(NLĐO) - Tổng Vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng Châu Âu (DG SANCO) vừa ra thông báo sẽ cấm nhập khẩu rau quả từ Việt Nam nếu phát hiện thêm sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm
Cụ thể, trong thời gian 1 năm kể từ ngày 1-2-2014 đến ngày 1-2-2015 nếu phía DG SANCO phát hiện 5 trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật thì Liên minh châu Âu (EU) sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau quả của Việt Nam.
Thông báo được đưa ra sau khi DG SANCO phát hiện 3 chuyến hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU trong thời gian từ ngày 1-2-2014 đến nay, có vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng đã bị cấm trên cây húng quế (Ocimum santum) và mướp đắng (Momordica charantia).
Đồng thời, từ đầu năm 2014, DG SANCO cũng nhận được thông báo từ một nước thành viên EU về phát hiện vi khuẩn gây hại trong gỗ dùng làm bao bì đóng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU.
Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật (IPPC) quy định bao bì hàng xuất khẩu bằng gỗ cần được sấy ở nhiệt độ cao nhằm diệt vi khuẩn gây hại và đóng tem kiểm định an toàn của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Tuy nhiên, qua theo dõi, DG SANCO nhận thấy bao bì hàng xuất khẩu bằng gỗ từ Việt Nam chưa được đóng tem kiểm định theo quy định này của IPPC.
Theo quy định của Ủy ban châu Âu (EC), nếu phát hiện vi khuẩn gây hại trên 5 mẫu hàng nhập khẩu liên tiếp từ một nước vào EU trong thời gian 1 năm thì EC sẽ ra lệnh cấm nhập khẩu mặt hàng này vào EU.
Nếu sự việc này xảy ra không chỉ dẫn đến việc rau, quả, hàng hóa của Việt Nam không xuất khẩu được sang các nước EU mà uy tín của nông sản, hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước tình hình này, Vụ Thị Trường Châu Âu (Bộ Công thương) yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xuất khẩu rau quả và bao bì đóng hàng xuất khẩu bằng gỗ cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của EU.
Trước đó, mặt hàng sò lông, sò điệp của Việt Nam đã bị EU chấm dứt nhập khẩu từ ngày 20-9 vừa qua do phía EU đã phát hiện một số lỗi nghiêm trọng trong quá trình nuôi trồng và cung cấp vào EU như: hồ sơ, chương trình quản lý chất lượng không đủ tin cậy; sò điệp, sò lông từ vùng nhiễm độc tố vẫn được tách cồi, chế biến và xuất khẩu vào EU; các cồi trần/trụng của sò điệp/sò lông chưa được xử lý nhiệt vẫn được xuất khẩu vào EU...
EU, Bộ Công Thương, sò lông, hàng nhập khẩu, Liên minh châu Âu, vi phạm quy định, nhiệt độ cao, hàng xuất khẩu, lỗi nghiêm trọng, bảo vệ thực vật, Ủy