Công nghệ thông tin

Cần bộ trưởng quyết liệt hơn

Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội đã đặt ra hàng loạt vấn đề nóng cho các thành viên Chính phủ, mong muốn các bộ trưởng cần quyết liệt hơn trong việc điều hành

Hôm nay (17-11), kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (QH) khóa XIII bước vào tuần làm việc thứ 5 với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng và 4 bộ trưởng: Công Thương, Nội vụ, Giao thông Vận tải (GTVT), Lao động - Thương binh- Xã hội (LĐ-TB-XH). Nhiều vấn đề nóng đã được đại biểu (ĐB) gửi đến các thành viên Chính phủ.

Chậm chuyển biến

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở cho rằng thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các thành viên Chính phủ phải thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, còn quá nhiều vấn đề mà bộ, ngành nhận được sự phàn nàn của người dân, như Bộ Nội vụ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao ngày 15-11Ảnh: HOÀNG NGỌC
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao ngày 15-11Ảnh: HOÀNG NGỌC

Ông Vở dẫn chứng: Từ kỳ họp thứ 6 (10-2013), Nghị quyết của QH về trả lời chất vấn đã giao Bộ Nội vụ triển khai một số văn bản, quy định chi tiết về thực hiện Luật Cán bộ công chức viên chức để làm cơ sở tinh giản biên chế, thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ lại triển khai rất chậm. “Tôi sẽ tiếp tục chất vấn bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề này” - ông Vở quả quyết.

Ông Vở cho biết từ kỳ họp thứ 5 ( tháng 5-2013), ông đã đặt vấn đề quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề, thực hiện đề án đặt hàng giữa cơ sở đào tạo với các chủ sử dụng lao động cho bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhưng đến nay, vẫn chưa có kết quả. “Hệ lụy thấy rõ là số lao động thất nghiệp không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật hiện chiếm trên 65% tổng số lao động thất nghiệp” - ông Vở nói.

Phải nâng được hiệu quả điều hành

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng những vấn đề mà người dân bức xúc thường không trong phạm vi quản lý của một bộ, ngành, như sự an toàn của mâm cơm không chỉ nông sản mà còn có sản phẩm của công nghiệp, y tế... “Tôi nghĩ cách chất vấn hiện nay không phù hợp vì động đến một vấn đề nào, bộ trưởng cũng có thể lấy lý do là mình không quản vấn đề này. Qua chất vấn, tôi mong muốn Chính phủ và các bộ trưởng tìm ra được giải pháp” - ông Quốc nói.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH Trần Hoàng Ngân cho rằng hàng giả, hàng nhái đang gây hại cho nền kinh tế. “Một bộ khó xử lý triệt để nạn hàng gian, hàng giả nhưng xã hội đòi hỏi bộ trưởng Công Thương phải đề ra được chính sách động viên những người thi hành công vụ nhằm nâng cao hiệu quả điều hành” - ông Ngân đề xuất.

Bên cạnh đó, theo ĐB Ngân, ngành công thương có vai trò quyết định trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ. “Công nghiệp phụ trợ đang thiếu những chính sách tối ưu mà trách nhiệm chính thuộc Bộ Công Thương. Bộ trưởng Công Thương cần có đột phá hơn nữa về chính sách để tạo động lực trong lĩnh vực này” - ông Ngân nói.

“Cắt tình” để bộ máy vững mạnh

ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nhận định: “Do còn nặng tình nên kết quả tinh giản biên chế chưa rõ. Anh em bị tinh giản sẽ làm gì, đã nhận họ vào rồi giờ thải ra cũng tội. Tuy nhiên, phải kiên quyết “cắt tình” để bộ máy ngày càng vững mạnh”. Theo ông Dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rất đúng về tỉ lệ 30% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, thậm chí tỉ lệ này có thể lên đến 40%. “Người đứng đầu ngành nội vụ phải thiết lập được cơ chế thi tuyển cán bộ cho toàn bộ máy công quyền. Chỉ có thi tuyển mới chặn được những kẽ hở, nạn ô dù” - ông Dân nhấn mạnh.

ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng “trong 3 chiến lược đột phá thì chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa được coi trọng. Trong bộ máy hành chính hiện nay, biên chế tăng nhanh, năng suất lao động và chất lượng phục vụ của cán bộ thấp... Đây là những vấn đề mà trách nhiệm chủ yếu thuộc Bộ Nội vụ”.

Bình luận về “nạn cấp phó”, ĐB Cao Sỹ Kiêm nêu thực tế bộ phận này có 5-7 cấp phó thì bộ phận kia cũng phải tương đương. Bộ Nội vụ phải có trách nhiệm ngăn chặn tình trạng này. “Đẻ thêm ghế thì phải sinh ra thư ký, xe cộ, quyền lợi... Loạn cấp phó gây phiền hà, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp bởi việc gì cũng phải qua hàng loạt trung gian, hệ quả là làm mất lòng tin” - ông Kiêm gay gắt.

ĐB Cao Sỹ Kiêm đánh giá “cách điều hành của Bộ trưởng Đinh La Thăng có thể tạo nên sung lực, khí thế mới cho các thành viên Chính phủ khác”. Đồng tình, ĐB Trương Văn Vở cho rằng với cách điều hành quyết liệt, bộ trưởng Bộ GTVT được cử tri đánh giá cao. Nhờ sát thực tế, những vướng mắc, lãng phí trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đã được “tư lệnh” ngành xử lý kịp thời, kiên quyết với sai phạm. Theo ông Vở, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã tạo được chuyển biến tích cực như ổn định chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó là ổn định giá vàng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng… “Ngân hàng và GTVT là 2 ngành có chuyển biến tích cực nhờ sự quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo. Cử tri, ĐBQH mong muốn các bộ trưởng quyết liệt hơn nữa như 2 tư lệnh này” - ông Vở gửi gắm. 

Năng suất lao động thấp do nhiều yếu tố

ĐB Đặng Ngọc Tùng cho rằng “để tăng năng suất lao động, cần đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại bởi tay nghề lao động Việt Nam là giỏi và cần cù, chịu khó”. Ông Tùng phân tích năng suất lao động phụ thuộc vào toàn bộ cấu thành của một nhà máy, một nền kinh tế, chứ không chỉ người lao động. “Bộ trưởng LĐ-TB-XH phải đề ra được giải pháp để nâng cao năng suất lao động một cách căn bản”- ông Tùng kiến nghị.

Ông Đặng Ngọc Tùng đánh giá đào tạo chưa gắn kết với nhu cầu của nền kinh tế, vì thế bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH phải định hướng các trường ĐH, CĐ, các trường dạy nghề phải gắn đào tạo với nhu cầu của từng doanh nghiệp, tránh phung phí trong đào tạo. Ông Tùng dẫn chứng nhờ đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, 95% sinh viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng có việc làm, trong đó có ngành lên đến 100% như bảo hộ lao động.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,179,975       1/660