Mỗi khi đến kỳ họp HĐND là người dân Đà Nẵng lại nhớ đến ông Nguyễn Bá Thanh với những phẩm chất đặc biệt, dù ông đã thôi nhiệm vụ chủ tịch HĐND TP gần 2 năm nay
Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII vừa kết thúc với nhiều nội dung và quyết sách quan trọng, có chất lượng. Và cứ mỗi khi đến kỳ “họp hội đồng”, người dân Đà thành lại nhắc nhớ những câu chuyện về Nguyễn Bá Thanh khi ông còn nắm chức chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng trong suốt 10 năm từ 2003-2013 với những phiên họp và chất vấn, truy trách nhiệm cực kỳ sôi nổi, quyết liệt. Hầu hết các buổi họp như thế được truyền hình trực tiếp nên người dân háo hức mở tivi “chờ nghe ông Thanh”! Dù ông đã ra Hà Nội làm Trưởng Ban Nội chính trung ương và vắng mặt trên chính trường một thời gian vì lâm bệnh nhưng trong ký ức người dân Đà Nẵng, những phiên “họp hội đồng” đậm dấu ấn Nguyễn Bá Thanh nay như vẫn còn sờ sờ trước mặt.
Gần dân
Khi bạn tôi, Nguyễn Bá Thanh, được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thì tôi không đến nhà anh nữa, kể cả trong dịp Tết. Chị Quý - vợ anh - thắc mắc, tôi bảo bây giờ ổng nhiều khách khứa, tôi sợ ổng mất thì giờ! Thật ra, đó chỉ là cách nói với phụ nữ. Còn đối với anh, nếu cần phải nói với nhau chuyện gì, tôi gọi điện thoại hẹn và trực tiếp gặp nhau ở chỗ cơ quan anh. Những buổi gặp như vậy, anh đóng cửa không tiếp khách và thường diễn ra ít nhất là một giờ trở lên, khó dứt được. Có lúc vui vẻ nhưng cũng có lúc căng thẳng nhưng chúng tôi đều không ai để bụng...
Chúng tôi quen nhau khi anh Thanh vừa từ Hà Nội về làm cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang và tôi làm cán bộ đi xây dựng mạng lưới vật tư nông nghiệp từ sau giải phóng. Đến khi anh làm chủ nhiệm hợp tác xã rồi phó chủ tịch huyện, tôi chuyển qua làm báo. Lúc đó, tôi có viết về anh một bài, tựa là “Câu chuyện chốn quan trường”, tả việc hôm trước làm chủ nhiệm, chưa vợ, ăn ngủ ở hợp tác xã, chiều đánh bóng chuyền với nông dân. Sáng tinh mơ, nông dân thò tay vào cửa sổ kéo chân đánh thức dậy phát vật tư... Khi lên phó chủ tịch, bắt đầu mua cặp đen, áo vest, thái độ bắt đầu quan cách, xa dân. Một hôm mới thức dậy ở khu tập thể, có bác nông dân gia đình chính sách đến gõ cửa xin duyệt chỉ tiêu gỗ xây dựng nhà ở theo chủ trương của tỉnh. Anh vừa tỉnh ngủ, nạt người kia, bảo chờ và dắt xe ra thị trấn uống cà phê, ăn sáng. Đang ngồi với cốc cà phê, phó chủ tịch huyện hồi tưởng đến thời kỳ anh làm chủ nhiệm, gần dân thắm thiết và nhiều kỷ niệm vậy, sao giờ chỉ có chức quan nhỏ thôi mà đã hách dịch. Anh vội quay về, lí nhí xin lỗi người nông dân ấy và phê duyệt số gỗ người ấy được mua, tự tay đi đóng dấu...
Sâu sát, phê bình thẳng tay và biết lắng nghe
Một người như thế, khi làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã là người sâu sát, không quan cách và đã làm cho thành phố thay đổi như bây giờ chúng ta biết. Có lúc tôi hỏi anh lấy sức đâu mà nửa đêm đi kiểm tra công nhân vệ sinh, 4 giờ sáng đã đi thực địa các công trình xây dựng, gặp gỡ người dân giải tỏa mở đường; cả ngày chủ nhật, đi hớt tóc vẫn chọn cái anh hớt tóc vừa gửi đơn khiếu kiện nhà đất để tìm hiểu thực tế..., anh Thanh bảo “phải chơi thể thao mới có sức làm việc ông ạ”. Lần ấy anh rủ tôi đi chơi tennis và ngỏ ý tặng tôi cây vợt nhưng tôi chỉ chơi cầu lông thôi nên không nhận... Hồi lụt lớn 2 năm 1999 và 2000, anh đi chỉ đạo ở các quận - huyện và luôn không quên gọi điện thoại cho phóng viên ở các điểm khác để nắm tình hình, thành ra báo chí trở thành cánh tay nối dài của chủ tịch tỉnh. Nhờ vậy, dưới thời anh làm lãnh đạo Đà Nẵng, năm nào các nhà báo cũng được tặng rượu và chè móc câu ăn Tết. Anh bảo các đơn vị, doanh nghiệp họ làm ăn được đã tặng tôi vì tôi đã giúp họ, tôi lại tặng cho các ông vì các ông cũng giúp tôi nhiều việc, cho vui mà!
Không chỉ có thế, từ khi làm chủ tịch đến bí thư, Nguyễn Bá Thanh có lẽ không vắng mặt trong các dịp tang, bệnh tật nào của anh em báo chí. Khi nhà báo Đặng Ngọc Khoa trong cơn thập tử nhất sinh ở bệnh viện, anh cũng đến thăm tận nơi và giúp đỡ tận tình cho vợ con để Khoa thanh thản ra đi... Các vị lãnh đạo TP Đà Nẵng trước và sau Nguyễn Bá Thanh, hiếm ai chịu khó đến như vậy!
Sự sâu sát của Nguyễn Bá Thanh khiến các giám đốc sở, cán bộ lãnh đạo dưới quyền không dám làm việc lơ mơ, báo cáo dối trá. Nhiều trường hợp anh khiến cấp dưới phật ý vì bị phê bình thẳng tay giữa diễn đàn, ở chỗ đông người. Công việc chạy trơn tru có lẽ là nhờ đó. Nhưng sự sâu sát đó cũng khiến có người phàn nàn. Một hôm tôi góp ý với anh: Ông làm chủ tịch (sau này là bí thư) sao lại dài tay đến những việc quá cụ thể như duyệt từng lô đất, chỉ đạo cả màu sắc, cách sắp xếp ghế ở sân vận động, ở nhà hát? Anh em vì sợ ông mà mất đi sự sáng tạo! Nguyễn Bá Thanh nói: Đúng là như vậy nhưng bí thư phải thò tay vào việc nhà đất vì mấy ông chủ tịch chân ướt chân ráo chưa nắm hết tình hình có đề nghị tôi (anh bảo có văn bản hẳn hoi) hỗ trợ họ. Nhưng bộ máy giúp việc vẫn của ủy ban đưa lên. “Nhưng xin cám ơn, tôi sẽ giảm dần...” - anh nói. Một lần khác, tôi dẫn lời các vị trí thức chê cách nói năng của anh trên diễn đàn HĐND có truyền hình trực tiếp là “thiếu chất văn hóa nghị trường”, không có lợi, anh bảo: Chuyện đó đúng, tôi sẽ sửa. “Nhưng nóng ruột quá ông ơi!” - anh cười nói... Lần nữa, các cụ hưu trí kể với tôi chuyện có mấy anh “tre trẻ” bưng nước, lau mồ hôi cho anh sau trận tennis, trông rất khó coi, tôi nói: Ông để người ta thấy như vậy sẽ không có lợi vì dư luận sẽ bảo ông muốn được phục vụ như phong kiến. Anh giải thích: “Đang chơi mệt, mình cũng không để ý ông à. Thôi tôi sẽ bảo lại tụi nó”. Vậy đó, Nguyễn Bá Thanh cũng là người không cố chấp và để bụng trước lời ngay.
Không đầu hàng cái khó
Nguyễn Bá Thanh là người của công việc, có chút gì đó của chất lính, không chịu đầu hàng. Đánh cờ tướng, anh phải đánh cho thắng, dù đó là các cụ hưu trí hay anh cán bộ thường. Thua bữa nay, anh về ngẫm nghĩ, nghiên cứu nước cờ, bữa sau lại rủ đánh tiếp. Đá banh hay đánh tennis cũng vậy, anh em chơi cùng anh cứ nói “ổng máu lắm!”. Anh kể hồi nhỏ học lớp 6 ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), trong lớp có thằng to con cứ ăn hiếp mấy đứa nhỏ, Thanh thách đấu với nó: “Ngon thì chơi với tao, đừng cậy lớn hiếp bé”. Thằng kia chấp nhận nhưng đánh nhau mấy bận cũng bất phân thắng bại. Thanh lại rủ nó cùng cưa... lựu đạn. Nhặt được trái M26, hai thằng kéo ra gò mả lấy cưa sắt ra cưa. Mỗi đứa ngồi một bên, kéo, đẩy. Thanh kể: “Tôi vừa cưa vừa nhìn thẳng vô mắt nó. Thấy nó bắt đầu ngó lơ, trán toát mồ hôi, tôi lại hối, cưa đi cưa đi, chết đâu mà lo! Vậy là nó bỏ cưa, chạy. Từ đó, nó không dám ăn hiếp bọn bạn nhỏ con nữa”. Tính khí của Nguyễn Bá Thanh có lẽ ăn sâu trong huyết quản từ những câu chuyện thời nhỏ.
Điều tôi vẫn nhớ về Nguyễn Bá Thanh không phải là những cuộc đối thoại của anh với anh em xe thồ, các ông chồng hay đánh vợ, anh em tội phạm được tha về hay những em bé lang thang để tìm cách giúp đỡ họ. Nhớ là nhớ điều đã thôi thúc người lãnh đạo này đã nghĩ ra cách làm chưa có tiền lệ đó. Một lần, anh nói: “Ông biểu đưa thành phố tiến lên, GDP tăng cao mà để họ, 1/3 dân số trong cảnh không có cơm ăn, bệnh tật, nghèo khổ vào phạm tội thì làm sao được! Cả nước cũng vậy thôi, vài chục triệu dân thành thị làm sao gánh nổi 70 triệu nông dân đang còn nghèo”. Câu nói đó của Nguyễn Bá Thanh giúp tôi hiểu anh hơn và càng hy vọng khi anh được điều về trung ương...
Vậy mà bệnh tật lại ngăn cản những hoài bão to lớn của một người nhiều thành tâm như anh!
Đà Nẵng, 13-12-2014
Muốn giỏi thì học!
Con người đó có một ý chí mạnh mẽ. Còn nhớ, khi được ông Mai Thúc Lân đề bạt lên làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (cũ), nhiều dị nghị bảo làm giám đốc nông trường, chủ nhiệm hợp tác xã, trưởng ty nông nghiệp thì làm sao quán xuyến nổi một thành phố. Vậy là Nguyễn Bá Thanh tự ái. Anh đi gặp nhiều người hỏi ý kiến về quản lý đô thị, đọc nhiều sách về kinh nghiệm của các nước (sau này mới được ra nước ngoài) để bồi bổ kiến thức cho mình. Sau này, phải nói là thành phố mở rộng ra nhiều lần rất đẹp là nhờ sự tích lũy kiến thức quy hoạch, xây dựng đô thị, quản lý môi trường mà anh đã dày công từ buổi ban đầu, cộng với ý chí không biết thụt lùi của một người con đất Quảng được hun đúc từ nhỏ.
Ông Nguyễn Bá Thanh (giữa) kiểm tra một dự án ở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng Ảnh: NGUYỄN THÀNH