Công nghệ thông tin

Hố ga, miệng cống chực chờ gây họa

Trên một số tuyến đường tại Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM tồn tại nhiều hố ga, miệng cống “há mồm”, có thể gây họa bất cứ lúc nào

Sáng 8-9, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Sở Cảnh sát PCCC và các bên liên quan họp khẩn để đưa ra biện pháp tìm kiếm bé trai La Văn Tỷ (9 tuổi, quê An Giang) bị rớt xuống miệng cống trên đường 22/12, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An vào chiều 6-9.

Khó tìm kiếm nạn nhân

Từ thông tin do cơ quan công an điều tra, ông Đặng Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận An, cho rằng 99% cháu Tỷ bị rớt xuống miệng cống đường 22/12 như người dân đã phản ánh. Lực lượng chức năng nhận định cống trên đường 22/12 rất sâu, đang đầy nước nên người nhái rất khó thâm nhập để tìm kiếm nạn nhân. Phương pháp tìm kiếm mới được triển khai từ khoảng 10 giờ ngày 8-9 là chặn dòng chảy ở đầu cống đường 22/12 rồi bơm nước và bùn ra ngoài.

Nhiều người dân xung quanh hiện trường đã xúc cát, khiêng bao tải giúp lực lượng chức năng chặn dòng chảy. Tuy nhiên đến cuối ngày, thi thể của cháu La Văn Tỷ vẫn chưa được tìm thấy.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hệ thống cống cũng thiếu an toàn. Đơn cử, nhiều miệng cống không có nắp và được đậy bằng rổ hoặc che chắn bằng cành cây trên một tuyến đường chưa cán nhựa giao với đường 22/12. Ngay ở tuyến đường quan trọng là đại lộ Bình Dương, đoạn qua trung tâm TP Thủ Dầu Một, nhiều miệng cống bị hư hỏng, lưới sắt che chắn rách te tua. Anh Nguyễn Thanh Hải (ngụ phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) nói: “Tôi đã nhiều lần thấy người đi đường bị thương vì trượt té vào miệng cống này”.

“Nguy hiểm lắm!”

Tại tỉnh Đồng Nai cũng thường xuyên xảy ra những cơn mưa lớn gây ngập sâu nhiều tuyến đường. Trên các con đường lớn như Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, gặp những đoạn trũng, nước chảy ồ ạt, cuốn phăng nhiều thứ trên bề mặt. Nhiều đoạn cống, hố ga lâu ngày không được sửa chữa, tróc lở, bật nắp trở thành những cái bẫy đe dọa người đi đường. Rảo một vòng trên địa bàn TP Biên Hòa, dễ nhận thấy nhiều hố ga bị vỡ, sứt mẻ không được che chắn trên con đường song song Quốc lộ 1 ở KCN Amata (phường Long Bình); những đoạn cống bỏ hoang ở con hẻm dẫn ra đường Đồng Khởi thuộc khu phố 1, phường Tân Hiệp. Gần cầu Săn Máu, trên đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Hiệp, cũng có nhiều đoạn cống bị xói lở, mỗi khi mưa lớn là ngập rất sâu, nước chảy cuồn cuộn.

Một cống lộ thiên trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng NaiẢnh: Xuân Hoàng
Một cống lộ thiên trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng NaiẢnh: Xuân Hoàng

Một trong những địa bàn rất nguy hiểm mỗi khi có mưa lớn tại TP Biên Hòa là phường Trảng Dài. Ở đây, dọc theo đường Trần Văn Xã, gần UBND phường, xuất hiện nhiều hố ga lộ thiên, những đoạn cống dài không được che đậy, một số nắp cống bật lên bị đẩy ra xa và được người dân gá lại một cách tạm bợ. Đặc biệt, trên đường Bùi Hữu Nghĩa, đoạn có Trường THCS Trảng Dài, mỗi khi mưa lớn và học sinh tan trường thì sự nguy hiểm luôn cận kề. “Nguy hiểm lắm! Chúng tôi báo lên phường nhưng không thấy ai đến sửa chữa nên chỉ tìm cách vá tạm lại. Gần đây, đã có mấy trường hợp ngã vào hố này lúc trời mưa nhưng là người lớn nên thoát ra được và chỉ bị thương” - ông Thường (ngụ khu phố 2, phường Trảng Dài) chỉ vào đoạn cống vỡ một lỗ lớn bên đường và nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trảng Dài, xác nhận tình trạng nguy hiểm của các hố ga, miệng cống trên địa bàn. “Trong thời gian xuất hiện những cơn mưa lớn và sau cái chết thương tâm của 2 cháu nhỏ ở Bình Dương, chúng tôi đã báo cáo tình hình lên cấp trên và đang cùng Công ty Môi trường đô thị TP Biên Hòa nhanh chóng rà soát lại toàn bộ hệ thống đường sá, ống cống nguy hiểm trên địa bàn” - ông Hùng nói.

Ông Trịnh Tuấn Liêm, quyền Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, khẳng định đã chỉ đạo tất cả bộ phận liên quan kiểm tra, rà soát và nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, không thể chậm trễ.

Bạn đọc nhiều lần phản ánh

Thời gian qua, tại TP HCM, bạn đọc Báo Người Lao Động cũng đã nhiều lần phản ánh về các hố ga, miệng cống mất nắp, hư hỏng có thể gây tai nạn cho người dân và đề nghị các cơ quan chức năng khắc phục. Đầu tháng 6-2014, người dân trên Quốc lộ 50 phản ánh việc hàng loạt hố ga ở đây mất nắp dễ gây tai nạn cho người đi đường. Sau đó, UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh đã yêu cầu đơn vị thi công lắp nắp hố ga bảo đảm an toàn. Trước đó, trước cổng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (phường 6, quận 6) cũng có hố ga không nắp đậy. Sau khi báo đăng, đơn vị thi công đã khắc phục sự cố bảo đảm an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, vẫn còn nhiều hố ga, miệng cống bị bể hoặc xê dịch có thể trôi nếu mưa lớn. Tại đường 29, khu phố 6, phường Bình An, quận 2, một miệng cống đã lõm xuống rất dễ bị sụp nếu gặp phải mưa lớn. Cách đó không xa, một miệng cống cũng bị bể nắp, người dân phải dùng các vật dụng che chắn nhưng một số người đi đường do sơ ý nên đã rớt xuống, rất may không nguy hại đến tính mạng. Sau khi người dân phản ánh, các cơ quan chức năng mới khắc phục bằng cách thay nắp cống mới. Được biết, đây là tuyến đường thấp nên mỗi khi trời mưa, nước ở các nơi khác đổ về khiến dòng chảy rất mạnh dẫn đến các nắp cống dễ bị xê dịch. “Tôi thấy không yên tâm, nhất là tụi nhỏ đi học về gặp trời mưa lớn rất nguy hiểm nếu nắp cống này bị lũng xuống” - một người dân sống trên đường 29 lo lắng. Tương tự, trước nhà số 10 Trần Hưng Đạo, phường Hiệp Phú, quận 9 có một hố ga cũng đã bị mất hết phần sắt chắn phía trên, nếu mưa lớn tạo thành dòng xoáy, người dân đi qua khu vực này rất dễ bị tai nạn. 

Phải xử lý dân sự và hình sự

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật), về nguyên tắc chung, đường sá, cống rãnh khi đưa vào sử dụng thì phải bảo đảm an toàn cho tính mạng của con người cũng như tài sản khi lưu thông. Việc do mưa lớn đã đẩy nắp cống trượt ra khỏi vị trí để cháu Tỷ bị cuốn mất tích vào lòng cống phải được xem xét ở 2 loại trách nhiệm dân sự và hình sự.

Về trách nhiệm dân sự, khi xác định được cháu Tỷ chết bởi nguyên nhân lọt xuống cống thì trách nhiệm bồi thường thuộc đơn vị quản lý là phòng quản lý đô thị. Bởi đơn vị quản lý phải dự liệu được các trường hợp bất thường xảy ra như lưu lượng nước tăng để có cách giằng buộc hay phủ lưới lên trên  miệng cống nhằm bảo đảm an toàn. Cũng vì xác định lỗi như trên mà trong trách nhiệm hình sự thì người trực tiếp quản lý cống này cũng như lãnh đạo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 285 Bộ Luật Hình sự. Ph.Dũng

“Hố tử thần” nằm cạnh hố ga

Sáng 8-9, tại gần góc đường 21 giao nhau với đường Trần Não, phường Bình An, quận 2, TP HCM, một hố sâu khoảng 1,5 m, rộng hơn 1,5 m, dài khoảng 2 m vẫn còn được rào chắn chờ các cơ quan chức năng đến khắc phục. Người dân ở đây cho biết vào chiều 6-9, sau cơn mưa lớn kéo dài, bên cạnh hố ga xuất hiện một lỗ nhỏ. Sau đó, một chiếc xe chở xi măng lưu thông qua đây khiến lỗ này bị sập xuống và tạo thành hố trên.

“Hố tử thần” gần góc đường 21 giao nhau với đường Trần Não, phường Bình An, quận 2, TP HCM Ảnh: Thành Đồng

“Hố tử thần” gần góc đường 21 giao nhau với đường Trần Não, phường Bình An, quận 2, TP HCM Ảnh: Thành Đồng

Được biết, tuyến đường 21 thuộc dự án của Công ty Đầu tư miền Nam chưa bàn giao lại cho địa phương quản lý. Sáng 8-9, đại diện công ty đã đến kiểm tra hiện trường và cho biết sẽ nhanh chóng xác định nguyên nhân để có biện pháp

khắc phục. T.Đồng - G.Minh

Người lao động

© 2021 FAP
  3,215,563       1/1,213