pháp trong khu vực lòng hồ thủy điện. Đa số những hộ dân này từ các khu tái định cư ở huyện Thanh Chương quay trở lại khu vực thủy điện Bản Vẽ để mưu sinh và một số hộ chưa di dời khỏi khu vực lòng hồ thủy điện.

Bất chấp nguy hiểm, người dân làm bè sống trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ
Bất chấp nguy hiểm, người dân làm bè sống trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

Người dân phải bỏ khu tái định cư quay về chỗ cũ là do thiếu đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Ông Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, thừa nhận: “Hiện tại, một số hộ dân trong diện tái định cư thiếu đất, nguyên nhân là việc thu hồi thêm 1.779,9 ha đất lâm nghiệp để chia đất sản xuất cho các hộ dân gặp khó khăn hiện chưa thực hiện được do một số diện tích đất này trước đó đã giao khoán. Ngoài ra, do vướng mắc về kinh phí nên hiện chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ hộ dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ chuyển về ở Thanh Chương”.

Ông Lô Thanh Hài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết: “Người dân quay về khu vực lòng hồ dựng nhà, lập bè sinh sống vì cuộc sống tại nơi ở mới khó khăn, không phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán, trình độ sản xuất của họ. Huyện đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng người dân vẫn cố thủ, không chịu rời khu vực lòng hồ. Chúng tôi rất lo lắng về vấn đề này”.

Việc hàng ngàn người dân bất chấp nguy hiểm hằng ngày mưu sinh trên khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tai nạn, rủi ro dẫn đến chết người có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, việc người dân kéo về khu vực lòng hồ còn khiến 85 con em là học sinh phải nghỉ học trong năm 2014-2015.

Ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho rằng việc để những tồn tại trong công tác di dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ kéo dài là do các bên liên quan chưa thực sự vào cuộc quyết liệt. Ông Điền yêu cầu UBND huyện Tương Dương trong thời gian tới cần phối hợp với Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2 (chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ) quản lý chặt chẽ, xử lý các trường hợp người dân cư trú bất hợp pháp, kiên quyết đưa họ ra khỏi khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Sớm thu hồi đất lâm nghiệp

Liên quan đến việc sửa chữa nhà cửa hư hỏng, bố trí đủ đất sản xuất cho các hộ dân thuộc diện tái định cư thủy điện Bản Vẽ, ông Huỳnh Thanh Điền yêu cầu: “Nhà cửa hư hỏng của các hộ này cần phải sửa chữa, hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Về việc thu hồi khoảng 1.000 ha đất lâm nghiệp tại Thanh Chương để chia cho các hộ, yêu cầu các bên liên quan và UBND huyện Thanh Chương phải hoàn thành trước ngày 30-6-2015”.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,331,632       1/447