(NLĐO) – Không hẹn mà gặp, lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga có hiệu lực ngày 12-9, cùng thời điểm Mỹ công bố chi tiết các biện pháp trừng phạt mới của nước này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 11-9 công bố quyết định “tăng cường và mở rộng” các biện pháp trừng phạt Nga, bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được hồi tuần trước giữa chính quyền Kiev và phe ly khai thân Nga.
“Chúng tôi chưa tìm thấy bằng chứng thuyết phục về việc Nga ngừng gây bất ổn cho Ukraine” - Tổng thống Obama tuyên bố. Các biện pháp trừng phạt cụ thể sẽ được thông báo chi tiết vào ngày 12-9 và dự kiến nhằm vào lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga.
Theo ông Obama, siết chặt trừng phạt là cách tốt nhất để Nga tuân thủ triệt để thỏa thuận ngừng bắn. Ông nói thêm: “Nếu Nga thực hiện đầy đủ cam kết của mình, các biện pháp trừng phạt có thể được thu hồi. Bằng không, chúng sẽ được tăng cường nếu Nga lấn tới và vi phạm luật pháp quốc tế”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố quyết định “tăng cường và mở rộng”
các biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh: Reuters
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt mới mà Liên minh châu Âu (EU) thông qua tuần trước sẽ có hiệu lực vào ngày 12-9. Lĩnh vực năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga cũng như 24 cá nhân bị cáo buộc “tham gia vào các hành động chống lại toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” nằm trong danh sách đen.
24 cá nhân có tên trong danh sách đến từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, chính quyền Crimea và một số quan chức, doanh nhân Nga. Họ bị cấm nhập cảnh vào các nước EU và bị đóng băng tài sản tại các ngân hàng châu Âu.
Ngoài ra, tuyên bố của EU cho biết: “Các công dân và công ty thuộc EU có thể không cho 5 ngân hàng nhà nước lớn của Nga vay tiền”. Phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng 5 ngân hàng này là Sberbank, VTB Bank, Gazprombank, Rosselkhozbank và Vneshekonombank, đã từng dính lệnh trừng phạt trước đây.
Thêm vào đó, 3 công ty dầu mỏ của Nga bao gồm Rosneft, Gazpromneft và Transneft sẽ bị giới hạn tiếp cận thị trường vốn của EU. Đồng thời, hơn 9 công ty quốc phòng Nga sẽ tiếp tục bị hạn chế xuất khẩu công nghệ kép (trong sản xuất dân sự và quân sự) sang thị trường châu Âu.
Đáp lại, cố vấn kinh tế hàng đầu của Điện Kremlin, ông Andrei Belousov cho biết Nga có thể cấm nhập khẩu “một số mặt hàng công nghiệp nhẹ và nắp ca-pô trên xe hơi” từ các nước phương Tây.
Gọi các biện pháp trừng phạt của EU là chính sách hoàn toàn thù địch và đi ngược lại lợi ích của chính EU, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow sẽ áp dụng những biện pháp thích hợp và tương đương với các biện pháp của EU.
Nga cũng phản đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt Mỹ dự định áp dụng đối với Nga, coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế vì chỉ có Hội đồng Bảo an mới có thẩm quyền đưa ra các biện pháp trừng phạt.
Barack Obama, vay vốn, Liên minh châu Âu, luật pháp quốc tế, trừng phạt kinh tế, lệnh trừng phạt, khí đốt Nga, trừng phạt Nga, miền Đông Ukraine, thỏa