Nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn về những quy định của phương án một kỳ thi quốc gia vừa được công bố, trong đó đặc biệt là độ phân hóa của đề thi ra sao để bảo đảm 2 mục tiêu tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ
“Không có nền tảng kiến thức cơ bản thì không thể đào tạo tốt được, cuối cùng sản phẩm giáo dục lại là những người yếu kém. Tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia là đúng nhưng tôi cho rằng phải thi nhiều môn để học sinh học toàn diện” - PGS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh (Hà Nội), bày tỏ. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng tỏ ra lo lắng việc chỉ thi 4 môn sẽ không đào tạo được học sinh toàn diện mà khiến cho học sinh học lệch, chỉ tập trung vào những môn thi ĐH, bỏ hết sử, địa...
Ai sẽ ra đề thi?
Liên quan đến việc ra đề thi, với kinh nghiệm của một hiệu trưởng lâu năm, PGS Nguyễn Văn Hùng cho rằng đội ngũ ra đề nòng cốt phải là các giáo viên THPT giỏi, có kinh nghiệm, chứ không phải là giảng viên ĐH. “Phải là giáo viên phổ thông mới ra đề hay, sát yêu cầu. Tôi cho là đề thi năm sau phải rất phân hóa” - ông Hùng nhấn mạnh.
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nói khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra dự thảo cho kỳ thi quốc gia thì điều mà các trường ĐH quan tâm nhất là độ tin cậy về tính khách quan, chính xác trong điểm số của thí sinh. Đã từng có tranh luận rằng sở GD-ĐT các tỉnh, thành đứng ra chủ trì tổ chức thi hay là các trường ĐH bởi thực tế các trường không tin vào kết quả thi một khi sở GD-ĐT tổ chức. Nay, khi Bộ GD-ĐT quyết phương án về kỳ thi quốc gia và các trường ĐH có năng lực đứng ra tổ chức thi, coi thi, chấm thi thì mối lo lắng về độ tin cậy về điểm thi của thí sinh đã được giải quyết.
“Đối với đề thi, những kỳ thi 3 chung vừa qua, đặc biệt là kỳ thi năm 2014 đã mang lại sự tin cậy cao cho các trường ĐH. Tôi nghĩ, năm nay, đề thi vừa nhằm mục tiêu xét tốt nghiệp vừa làm cơ sở để các trường ĐH tuyển sinh thì mức độ phân hóa sẽ cao hơn” - TS Lý nhận định.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kỳ thi THPT quốc gia chỉ có ý nghĩa khi khâu tổ chức được thực hiện nghiêm túc. Nếu tổ chức không tốt, để xã hội nghi ngờ về tính nghiêm túc của một kỳ thi thì dù đổi mới nhưng kỳ thi vẫn coi như thất bại.
Trước quy định đưa các giảng viên ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi theo các cụm thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của sở GD-ĐT như trước đây, PGS Lê Trọng Thắng (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) cho rằng phương án này về mặt kỹ thuật tổ chức thì phải nghiên cứu kỹ vì sẽ rất tốn kém, thậm chí là phức tạp nếu xét về lâu dài. Theo PGS Thắng, có thể do sức ép về độ tin cậy của kỳ thi nên bộ mới đưa ra công đoạn này. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện thí điểm năm tới chứ không nên thực hiện lâu dài.
Dễ rối loạn trong xét tuyển
Theo quy định mới, thí sinh không phải chờ phiếu báo kết quả thi mà có thể in trực tiếp kết quả thi của mình qua mạng để đăng ký dự tuyển các trường ĐH. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo lắng sẽ gây một lượng hồ sơ “ảo” rất lớn cho các trường do một thí sinh có thể nộp hồ sơ dự tuyển vào vài chục trường đại học. PGS Lê Hữu Lập (Học viện Bưu chính Viễn thông) đánh giá điều này có thể gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường nên bộ phải tính toán kỹ. Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng vẫn nên cung cấp một số lượng giới hạn giấy báo điểm cho thí sinh đi đăng ký dự tuyển vào các trường ĐH. Nếu không, những thí sinh điểm cao có khi sẽ gây rối loạn việc xét tuyển của các trường, tạo ra lượng hồ sơ ảo, lấy cơ hội của thí sinh khác.
Về việc xét tuyển của các trường ĐH, CĐ, theo Bộ GD-ĐT, căn cứ kết quả thi, bộ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn; các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để xét tuyển theo quy định của quy chế. Ông Đỗ Văn Xê đề xuất bộ nên điều chỉnh lại thành “ngưỡng trung bình tối thiểu của các môn”. Theo ông Xê, trước đây tính điểm sàn, với mức điểm liệt là 0 thì điểm môn nọ có thể bù qua cho môn kia, kể cả có môn 0,5 điểm vẫn có khả năng trúng tuyển nếu điểm 2 môn còn lại cao. Bây giờ, nếu bộ định xác định ngưỡng điểm tối thiểu thì dưới ngưỡng này chính là mức điểm liệt. Và vì là ngưỡng vào ĐH nên ngưỡng không thể quá thấp, nếu thấp sẽ bị dư luận phản ứng, ví dụ như ngưỡng là 2 điểm thì rất có thể sẽ bị nói là “2 điểm mà cũng vào đại học”. Còn nếu xác định ở mức “vừa lòng”, ví dụ 4 điểm, sẽ oan ức cho những em 3,5 điểm nhưng có những môn còn lại có điểm 9, 10.
Sao lại phân biệt cụm thi!
TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, cho rằng Bộ GD-ĐT dường như không công nhận kết quả đối với những cụm thi do sở GD-ĐT tỉnh chủ trì. Bởi lẽ, thông tin mà Bộ GD-ĐT đưa ra là bộ sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức cho các trường ĐH đủ năng lực. Tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, để tạo điều kiện cho thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì.
Theo TS Quang, một kỳ thi quốc gia, trong đó thí sinh thi chung đề thì không có lý gì thí sinh thi ở cụm do sở tổ chức chỉ để xét tốt nghiệp chứ không được tham gia xét tuyển ĐH. “Tôi không biết rồi tới đây Bộ GD-ĐT sẽ trả lời vấn đề này với phụ huynh học sinh như thế nào!” - ông Quang băn khoăn.