(NLĐO) - Lãi suất tiền gửi giảm liên tục, việc gửi tiền vào ngân hàng có còn hấp dẫn, có sinh lời?
8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ đạt 4,5% trong khi huy động vốn tăng 8,12%, tiền đồng dư thừa là nguyên nhân khiến lãi suất tiền gửi giảm, ngân hàng thương mại có điều kiện hạ lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí.
Tuy nhiên, cùng với đó, nhiều người có tiền nhàn rỗi nhưng lại không biết đầu tư vào đâu để sinh lời hiệu quả và an toàn. Các chuyên gia kinh tế vẫn khuyên người dân chọn những kênh đầu tư thông thường như gửi tiền vào ngân hàng, vàng, chứng khoán, bất động sản, các quỹ đầu tư hoặc tự doanh như mở quán ăn, nhà hàng…
Nhìn lại thị trường vàng từ đầu năm đến nay, giá vàng không có nhiều biến động, thậm chí còn liên tục giảm những ngày qua và hiện chỉ còn 35,9 - 35,99 triệu đồng/lượng bán ra (9 giờ sáng 12-9). So với “đỉnh” của giá vàng 49 triệu đồng/lượng vài năm qua, giá vàng đã “bốc hơi” hơn 13 triệu đồng/lượng.
Với bất động sản, đây là kênh đầu tư cần nguồn vốn lớn. Trong khi hiện tính thanh khoản của bất động sản chưa cao, sẽ là khó khăn cho các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Nếu nhà đầu tư có vốn lớn thì bất động sản, chứng khoán về lâu dài sẽ là một lựa chọn để cân nhắc quyết định đầu tư.
Riêng chứng khoán, quỹ đầu tư dù là kênh sinh lời cao nhưng nhà đầu tư cần có kiến thức, chuyên môn và am hiểu nhất định, nếu không sẽ rất rủi ro.
Với kênh gửi tiền tiết kiệm, đại diện ngân hàng TMCP Đông Á phân tích đa số người có tiền nhàn rỗi như hưu trí, giáo viên, công nhân, nhân viên văn phòng, nông dân… gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư phù hợp. Với mức dự báo lạm phát khoảng 5% và lãi suất gửi VNĐ kỳ hạn dài từ 6-8%/năm trong năm nay thì khách hàng vẫn có lời. Chẳng hạn, tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng hiện nay tại Đông Á là 5,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng 7,1%/năm, người gửi vẫn có lời so với lạm phát.
Ngoài ra, tỉ giá USD trong năm nay tương đối ổn định, nên việc gửi tiết kiệm bằng tiền đồng sẽ có lợi hơn. Khách hàng nên chọn kỳ hạn dài để hưởng mức lãi suất cao trong điều kiện kinh tế ổn định.
“Thị trường bất động sản chưa thể khởi sắc, vàng diễn biến khó lường, việc tích trữ ngoại tệ lúc này chưa thực sự có lợi. Bất động sản đem lại lợi nhuận cao nhưng khi thị trường còn tồn đọng hàng ngàn căn hộ sẽ khiến nhà đầu tư bị đọng vốn và khó rút vốn khi cần đến” - đại diện một NH phân tích.
Những năm gần đây, hệ thống ngân hàng đã xuất hiện một vài lần khách hàng rút tiền tăng đột biến vì tin đồn thất thiệt hoặc một số tổ chức tín dụng phải sáp nhập do làm ăn thua lỗ… khiến người gửi tiền lo ngại. Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết rằng về tổng thế ngành ngân hàng thời gian qua vẫn hoạt động khá ổn định dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng đều phải trích lập dự phòng rủi ro cao để xử lý nợ xấu. Chẳng hạn, đối với những ngân hàng đã bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC), đều phải trích lập dự phòng mỗi năm 20% so với tổng giá trị khoản nợ đã bán, chưa kể phần trích lập dự phòng theo quy định.
“Ở góc độ thị trường, đầu tư luôn gắn liền với rủi ro. Rủi ro càng cao thì khả năng sinh lời cao, nên khách hàng cần cân nhắc các yếu tố: tính thanh khoản, sự ổn định của thị trường trong ngắn hạn, dài hạn… Với sự ổn định về kinh tế, lạm phát được kiểm soát, gửi tiền vào ngân hàng vẫn phù hợp với đa số người dân, do mức độ an toàn cao” - đại điện ngân hàng Đông Á lý giải thêm.
tin đồn thất thiệt, bất động sản, thị trường vàng, thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, ngân hàng nhà nước