Vốn hiểu biết văn hóa Việt hạn chế, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng có sự cách biệt... là rào cản khiến cho những cuộc trở về chưa thành công như mong muốn
Trở về chính là thực hiện khát vọng làm nghề cống hiến tài năng. Nhưng không ít người đã lạc lõng, chơi vơi khi đối diện với những rào cản. Không ít người đã thất bại ê chề ngay từ khi bắt đầu thực hiện niềm đam mê của mình.
Làm lại từ đầu
Biên đạo múa vốn là một nghề chưa được khán giả quan tâm, chú ý và biết đến nhiều ở Việt Nam. Vì thế, trước khi đến với chương trình Học viện ngôi sao, Alex Tú là cái tên hoàn toàn xa lạ với khán giả. Với những nghệ sĩ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở trời Tây như anh, việc trở về Việt Nam cống hiến vừa là cơ hội nhưng cũng là thử thách không nhỏ.
Mặc dù lúc ở Mỹ, nhiều người biết đến Alex Tú với vai trò là trưởng nhóm Kaba Modern, từng tham gia biểu diễn nhiều chương trình uy tín tại Mỹ, như: Hip hop International, Body Rock, EPSY’s Award, World of Dance... hay đã đi lưu diễn với những nghệ sĩ tên tuổi như: Britney Spears, Miley Cyrus, Rihanna, Jabbawockeez... Thế nhưng khi về Việt Nam, anh lại không được nhiều người biết đến. Điều đó khiến anh có phần hụt hẫng. “Cộng đồng khiêu vũ ở Việt Nam vẫn còn nhỏ và nhìn chung khi mới về không ai thực sự biết tôi. Do vậy, thách thức lớn nhất chính là tôi phải làm lại từ đầu” - Alex Tú cho biết.
Không có nhiều cơ hội để thể hiện tài năng, bài toán thu nhập cũng trở nên nghiệt ngã. Vì vũ công hay biên đạo múa đâu phải là ngôi sao thu hút của một chương trình. Hơn nữa, công chúng trước đây vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về những loại hình múa hiện đại mà cho rằng đó là thú chơi trội của giới trẻ. Những người làm nghề biên đạo múa luôn chông chênh, loay hoay với lối đi riêng của mình.
John Huy Trần thừa nhận mình may mắn vì được nhiều chương trình lớn như Thử thách cùng bước nhảy mời gọi kể từ khi về giảng dạy cho trung tâm Dancenter của biên đạo người Pháp gốc Việt Linh Rateau. Nhưng thách thức với anh lại là môi trường làm việc tại Việt Nam có những khác biệt rất lớn so với nước ngoài. “Những nước như Mỹ, Canada, họ đã qua quá trình học hỏi và đang phát triển nghệ thuật múa, còn múa Việt Nam mới đang trong giai đoạn học hỏi để chuẩn bị phát triển. Trở về Việt Nam, chúng tôi luôn phải tìm cách thích ứng” - John Huy Trần nói. Biên đạo người Pháp gốc Việt Linh Rateau cũng gặp không ít trở ngại từ những quy định về biểu diễn nghệ thuật hiện nay đối với nghệ sĩ gốc Việt hoặc Việt kiều. “Thật không may là đôi khi chúng tôi bị thiếu sự tự do. Tôi hiểu rõ những quy định nhưng không phải lúc nào cũng hợp lý” - Linh Rateau nói.
Ngoài ra, bất đồng ngôn ngữ cũng là rào cản khiến những biên đạo Việt kiều cảm thấy lạc lõng khi về đất mẹ. Biên đạo John Huy Trần từng cảm thấy trơ trọi vì không hiểu tiếng Việt để giao tiếp với mọi người. Phần lớn các vũ công tại Việt Nam hiện không có trình độ tiếng Anh để giao tiếp và nắm bắt ý đồ, cảm xúc của người biên đạo trong từng động tác nên quá trình dàn dựng rất vất vả.
Trở về rồi… ra đi
Trở về từ kinh đô điện ảnh Hollywood, Nguyễn Lê Dũng bắt tay vào làm bộ phim đầu tay Cảm hứng hoàn hảo với rất nhiều tâm huyết. Hơn 3 năm chuẩn bị từ kịch bản, tìm nhà đầu tư nhưng phim anh đã bị “đập” một cách không thương tiếc ngay từ buổi họp báo ra mắt vì “nhìn quá lệch lạc về người đồng tính”. Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn cũng tốt nghiệp tại Viện Cao học Nghệ thuật California và từng làm nhiều phim ngắn, phim tài liệu dự các liên hoan phim ở nước ngoài nhưng khi về Việt Nam làm 1.735 km lại thất bại ê chề khi không những bị báo chí chê tả tơi mà bi đát hơn, lúc phim “khai sinh” cũng “khai tử” luôn một hãng phim trẻ.
Ngoài Nguyễn Lê Dũng, Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn, những đạo diễn Việt kiều từng thất bại ê chề khi về nước làm phim như Ringgo Lê với Sài Gòn tình ca, Othello Khanh với Sài Gòn nhật thực, Nguyễn Trọng Khoa với 14 ngày phép, Lê Văn Kiệt với Bẫy cấp 3... Thất bại về doanh thu lẫn tên tuổi khiến các đạo diễn chơi vơi, lạc lõng trong một thời gian khá dài. Nguyễn Trọng Khoa đã ở “ẩn”, Lê Văn Kiệt cũng chơi vơi vài năm, còn Nguyễn Lê Dũng, Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn, Ringgo Lê, Othello Khanh… mất hút.
Điện ảnh Việt luôn đòi hỏi người làm phim có vốn văn hóa Việt phong phú mới dễ dàng chạm đến trái tim khán giả. Sự thiếu hụt về vốn sống và am hiểu về văn hóa dân tộc dẫn đến sự ngây ngô, hời hợt, dễ dãi trong cách nhìn nhận về cuộc sống, con người Việt Nam.
Trở về, được làm nghề, được đón nhận và đi đường dài với con đường nghệ thuật ngày càng trở nên chông gai hơn với họ khi nhu cầu, thị hiếu lẫn thẩm mỹ của khán giả Việt ngày càng cao hơn trước. Ngay cả những Charlie Nguyễn cũng đã chơi vơi một thời gian dài sau khi mất trắng vì Bụi đời Chợ Lớn rồi dở tệ với Tèo em hay Victor Vũ từng tổn thương trong một thời gian dài với “vết sẹo” của Giao lộ định mệnh. Những sản phẩm sau này của thế hệ đạo diễn Việt kiều cũng đang khiến khán giả mất dần niềm tin vì sự xuống tay, dễ dãi và làm phim kiểu nặng tính thương mại.
Mong được cống hiến
Nghệ sĩ Tuấn Lê cho biết đang thực hiện một dự án mới với tên gọi Làng nước. Đến đầu năm 2016, chương trình sẽ chính thức ra mắt khán giả. Theo Tuấn Lê, mong ước của anh là tiếp tục xây dựng các tác phẩm mới, sáng tạo và gây dựng một môi trường nghệ thuật lành mạnh, đủ sức để cạnh tranh trên thế giới. Biên đạo múa Alex Tú chia sẻ: “Tôi muốn tạo một nền tảng, cơ cấu và cách tổ chức vững chắc để có thể dạy các em học sinh một cách tốt nhất, giúp các em hoàn thiện và thay đổi được bản thân mình theo đúng sở trường”. Riêng John Huy Trần, Linh Rateau..., với công tác đào tạo tại trường múa Dancenter cùng những chương trình riêng như live show múa Jazz! cũng đang nỗ lực mang những sự kiện, chương trình múa đến với khán giả để loại hình nghệ thuật này được công chúng chú ý.