Công nghệ thông tin

Có thể kiến nghị dừng Don Sahong

Đó là ý kiến của TS Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ, vì nếu làm thủy điện trên sông Mê Kông, phần lớn lợi nhuận “chảy” vào túi chủ đầu tư trong khi người dân Lào và hạ lưu vực Mê Kông phải gánh chịu hậu quả lớn

* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết quả của hội nghị tham vấn các bên liên quan đối với con đập Don Sahong diễn ra tại Pakse (Lào) ngày 12- 12?

Có thể kiến nghị dừng Don Sahong

- TS Dương Văn Ni: Kết quả không như mong muốn bởi tiếng nói từ cộng đồng các quốc gia còn quá lẻ loi. Điều này cũng có thể dự đoán qua quá trình tham vấn cộng đồng (PNPCA) rất khác nhau giữa các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam có bước chuẩn bị tốt hơn Campuchia và Lào. Các tổ chức dân sự của Thái Lan có kinh nghiệm tham vấn cộng đồng rất tốt. Việt Nam lần này có thời gian sớm hơn nên đã tổ chức được nhiều đợt tham vấn với sự tham gia đông đảo người dân ở ĐBSCL cũng như các bên liên quan. Campuchia chỉ tổ chức vài cuộc tham vấn, trong khi Lào gần như không.

Hội nghị lại vắng bóng khá nhiều tổ chức quốc tế có uy tín, chẳng hạn Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF). Đây là tổ chức có nhiều hoạt động trong 4 nước hạ nguồn Mê Kông. Họ có rất nhiều thông tin, nhất là lĩnh vực môi trường và đa dạng sinh học, nên sự vắng mặt của họ là một điều rất đáng tiếc vì thiếu bên phản biện. Nguyên nhân có thể do việc triển khai tham vấn cộng đồng tại một số quốc gia chưa thật sự nghiêm túc nên họ không tham gia.

* Khi triển khai dự án, việc tham vấn cộng đồng là trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng với thủy điện Don Sahong, Ủy ban Mê Kông (MRC) lại đứng ra thực hiện, như vậy có đúng với tinh thần của Hiệp định Mê Kông 1995?

- Lẽ thường, ai gây ra tác động phải có trách nhiệm tham vấn những người có thể bị ảnh hưởng. Hiệp định Mê Kông đã thể hiện điều đó. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng nếu Lào tổ chức tham vấn thì e rằng khả năng tiếp cận đến cộng đồng còn thấp hơn. Trong khi MRC có ủy hội tại các quốc gia thông qua Hiệp định Mê Kông nên thực hiện việc này sẽ phù hợp hơn. Để Lào chấp nhận hoãn dự án và thực hiện tham vấn trước là cả một quá trình đấu tranh của MRC. So với thủy điện Xayaburi trước kia, đây là một bước tiến lớn.

Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Don SahongẢnh: Dương Thiện
Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Don SahongẢnh: Dương Thiện

* Tuy nhiên, MRC không có quyền phủ quyết đối với dự án của các quốc gia thành viên, trong khi Lào dường như quyết tâm xây Don Sahong bằng mọi giá. Liệu tiếng nói cộng đồng có thể lật ngược thế cờ?

- Đúng là Hiệp định Mê Kông không có sự ràng buộc mang tính pháp lý nhưng không vì thế mà “cái nào luật không cấm thì mình cứ làm”. Trong bối cảnh hiện nay, sự phụ thuộc giữa các quốc gia càng ngày càng lớn. Lào và ĐBSCL có sự gắn bó khá chặt chẽ về kinh tế, nếu ĐBSCL không ổn định, Lào sẽ bị tác động. Hơn nữa, ĐBSCL không chỉ có vai trò ổn định kinh tế - xã hội cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực. Vì thế, tôi nghĩ các quốc gia liên quan sẽ không im lặng. Vả lại, Lào cũng không nhận được nhiều lợi nhuận trong việc xây đập thủy điện Don Sahong.

Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược do MRC thuê tư vấn độc lập thực hiện cho thấy chỉ 5% sản lượng điện sản xuất từ 11 thủy điện trên dòng chính Mê Kông được tiêu thụ tại Lào và Campuchia, còn lại xuất sang các nước khác. 30 năm đầu, khoảng 70% doanh thu thuộc về nhà đầu tư, 30% thuộc về nước chủ nhà. Sau đó, nước chủ nhà sẽ được hưởng toàn bộ doanh thu nhưng phải trả tiền vay vốn ban đầu (tổng cộng cho 11 thủy điện khoảng 25 tỉ USD).

Khi công trình hết “tuổi thọ” (50-100 năm), nước chủ nhà phải tốn chi phí tháo dỡ đập. Nếu cân nhắc thiệt - hơn thì việc không xây Don Sahong là quyết định khôn ngoan. Với những luận chứng chúng ta hiện có, Việt Nam có thể kiến nghị chính phủ Lào dừng dự án thủy điện Don Sahong.

* Theo kế hoạch của Lào, sẽ có 9 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đoạn chảy qua lãnh thổ nước này, trong đó Don Sahong có công suất lắp máy nhỏ nhất với 260 MW, trong khi các thủy điện còn lại có công suất trên 1.000 MW. Vậy, tại sao Lào vẫn quyết tâm xây dựng công trình này?

- Trong chuỗi thủy điện trên đất Lào, đập Xayaburi gần ở đầu nguồn và đập Don Sahong ở cuối nguồn. Vì thế, nếu 2 đập này xây xong thì việc xây các đập còn lại chỉ là vấn đề thời gian. Tôi cho rằng đây không phải ngẫu nhiên mà có sự tính toán rất kỹ.

* Vậy, các nước trong khu vực cần làm gì tiếp theo?

- Chúng ta nên tiếp tục tổ chức thêm các cuộc tham vấn cộng đồng, không chỉ ở ĐBSCL mà mở rộng ra cả nước, vì 100% trong khoảng 1.000 người dân mà chúng tôi mời đến các cuộc tham vấn cộng đồng vừa qua không biết gì về Don Sahong lẫn thủy điện trên sông Mê Kông. MRC cũng nên kéo dài thời gian tham vấn từ 6 tháng lên 8-12 tháng chẳng hạn để bảo đảm thông tin đến được cả cộng đồng bị ảnh hưởng. Chúng ta vẫn còn hội nghị tham vấn cấp vùng lần 3 và cuộc họp của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Kông vào năm sau.

Trường hợp Lào vẫn xây Don Sahong, người dân phải chuẩn bị kế hoạch ứng phó cho tương lai của họ. Các tác động tiêu cực chắc chắn sẽ xảy ra và những vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại là không thể tránh khỏi vì xu thế của phát triển chung là giải quyết các tranh chấp hay mâu thuẫn giữa các quốc gia dựa trên luật lệ quốc tế. Do đó, các cuộc tham vấn với cộng đồng là bước đầu xây dựng cơ sở pháp lý và nếu chúng ta tiếp tục đánh giá các tác động ảnh hưởng đến người dân liên tục thì đó sẽ là những chứng cứ vững chắc cho một bộ hồ sơ kiện tụng sau này.

Đánh giá tác động môi trường thiếu chuyên nghiệp

Công ty Mega First, chủ đầu tư dự án Don Sahong, chưa hề làm dự án thủy điện nào trước đó. Ngay từ báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, như nghèo thông tin, thậm chí thông tin sai lệch.

Mạng lưới sông ngòi quốc tế đã đánh giá độc lập về kỹ thuật đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Don Sahong. Theo đó, đánh giá tác động môi trường chỉ ra rằng tỉ lệ cá chết khi xuống hạ nguồn cao hơn khi qua các tuabin, đặc biệt là đối với các loài cá dài hơn 50 cm, tỉ lệ sống sót trong thời gian di cư là 88%-90% nhưng đây là số liệu cá Bắc Mỹ, chứ không phải cá sông Mê Kông. Ngoài ra, các biện pháp giảm thiểu mà chủ đầu tư đưa ra chưa được chứng minh trên sông Mê Kông, như công nghệ tuabin bóng đèn chảy thẳng hay “hệ thống bẫy và vận chuyển” được đề xuất để bắt cá lớn từ dưới đập và vận chuyển chúng qua phía trên đập. Phương pháp này sẽ gây ra nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài trên sông Mê Kông.

Chính vì vậy, nhiều tổ chức trên thế giới đã khuyến cáo Lào không xem thường sinh kế của người dân các nước hạ nguồn.

Người lao động

nhà đầu tư, chủ đầu tư, sông Mê Kông, dự án thủy điện, đập thủy điện, đập thủy điện Don Sahong, Don Sahong, thủy điện, chủ đầu tư dự án, đánh giá tác


© 2021 FAP
  3,170,173       4/576