Công nghệ thông tin

Đổi mới giáo dục phổ thông

Trong ngày bế mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, nhiều nghị quyết liên quan đến giáo dục, lấy phiếu tín nhiệm, tái cơ cấu nền kinh tế, chống tra tấn và quyền của người khuyết tật đã được thông qua

Ngày 28-11, với 79,88% đại biểu (ĐB) tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Mềm dẻo, linh hoạt

Theo nghị quyết, từ năm học 2018-2019, sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT. Chủ trương của QH là thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt.

Phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIIIẢnh: HOÀNG NGỌC
Phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIIIẢnh: HOÀNG NGỌC

Trình bày báo cáo giải trình về nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (TV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết đa số ý kiến ĐBQH đồng tình chủ trương này nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị xây dựng nhiều chương trình giáo dục phổ thông; một số ý kiến khác đề nghị xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước. Có ý kiến đề nghị cân nhắc tỉ lệ 20% nội dung “mềm dẻo” là quá nhiều, sẽ gây khó khăn cho các địa phương, cơ sở khi thực hiện. Từ kết quả tổng kết thực tiễn, có nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới, Ủy ban TVQH nhất trí với đề nghị của Chính phủ là xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông khả thi, thống nhất trong cả nước nhưng “mềm dẻo, linh hoạt”.

Về việc xã hội hóa biên soạn và xuất bản SGK phổ thông, báo cáo giải trình cho biết nhiều ĐBQH tán thành chủ trương xã hội hóa công tác biên soạn SGK và nhất trí Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng trong biên soạn SGK và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn mà chỉ tổ chức thẩm định SGK. Một số ý kiến đề nghị chú trọng việc xây dựng các quy định về thẩm định nhằm bảo đảm chất lượng SGK và quy định việc lựa chọn SGK theo hướng tăng cường sự tham gia của giáo viên, học sinh và cộng đồng dân cư.

Vẫn giữ 3 mức tín nhiệm

Với 405/453 ĐB có mặt biểu quyết tán thành, QH đã thông qua nghị quyết của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Báo cáo của Ủy ban TVQH giải trình thêm về nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, một số ý kiến cho rằng thời hạn lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ là không phù hợp, đề nghị lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ, lần thứ nhất vào cuối năm thứ 2 (hoặc đầu năm thứ 3), lần thứ hai vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ QH, HĐND.

Về vấn đề này, Ủy ban TVQH cho rằng việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào năm thứ ba của nhiệm kỳ QH hoặc HĐND, ngoài việc khắc phục những hạn chế của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hằng năm theo quy định hiện hành, còn có thuận lợi là sẽ kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ của các tổ chức Đảng, làm cơ sở cho việc quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho khóa tiếp theo. Quy định QH, HĐND lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ sẽ tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI). Từ đó, Ủy ban TVQH đề nghị QH chấp thuận cho giữ quy định về vấn đề này như dự thảo nghị quyết: QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào năm thứ ba của nhiệm kỳ QH hoặc HĐND.

Về mức độ tín nhiệm, một số ý kiến đề nghị quy định 2 mức độ tín nhiệm: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, có ý kiến đề nghị quy định 2 mức độ tín nhiệm là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” nhưng trong “tín nhiệm” thì có 2 mức là “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao”. Theo Ủy ban TVQH, quy định 3 mức độ tín nhiệm nhằm phân biệt rõ tính chất khác nhau giữa việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm nhằm xác định hệ quả của hoạt động này, xem đây là một bước chuẩn bị trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; theo quy định thì việc bỏ phiếu tín nhiệm có 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm và cũng không quy định số lần bỏ phiếu trong 1 nhiệm kỳ.

Ông Lý nhấn mạnh qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua tại QH, việc ĐBQH thể hiện tín nhiệm theo 3 mức về cơ bản đã phản ánh sự đánh giá thận trọng, công tâm, khách quan của ĐB đối với những người được QH bầu, phê chuẩn. Đây là sự động viên, khích lệ tích cực để người được lấy phiếu tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, đồng thời cũng là sự nhắc nhở, cảnh báo giúp họ sửa chữa kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác.

Trên cơ sở này, Ủy ban TVQH đề nghị QH cho giữ quy định về 3 mức độ tín nhiệm như đã thể hiện trong dự thảo nghị quyết theo đúng tinh thần kết luận tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI). Cụ thể: QH lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. 

Thông qua 18 luật và 11 nghị quyết

Chiều 28-11, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 8 QH khóa XIII, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh kỳ họp đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Đặc biệt, QH đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước. Các ĐBQH đã thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện quyền giám sát tối cao của QH đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. “Với ý thức trách nhiệm cao và sự chuẩn bị chu đáo, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác. Kết quả này sẽ giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác” - Chủ tịch QH đúc kết.

Chủ tịch QH khẳng định: “Kỳ họp thứ 8 đã thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào và cử tri cả nước về tinh thần đoàn kết, làm việc dân chủ, trí tuệ và đầy trách nhiệm của các ĐBQH; đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH...”.

Cuối năm 2015, nợ xấu còn dưới 3%

Với 92,35% ĐB tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực ngân hàng. Theo nghị quyết này, hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II/2015. Sắp xếp, tổ chức cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện những giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% trong tổng dư nợ. Cuối năm 2015, cơ bản kiểm soát sở hữu chéo, đầu tư chéo theo quy định của pháp luật. QH yêu cầu xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước trong việc chậm thực hiện hoặc thực hiện không đúng các đề án tái cơ cấu đã phê duyệt.

QH cũng đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, đối với lĩnh vực nội vụ, khẩn trương rà soát tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, sớm xây dựng và triển khai đề án đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, trước hết là các quy định về cấp phó, chức danh “hàm”...

100% đại biểu phê chuẩn công ước chống tra tấn

Với 100% ĐB có mặt tán thành, QH đã phê chuẩn công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không áp dụng trực tiếp các quy định của công ước.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH khi thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho biết để thực hiện công ước thì Việt Nam cần nội luật hóa quy định của công ước vào hệ thống pháp luật, nhất là đối với các quy định của công ước mà pháp luật Việt Nam chưa quy định.

Về việc tổ chức thực hiện công ước, QH bổ sung quy định TAND Tối cao, VKSND Tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

QH cũng thông qua Nghị quyết phê chuẩn công ước Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã ký tham gia ngày 22-10-2007 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Việt Nam cam kết thực hiện công ước này trên tất cả các lĩnh vực.

T.Dũng

Người lao động

© 2021 FAP
  3,321,653       1/567