Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), để doanh nhân phát huy khả năng sáng tạo, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng cần đổi mới về thể chế, tháo những nút thắt về vốn, thủ tục hành chính, ngân hàng...
* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò và “sức khỏe” của cộng đồng doanh nhân Việt Nam hiện nay?
- Ông Cao Sỹ Kiêm: Từ khi đất nước có chủ trương nền kinh tế nhiều thành phần, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển rất nhanh. Với trên 500.000 doanh nghiệp (DN), lực lượng doanh nhân đã phát huy năng lực cá nhân và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Trong đó, đội ngũ DN nhỏ và vừa đã đóng góp tới 41%-45% lượng hàng tiêu dùng và xuất khẩu, chiếm tới 51% lao động trong tổng số DN. Vai trò lớn nhất của DN nhỏ và vừa là len lỏi vào từng làng mạc, ngõ xóm và đóng góp lớn trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, phải thừa nhận lực lượng DN nhỏ và vừa đã có những yếu kém nhất định như nguồn vốn hạn hẹp, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ lao động được đào tạo rất thấp, trình độ quản trị của doanh nhân còn hạn chế...
* Nhiều chuyên gia đề nghị xốc lại tinh thần cho doanh nhân, DN sau thời gian dài khó khăn, theo ông cần bắt đầu từ đâu?
- Phải làm từ việc đổi mới thể chế, cụ thể là sắp xếp, đổi mới DN từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến tập đoàn, tổng công ty tư nhân, DN vừa và nhỏ. Trong đó, cần tháo được những nút thắt về vốn, thủ tục hành chính, ngân hàng, đầu tư công. Các biện pháp này phải có tính dài hạn để tạo động lực mạnh mẽ xoay chuyển tình thế thay vì tập trung giải quyết tình thế theo kiểu “hà hơi thổi ngạt” như vừa qua.
* Theo ông, đâu là nguyên nhân DN trong nước chưa thể chen chân vào chuỗi sản phẩm toàn cầu và nhường sân nhà cho các DN nước ngoài?
- Có 3 vấn đề dẫn đến tình trạng này: Trình độ công nghệ của DN chưa phát triển, tay nghề người lao động yếu và chính cách phục vụ của cơ quan quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí, đôi khi cơ quan quản lý nhà nước còn cản trở bước tiến của DN, khả năng sáng tạo của doanh nhân.
* Nhiều ý kiến cho rằng để nâng “sức khỏe” DN ngoài sự tự thân vận động của doanh nhân, cần siết chặt kỷ cương các cơ quan nhà nước?
- Chính xác là vậy. Sự khó khăn, khốn đốn của DN hiện nay có phần bắt nguồn từ cơ quan quản lý nhà nước. Nói thật, động lực thúc đẩy DN hiện nay không nhiều, trong đó có phần thủ tục hành chính quá rườm rà, chính sách không phù hợp, thiếu đồng bộ và sự hỗ trợ kịp thời.
* Sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước được thể hiện rõ qua trường hợp ông Phan Bội Trân, một Việt kiều chế tạo tàu ngầm đã được nước ngoài đặt mua nhưng ông không bán được vì thiếu những quy định liên quan nhưng chẳng thấy bộ, ngành nào lao vào tư vấn, trợ giúp?
- Đây là do chính sách, cơ chế của mình không thoáng; cách chỉ đạo chưa tập trung; trách nhiệm của cơ quan phục vụ dân, phục vụ DN chưa thấu đáo, phân cấp phân công không rõ ràng. Tồn tại này xuất phát từ việc kiểm soát trách nhiệm chưa chặt chẽ, thậm chí là buông lỏng.
Hiện nay, cơ quan nhà nước không phải lúc nào cũng kịp thời động viên DN làm tốt, “tuýt còi” DN làm sai và đặc biệt là không quy được trách nhiệm, xử lý vi phạm, làm cho xấu tốt lẫn lộn, động lực của doanh nhân giảm sút, chới với, thiếu niềm tin.
Nhà nước phải tạo môi trường để DN phát triển
Trong bất kỳ quốc gia nào, để phát triển kinh tế phải dựa vào khối doanh nhân và DN là chủ yếu. Vai trò của nhà nước là tạo ra môi trường để DN đóng góp về thuế, thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng, kinh tế phát triển. Ở Việt Nam, việc có ngày Doanh nhân cho thấy DN có vai trò quan trọng và được xã hội tôn vinh. Nhưng chỉ có tôn vinh là chưa đủ mà phải hoàn thiện thể chế, có chính sách hợp lý trong từng thời kỳ để DN ngày càng phát triển.
Mong được bình đẳng
Trong 3 năm từ khi ra đời đến nay, nhờ được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ, VietJet đã đạt kết quả bước đầu, chiếm khoảng 30% thị phần hàng không trong nước. Nhà nước đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, mở rộng sân bay, nhà ga... giúp quá trình khai thác của DN thuận lợi hơn. Người dân có cơ hội đi lại bằng máy bay nhiều hơn nhờ giá rẻ.
Là hãng hàng không tư nhân, VietJet mong muốn những chính sách mới, ưu đãi cần được phân bổ đồng đều, công bằng cho tất cả DN, không phân biệt tư nhân và nhà nước.
Tránh chính sách chỉ “nói” mà không “làm”
DN tư nhân là động lực cho nền kinh tế phát triển nhưng thời gian qua, chúng ta vẫn có sự phân biệt giữa DN nhà nước với DN tư nhân trong một số chính sách. Những chính sách hỗ trợ cho DN không thiếu nhưng triển khai lại quá chậm và chưa đi vào cuộc sống, nhiều chính sách chỉ “nói” mà không “làm”! Chẳng hạn, khi nói đến cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, cần minh chứng bằng những kết quả điều tra, khảo sát cụ thể từng DN để xem họ được hỗ trợ như thế nào, chứ đừng nghe cơ quan chức năng báo cáo.
Ở các nước, DN nhà nước phần lớn kinh doanh không hiệu quả và chỉ làm những việc phục vụ công ích, quốc phòng, vệ sinh môi trường, an ninh... Việt Nam trước đây coi DN nhà nước là những quả đấm thép nhưng Vinashin, Vinalines... đều có hàng loạt sai phạm.
Đừng làm chính sách theo phong trào!
Các chính sách của nhà nước gần đây đã thể hiện sự quan tâm tới nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, DN mong muốn các chủ trương từ Chính phủ phải được quán triệt, triển khai thông suốt từ cấp bộ, ngành rồi tới được từng DN. Chẳng hạn, dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng nguyên liệu chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Gần đây, nhà nước chủ trương hỗ trợ DN phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng vùng nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, chính sách thường theo kiểu... phong trào, hô hào được một thời gian rồi “đâu lại vào đó”. Tôi chỉ mong chủ trương hỗ trợ cho ngành dệt may trở thành chiến lược lâu dài, thiết thực hơn.
Thái Phương ghi
Kỳ vọng vào đột phá về thể chế
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bộc bạch: “Cộng đồng doanh nhân đang kỳ vọng vào cuộc đột phá thể chế trong kinh tế của Chính phủ nhằm xốc lại tinh thần doanh nhân, tạo ra làn sóng đầu tư, kinh doanh mới”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, lần này, Chính phủ đã khởi động cuộc đột phá về thể chế với hàng loạt những hành động cụ thể từ đầu năm, như xây dựng dự thảo Luật DN, Luật Đầu tư đã được trình Quốc hội theo tinh thần đặt niềm tin vào DN, DN được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Cùng với đó là Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách hành chính với chuẩn mực tiên tiến của các nước ASEAN.
Ông Lộc cho biết VCCI đã kiến nghị áp dụng quy trình 1 luật sửa nhiều luật, 1 nghị định sửa nhiều nghị định để tăng tốc quá trình cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, để hỗ trợ DN tối đa, VCCI đề nghị tối thiểu 6 tháng/lần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, nếu phát hiện vướng mắc thì sửa ngay mà không phải chờ đến khi sửa luật.