TP HCM hiện đang cùng lúc triển khai 3 chương trình tiếng Anh gồm tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ 2020
Ông Trần Minh Ngôn - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 4, TP HCM - cho biết toàn quận hiện có 8/15 trường tiểu học đang thực hiện giảng dạy tiếng Anh theo đề án. Dự kiến năm học 2014-2015 sẽ chỉ có thêm 3 trường giảng dạy nhưng thực hiện được hay không còn lệ thuộc vào việc có tuyển được giáo viên (GV) hay không.
Theo bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, kể từ khi hết hợp đồng và ngưng tuyển giáo viên người Philippines, quận còn thiếu giáo viên tiếng Anh tăng cường (TATC). Quận 5 cũng chưa có trường thực hiện tiếng Anh đề án, nếu thực hiện thì cần có thêm nhiều giáo viên tiếng Anh.
Chắp vá, vẫn thiếu triền miên
Thiếu GV tiếng Anh, nhất là bậc tiểu học, là thực trạng chung tại TP HCM trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng vẫn chưa có con số cụ thể năm học này thiếu bao nhiêu GV vì các đơn vị vẫn đang tiến hành tuyển nhưng có thực tế là phải trải qua nhiều đợt tuyển dụng, số GV tiếng Anh mới tạm ổn.
Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1) đang cùng lúc giảng dạy 4 chương trình tiếng Anh là TATC, tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh theo đề án và tiếng Anh Cambridge. Theo kiểu cuốn chiếu, chỉ 2 năm nữa sẽ hết tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh Cambridge cũng sẽ ngưng theo lộ trình; chỉ còn 2 chương trình là tiếng Anh đề án và TATC.
Thế nhưng, theo lãnh đạo nhà trường, việc tuyển GV theo kiểu chắp vá, đắp đổi. Bởi lẽ, khi triển khai chương trình đề án, bộ nói sẽ rót kinh phí để trả lương GV, học sinh được học miễn phí nhưng cho đến nay, dù triển khai được 2 năm nhưng nguồn kinh phí không có nên trường đành phải gói ghém các khoản thu, rồi trích ra tự trả lương cho GV. Lương thấp thì dĩ nhiên không thu hút được người dạy.
Theo ông Lê Hùng Sen, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, nhiều trường tiểu học tại huyện chưa dám thuê GV người nước ngoài về dạy vì đóng góp của phụ huynh còn thấp. Chính vì thế, việc tạo điều kiện giao tiếp, thực hành tiếng Anh chuẩn cho học sinh còn hạn chế.
“Qua 2 đợt tuyển dụng, GV tiếng Anh bậc tiểu học mới tạm đủ nhưng vẫn chỉ đáp ứng được 50% lộ trình của giảng dạy tiếng Anh đề án” - ông Phan Văn Đồng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 10, thông tin. Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), lý giải: GV tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh đề án thì đủ, riêng TATC mới chỉ ổn định trong 1 năm trở lại đây; trước đó vì thù lao thấp, không đủ kinh phí chi trả, cứ hợp đồng được với GV trong một thời gian thì họ lại ra đi.
Phần nhiều do thu nhập thấp
Chương trình TATC được ghi nhận có sức hấp dẫn với học sinh và phụ huynh với thời lượng 8 tiết/1 tuần, được học với GV người nước ngoài nhưng khả năng mở rộng rất khó bởi đây là chương trình yêu cầu khá cao về cơ sở vật chất và sĩ số (35 học sinh/lớp). Nhưng lý do chính khiến chương trình này dù rất muốn triển khai nhưng còn hạn chế là do thiếu GV trầm trọng.
Bà Võ Ngọc Thu đánh giá: Lâu nay, các trường giữ chân GV tiếng Anh chỉ bằng sự… ổn định, tức là được biên chế trong trường, ổn định về chế độ và chính sách nhưng chỉ bằng biện pháp này thì không ổn. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 7 so sánh mức đóng góp cho chương trình TATC hiện nay là 50.000 đồng/học sinh/tháng, vẫn giữ nguyên từ hơn 10 năm nay. Tính trung bình hằng tháng, mỗi GV trong biên chế ngoài tiền lương theo hệ số còn có tiền phụ cấp trích từ học phí TATC khoảng 15.000-18.000 đồng/tiết, cộng lại khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nếu GV không có trong biên chế thì còn “thảm” hơn nữa. Mức thu nhập này chỉ bằng một phần rất nhỏ so với việc GV đi dạy thêm ở các trung tâm, GV dạy ở ngoài lại không bị áp lực giờ giấc, giáo án…, đó là lý do chính khiến GV tiếng Anh không lúc nào đủ.
Theo tính toán của PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, nếu mỗi GV tiếng Anh dạy 4 lớp (16 tiết/tuần) thì cả nước cần 39.759 GV, các tỉnh Đông Nam Bộ cần 4.582 GV và TP HCM cần 1.763 GV. Như vậy, từ nay đến năm 2020, mỗi năm, cả nước sẽ cần 6.626 GV, riêng Đông Nam Bộ cần 764 GV và TP HCM cần 294 GV. Trong khi đó, Khoa tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm TP HCM mỗi năm chỉ tuyển sinh khoảng 150 chỉ tiêu để đào tạo GV THPT, đến nay lại chưa có mã ngành đào tạo GV tiếng Anh tiểu học khiến bài toán thiếu GV tiếng Anh tiểu học trở nên vô cùng nan giải, đó là chưa tính đến việc đào tạo cho các địa phương khác.
Ông Lê Huy Lâm, nguyên GV tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP HCM, phân tích lâu nay chúng ta cứ đổ lỗi cho học sinh yếu kém tiếng Anh nhưng điều quan trọng bậc nhất là phải có thầy giỏi thì mới có trò giỏi, đặc biệt môn tiếng Anh đòi hỏi học sinh phải nói được và phát âm khá tốt. Cả nước làm khảo sát thì thấy Hà Nội, TP HCM có dưới 10% GV đạt chuẩn mà là chuẩn thấp thì không hy vọng có kết quả dạy học chất lượng. Trong khi đó, muốn mời GV đủ chuẩn để dạy lại không kham nổi kinh phí.
Trường này mời giáo viên trường kia
Ở bậc THPT, TP HCM hiện nay có 10 trường tổ chức giảng dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh nhưng ngoài chuyện chưa có chuẩn giáo trình, việc thiếu GV cũng khiến các trường loay hoay. Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 cho biết hầu hết các trường có tổ chức giảng dạy đều thiếu GV. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất chính là năng lực ngoại ngữ của GV Việt Nam nhìn chung còn yếu. Trong khi đó, việc đào tạo đội ngũ này lâu nay chưa được chú ý. Tại các trường có tổ chức giảng dạy bằng tiếng Anh, GV đều là do các trường tự đào tạo nên có khi trường này phải mượn giáo viên của trường kia khi thiếu.