Công nghệ thông tin

Tràn lan thiết bị phá sóng hộp đen

Nhiều thiết bị gây nhiễu, phá sóng GPS, 3G của các thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) có xuất xứ từ Trung Quốc gần đây đã được rao bán công khai trên mạng

Tìm hiểu thông tin qua các cửa hàng bán phụ tùng, linh kiện ô tô và những người kinh doanh thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT), chúng tôi được biết các thiết bị phá sóng 3G, GPS là có thật. Chúng không được bày bán công khai ngoài thị trường do đây là hàng cấm nhưng lại bán tràn lan trên mạng internet.

Giá rẻ bất ngờ

Một số website kinh doanh các thiết bị này có thể kể đến là www.do...; www.tong...; www.sanpham... Các website này giới thiệu hàng chục mẫu thiết bị phá sóng GPS, 3G, được quảng cáo là có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tràn lan thiết bị phá sóng hộp đen
Nhiều thiết bị phá sóng GPS, 3G được rao bán công khai trên mạng  Ảnh: CHÁNH TRUNG
Nhiều thiết bị phá sóng GPS, 3G được rao bán công khai trên mạng Ảnh: CHÁNH TRUNG

Các thiết bị phá sóng GPS được bán với giá chỉ từ 1,2-1,8 triệu đồng, có hình dạng như một chiếc máy bộ đàm cầm tay. Được mô tả là sử dụng đơn giản và dễ dàng; tín hiệu gây nhiễu từ các thiết bị này sẽ ngăn chặn bất kỳ tín hiệu GPS trong vòng 10-15 m. Chỉ cần cắm vào tẩu sạc 12V trên ô tô, chuyển đổi, thiết bị sẽ chặn ngay lập tức việc tiếp nhận GPS và “cấm” tất cả các thiết bị GPS cho phép theo dõi vị trí hiện tại của người dùng.

Còn các thiết bị phá sóng điện thoại, 3G có đường kính phá sóng từ 10-40 m, công suất 10 W, có điều khiển từ xa, điều chỉnh được công suất phát, cho phép điều khiển từng kênh riêng biệt. Các thiết bị này có thể phá sóng điện thoại các nhà mạng, có thể phá cả sóng WiFi, 3G... có điều khiển tắt mở từ xa qua remote rất kín đáo. Chúng có thiết kế như một bộ thu phát sóng WiFi với rất nhiều ăng-ten dùng để phát tín hiệu phá sóng; được quảng cáo là sử dụng được trên toàn thế giới, gây nhiễu và có thể chặn hầu hết các mạng GSM, CDMA, DCS, PHS, hệ thống tín hiệu 3G. Giá bán các thiết bị này chỉ từ 2-7 triệu đồng một bộ, tùy công suất phát.

Ngoài các thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc, nhiều website cũng đang rao bán các thiết bị phá sóng chuyên dụng có xuất xứ từ Israel .Các thiết bị này được quảng cáo là dựa trên công nghệ phá sóng tiên tiến, máy phá sóng truyền tín hiệu RF khóa liên lạc giữa ĐTDĐ và các trạm phát sóng, do đó ĐTDĐ không hoạt động được.

Liên hệ với một người bán các thiết bị phá sóng theo số điện thoại trên website www.do... thì người bán cho biết đang ở Hà Nội, các mẫu máy này là hàng cấm nên chỉ chấp nhận giao hàng qua chuyển phát nhanh. Nếu muốn mua thì báo mẫu máy cần mua theo thông tin trên website, sau đó chuyển tiền mua hàng vào tài khoản ngân hàng, sẽ có người giao hàng tận nơi.

Xuất hiện ở nhiều địa phương

Ông Đỗ Công Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT), cho biết đã nhiều địa phương phản ánh có chuyện doanh nghiệp (DN) đặt thiết bị phá sóng đường truyền GPS của hộp đen. “Việc này sẽ khiến công tác theo dõi vị trí xe đang chạy trên đường bị gián đoạn và không thể đưa ra số liệu về tốc độ xe chạy trên đường để có căn cứ xử phạt” - ông Thủy nói.

Cũng theo ông Thủy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có cảnh báo tới các sở GTVT và DN kinh doanh vận tải ô tô để theo dõi, giám sát tình trạng trên để có hướng xử lý. “Việc truyền dữ liệu từ DN tới sở GTVT và về Tổng cục Đường bộ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ đường truyền. Tuy nhiên, các trường hợp ô tô bị gián đoạn thông tin bất thường trên các thiết bị hộp đen hoặc hộp đen không lưu trữ đầy đủ thông tin để báo về các sở sẽ bị xem xét xử phạt theo lỗi TBGSHT không trích xuất đầy đủ thông tin” - ông Thủy nói

Tổng cục Đường bộ vừa đề nghị các sở GTVT tiếp tục đôn đốc các đơn vị vận tải có phương tiện chưa truyền dữ liệu phải liên hệ với các đơn vị lắp đặt TBGSHT để yêu cầu truyền dữ liệu về tổng cục theo quy định. Riêng đối với các nhà cung cấp TBGSHT cố tình không truyền dữ liệu hoặc không đủ năng lực để truyền dữ liệu, đề nghị các sở, các đơn vị vận tải có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ để báo cáo Bộ GTVT có biện pháp xử lý kịp thời. 

Chỉ phá được việc truyền dữ liệu

Một chuyên gia về lĩnh vực TBGSHT cho biết các thiết bị phá sóng có khả năng phát ra các tín hiệu làm nhiễu sóng trong bán kính phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp dùng các thiết bị này để phá sóng các TBGSHT thì không hiệu quả bởi vì các TBGSHT tiêu chuẩn luôn luôn chạy ngầm để lưu các dữ liệu về vị trí, tốc độ của ô tô liên tục. Nhiều tài xế nghĩ rằng phá được sóng truyền từ TBGSHT về trung tâm kiểm soát là có thể ngăn chặn được việc định vị cũng như tốc độ nhưng thực tế không phải vậy. TBGSHT sẽ liên tục ghi nhận dữ liệu bên trong nó, khi sóng bị nhiễu hay bị phá thì đúng là thiết bị không truyền được dữ liệu về trung tâm nhưng nó vẫn ghi nhận. Do đó, khi kiểm tra lại dữ liệu trên TBGSHT thì hoàn toàn có thể nắm được các thông tin này.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,212,142       1/1,194