Công nghệ thông tin

Tăng lương: Tiền đâu?

Dự kiến chiều 10-11, Quốc hội biểu quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động về kế hoạch tăng lương liên quan dự toán này

Phóng viên: Thưa ông, từ năm 2012, việc không bố trí được ngân sách để tăng lương đã gây căng thẳng ở nghị trường và thực tế đã từng không xoay xở được.  Từ chỗ Chính phủ tiếp tục đề xuất năm 2015 hoãn tăng lương theo lộ trình, nay lại không hoãn thì nguồn tiền để tăng lương lấy từ đâu?

- Ông Đinh Văn Nhã: Để cải cách tiền lương năm 2015 theo phương án vừa bổ sung, Chính phủ đã phân tích kỹ khả năng cân đối nguồn kinh phí để thực hiện điều chỉnh tiền lương rồi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) xem xét để trình lên QH. Việc bố trí tăng dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc cắt giảm chi đều rất khó khăn. Đối với dự toán thu NSNN năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ QH là 901.100 tỉ đồng nhưng tiếp thu ý kiến của ủy ban này, Chính phủ đã rà soát và trình QH là 911.100 tỉ đồng. Đối với nhiệm vụ chi, việc phân bổ dự toán chi thường xuyên đã bố trí ở mức thấp, nếu cắt giảm thêm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực thi các nhiệm vụ thuộc chức năng của nhà nước, thậm chí phải cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện.

Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Trước tình hình khó có thể điều chỉnh thu NSNN năm 2014 - 2015 và cắt giảm dự toán chi NSNN năm 2015 như vậy, Chính phủ kiến nghị sử dụng một phần tăng thu NSNN năm 2014 chuyển sang năm 2015 để thực hiện tăng lương. Kinh phí để tăng lương khoảng 11.000 tỉ đồng thì có 10.000 tỉ đồng chuyển nguồn từ số tăng thu của năm 2014 sang năm 2015; còn lại 1.100 tỉ đồng lấy từ ngân sách địa phương chi cho cải cách tiền lương.

Số tiền tăng thu khoảng 63.000 tỉ đồng của năm 2014 đã được Chính phủ dự kiến dành cho các nhu cầu chi cấp bách, trong đó có trả nợ. Nay lại cắt ra 10.000 tỉ đồng để chi lương, liệu có ảnh hưởng đến việc trả nợ?

- Không ảnh hưởng nhiều. Nếu tăng lương thì phải giãn các khoản nợ của ngân sách ra, tạm để trong các năm tới. Các khoản được tính toán để lại là nợ lãi suất của 2 ngân hàng chính sách và bảo hiểm xã hội... Đối với các khoản nợ này, ngân sách có đến đâu sẽ thanh toán đến đấy và hoàn trả trong các năm sau. Lúc đầu, Chính phủ đề xuất hoãn tăng lương năm 2015 là do nguyên tắc chỉ bố trí tăng lương khi có đủ nguồn, hay nói cách khác là có nguồn mới được chi. Trong điều kiện ngân sách  mà nợ công năm 2015 đã lên đến 64% GDP thì nguyên tắc là phải ưu tiên xử lý trả nợ để ngân sách “trong sạch”, sau đó mới đến nhiệm vụ chi lương. Nếu nhu cầu chi trả nợ tăng cao mà vẫn bố trí nguồn tăng lương là không thật hợp lý. Cũng tương tự như chuyện tài chính của một gia đình, đang vay nợ thì khi có tiền phải ưu tiên trả nợ trước.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu QH trong các phiên thảo luận, xét thấy đời sống người dân còn khó khăn, đặc biệt là những người hưởng bậc lương thấp, để động viên thì cũng có thể dành một phần chi lương và để khuyến khích họ tăng năng suất lao động.

Cán bộ, công chức, viên chức là những đối tượng lao động được Chính phủ đề xuất tăng lương lần này. 
Trong ảnh: Nhân viên UBND quận 1, TP HCM làm thủ tục hành chính cho người dânẢnh: TẤN THẠNH
Cán bộ, công chức, viên chức là những đối tượng lao động được Chính phủ đề xuất tăng lương lần này. Trong ảnh: Nhân viên UBND quận 1, TP HCM làm thủ tục hành chính cho người dânẢnh: TẤN THẠNH

Vì sao lại chỉ tăng lương cho 3 nhóm đối tượng là người hưởng lương hưu, người có công và công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống?

- Hiện cả nước có gần 8 triệu người hưởng lương và trợ cấp từ NSNN. Nếu tăng lương đồng loạt 8% như mong muốn cho tất cả đối tượng thì nhu cầu chi lên đến 33.000-35.000 tỉ đồng, gấp 3 lần kinh phí vừa bố trí. Như vậy thì rất khó, không thể xử lý được khoản nợ ngân sách đến hạn phải thanh toán. Ngân sách quá hạn hẹp nên phải chọn đối tượng ưu tiên là những người đang khó khăn nhất. Với phương án đề xuất tăng lương của Chính phủ là đã có khoảng 5 triệu người được cải thiện thu nhập, tức khoảng 2/3 đối tượng ăn lương, trợ cấp từ ngân sách. Những người khác phải thắt lưng buộc bụng thôi do ngân sách đang rất khó khăn.

Ông đánh giá thế nào về tác động của việc tăng lương lần này?

- Tôi cho rằng mức tăng không được như mong muốn nhưng tăng lương dù ít hay nhiều cũng có tác dụng khích lệ tinh thần và hỗ trợ một phần cho cuộc sống của những người đang gặp khó khăn. Hơn nữa, số lượng người thuộc diện được tăng lương lần này cũng khá lớn. 

Bỏ phiếu tín nhiệm 50 chức danh

Từ ngày 10 đến 15-11, kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII bước sang tuần làm việc thứ 4, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh do QH bầu và phê chuẩn vào chiều 15-11. Lần lấy phiếu này tăng 1 chức danh so với lần lấy phiếu đầu tiên (tháng 5-2013). Trường hợp được bổ sung lấy phiếu tín nhiệm là ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng Ban Dân nguyện của QH. Chủ nhiệm Văn phòng QH, ông Nguyễn Hạnh Phúc, cho biết lần này vẫn giữ nguyên như lần trước với 3 mức tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp).

Một nội dung đáng chú ý của tuần làm việc này là hôm nay (10-11), QH sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Trong đó, dự kiến Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho bổ sung nội dung “Về việc quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

QH cũng sẽ biểu quyết về dự toán ngân sách trong đó có đề xuất tăng lương của Chính phủ, thảo luận về nhiều dự án luật quan trọng...

T.Dũng

Không lo thiếu, chỉ sợ chưa công bằng!

Theo đề xuất của Chính phủ về phương án điều chỉnh lương cơ sở năm 2015, 3 nhóm đối tượng sẽ được tăng lương trong năm 2015 là người hưởng lương hưu, người có công và công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống - tương đương mức lương hằng tháng là 3 triệu đồng/tháng trở xuống. Việc điều chỉnh như vậy, theo tôi, chưa thật hợp lý.

Thứ nhất, làm mất tính cân bằng trong hệ thống thang bậc lương: Hệ thống thang, bậc lương được xây dựng nhằm bảo đảm chi trả cho người lao động mức lương tương ứng với năng suất lao động, thời gian làm việc; bảo đảm công bằng trong việc trả tiền công lao động. Thế nhưng, việc cùng là cán bộ công chức (CBCC) nhưng áp dụng 2 mức lương cơ bản 1.150.000 đồng và 1.240.000 đồng là đã tác động vào hệ thống thang bậc lương, gây mất cân bằng, giá trị của thang, bậc lương, không bảo đảm tính cân đối.

Thứ hai, chưa đánh giá đúng thời gian cống hiến của người lao động: Một CBCC trình độ ĐH mới ra trường sẽ có hệ số lương khởi điểm là 2,34 và sẽ được tính mức lương cơ sở mới là 1.240.000 đồng. Trừ các chi phí đóng BHXH, BHYT, mức lương thực nhận khoảng 2.669.000 đồng (2,34 x 1.240.000 đồng = 2.901.600 đồng - 8% BHYT + BHXH [232.128 đồng] = 2.669.472 đồng).

Cũng một CBCC công tác từ năm thứ 3 đến năm thứ 6 (mới được tăng lương 1 lần) ở hệ số 2,66 thì vẫn tính mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng. Trừ các chi phí đóng BHXH, BHYT, mức lương thực nhận khoảng 2.814.000 đồng (2,66 x 1.150.000 đồng = 3.059.000 đồng - 8% BHYT + BHXH [244.720 đồng] = 2.814.282 đồng).

Như vậy, mức chênh lệch giữa một CBCC công tác từ 3 năm đến chưa tròn 6 năm với một CBCC mới ra trường vào làm chỉ là khoảng 144.000 đồng. Trong khi đó, nhóm người này đã có thời gian làm việc ổn định lâu dài, có kinh nghiệm, có cống hiến; còn người mới ra trường đôi khi phải cần có thời gian để thích nghi, đào tạo lại từ môi trường thực tiễn để thích ứng với công việc. Ngoài ra, nhóm CBCC có hệ số lương từ 2,66 đến 3,00 thường đã lập gia đình, đa số có con nhỏ, các chi phí sinh hoạt cao hơn những đối tượng mới ra trường đi làm.

Do đó, thiết nghĩ thay vì áp dụng 2 mức lương cơ sở, nên xem xét các phương án khác để bảo đảm được tính công bằng và ổn định vốn dĩ đã khá mong manh trong cách tính tiền lương ở nước ta:

1. Vẫn áp dụng thống nhất 1 hệ số lương cơ sở là 1.150.000 đồng nhưng trợ cấp cho các đối tượng thuộc 3 nhóm mà Bộ Tài chính đề xuất. Mức trợ cấp tương ứng với 8% lương cơ sở như đề xuất. Năm 2016, nếu tăng lương cơ sở thì dừng việc trợ cấp này lại.

2. Xem xét hạ mức phụ cấp của những đối tượng hưởng lương quá cao từ ngân sách và lùi thời điểm tăng lương cơ sở về ngày 1-7-2015 để tăng đều cho tất cả CBCC và những đối tượng hưởng lương khác. Thực tế cho thấy hiện nay, hệ số lương giữa các đối tượng hưởng lương từ ngân sách chênh nhau không quá cao nhưng mỗi ngành, mỗi chức vụ quản lý, lãnh đạo lại có mức phụ cấp và loại phụ cấp khác nhau làm cho số lương thực nhận chênh lệch nhau quá lớn. Nếu tính toán khoa học, sắp xếp lại các loại và mức phụ cấp này, chúng ta sẽ tiết kiệm một khoản chi lớn từ ngân sách để tăng lương đồng đều và kéo gần chênh lệch giữa những người hưởng lương.Trần Văn

Người lao động

© 2021 FAP
  3,184,676       15/1,190