Công nghệ thông tin

Kiểm soát không nổi

Nuôi động vật hoang dã trước nay được cho là giúp bảo tồn một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, việc nuôi nhốt tràn lan ở gần và ngay trong khu bảo tồn đang gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý

Theo các nghị định và thông tư của Chính phủ, nuôi động vật hoang dã để kinh doanh hợp pháp cần được tạo điều kiện và nên khuyến khích. Trong đó, việc nuôi, tạo giống được cho là giúp bảo tồn một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng (do hoàn cảnh thiên nhiên khách quan và con người tận diệt). Tuy nhiên, gần đây, chính bộ phận bảo tồn và kiểm lâm “kêu trời” vì tình trạng nuôi nhốt ồ ạt. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai có biện pháp giảm thiểu các trại nuôi nhốt trong và ven khu bảo tồn. Đơn vị này cho rằng việc cấp phép tràn lan như hiện nay là không hợp lý và khó kiểm soát.

Lực lượng mỏng, chế tài không chặt

Diện tích toàn Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai rộng hơn 100.000 ha nhưng toàn bộ lực lượng của đơn vị chỉ có 109 người. Lực lượng kiểm lâm ở các huyện với sự hoạt động độc lập, quân số cũng ít ỏi, chẳng hạn như huyện Vĩnh Cửu chỉ có 20 người. Trong khi đó, theo đơn vị này, nạn xâm phạm rừng cùng số vụ săn bắn thú rừng vẫn rất phổ biến, ngoài những vụ phát hiện còn có rất nhiều vụ khác mà kiểm lâm không kiểm tra hết được. Các đối tượng vi phạm thường sử dụng những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một số đối tượng dùng cả vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế để chống đối, bắn trả kiểm lâm đang thực thi công vụ.

Rắn hổ chúa, một loài động vật hoang dã rất nguy hiểm ở khu vực này
Rắn hổ chúa, một loài động vật hoang dã rất nguy hiểm ở khu vực này

Cách đây vài tháng, tại khu vực thuộc Trạm Kiểm soát Suối Trau (Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai), lực lượng kiểm lâm tiến hành chặn một ô tô có dấu hiệu nghi vấn do Vũ Văn Sơn cầm lái. Người này không chấp hành mà còn gọi điện kêu rất nhiều người đến và tấn công lực lượng kiểm lâm. Các đối tượng quá hung hãn, manh động khiến ông Trần Đức Dũng, phó trạm, bị thương nặng. Chỉ đến khi lực lượng kiểm lâm nổ súng chỉ thiên thì những kẻ manh động mới chịu bỏ chạy. Sau đó, Sơn bị bắt tạm giam, khởi tố về 2 tội “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý gây thương tích”. Trước đó, anh Phạm Văn Nông, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Ràng (cũng thuộc khu bảo tồn), sau khi lập biên bản 2 kẻ vừa săn 3 con dúi từ trong rừng ra đã bị những người này mai phục trả thù. Bọn chúng dùng hung khí đánh anh Nông gãy tay, một kiểm lâm viên khác phải bỏ chạy thoát thân. Bọn chúng còn liều lĩnh chống lại cả công an xã, chỉ khi công an huyện, tỉnh xuống mới chịu thúc thủ; hàng chục đối tượng bị bắt giữ.

“Tình trạng các quán nhậu trở thành những trạm trung chuyển, “chợ đầu mối” để gom thịt thú rừng từ các vườn quốc gia, khu bảo tồn đi các nơi, lực lượng kiểm lâm biết hết nhưng không làm gì được. Muốn kiểm tra các điểm này thì phải nhờ hạt kiểm lâm, công an huyện phối hợp vì là nhà dân. Phát hiện tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng thì cũng chỉ ở mức xử phạt hành chính, còn gặp thợ săn vứt bỏ tang vật rồi chối thì cũng đành chịu…” - một cán bộ quản lý của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai lắc đầu.

Đừng nuôi ở trong và ven khu bảo tồn!

Theo ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, không nên cho phép nuôi động vật hoang dã trong và gần khu bảo tồn. Điều này ở nước ta vẫn thực hiện trong khi nhiều nước khác rất “kỵ”. Nhiều ý kiến cho rằng việc nuôi nhốt động vật hoang dã tại các trang trại giúp bảo tồn giống... Tuy nhiên, nạn buôn bán động vật hoang dã theo đó lại ngày càng phức tạp, đặt trong tình trạng báo động. Các chủ trang trại không phải lúc nào cũng thật thà khai báo nên không thể kiểm soát được. “Khi vấn đề cho phép nuôi nhốt còn gây nhiều tranh cãi, trước mắt cần phải thu hồi giấy phép, không tiếp tục cấp phép, đồng thời di dời động vật hoang dã đang nuôi ra khỏi khu vực trong và ven khu bảo tồn. Điều này tránh việc có thể gây lây lan dịch bệnh đối với động vật hoang dã trong rừng đặc dụng và khó khăn cho công tác chống săn bắt” - ông Mùi nói.

Ông Bùi Minh Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu, cho rằng với lực lượng mỏng, trong tình trạng hiện nay, kiểm lâm huyện cũng khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện các đường dây buôn bán động vật hoang dã cũng như kiểm soát các trang trại nuôi nhốt trên địa bàn. Theo ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, cơ quan quản lý nắm bắt được tình trạng khó khăn của lực lượng kiểm lâm khu vực bảo tồn nhưng do hiện nay các văn bản quy định không có gì thay đổi nên chưa thể tự ý điều chỉnh. “Nghị định 82/2006/NĐ/CP, Thông tư 47/2012/TT-BNNPTNT đã quy định về các vấn đề bảo tồn, dù còn có nhiều tranh luận nhưng trước mắt chưa có quy định mới thì vẫn phải chấp hành” - ông Dũng nói.

Riêng đối với cá sấu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết phong trào nuôi nhốt gần đây quá tràn lan khiến đơn vị này khó kiểm soát. Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, do cá sấu nằm trong danh mục động vật hoang dã nên trách nhiệm quản lý thuộc về kiểm lâm và không được xem là vật nuôi trong cơ cấu nông nghiệp. “Trong danh mục kiểm soát của kiểm lâm, cá sấu được xếp vào hàng động vật hung dữ, cần kiểm soát chặt để không ảnh hưởng đến môi trường và an toàn của người dân…” - ông Đạo nói.

Chưa xử lý được nạn “phân lô” hồ Trị An

Hồ thủy điện Trị An nằm trong vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Thời gian gần đây, hồ bị gần 30 hộ dân giăng lưới chiếm dụng, “phân lô” thành từng khoảnh rộng hàng trăm hecta để thu lợi, tận diệt nguồn hải sản tự nhiên. Đã nhiều tháng nay, UBND tỉnh Đồng Nai cùng UBND huyện Định Quán và khu bảo tồn nhiều lần họp bàn kiên quyết xử lý nhưng vẫn chưa thực hiện được. “Có thể phải hợp thức hóa và có cách quản lý, sắp xếp để đưa tình trạng này vào hoạt động quy củ...” - ông Trần Văn Mùi nói.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,321,575       1/566