Chỉ sau một cơn mưa, 2 bé trai ở tỉnh Bình Dương đã mất mạng mà nguyên nhân là do đường ngập, cống thoát nước thiếu an toàn. Trong vụ này có dấu hiệu của hành vi vô ý gây chết người
Dù “người nhái” liên tục dò tìm dưới hệ thống cống thoát nước ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương nhưng đến cuối ngày 7-9 vẫn chưa tìm thấy thi thể bé La Văn Tỷ (SN 2005, quê An Giang). Cuộc tìm kiếm kéo dài với sự hồi hộp theo dõi của hàng ngàn người dân.
Tai nạn lúc tắm mưa
Bé Tỷ bị sụp cống và mất tích trên đường 22/12, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An vào khoảng 17 giờ ngày 6-9. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhân chứng Đoàn Thạch Lập, tạm trú tại địa phương, kể: “Lúc đó mưa lớn, nước cao đến đầu gối. Tôi thấy nắp cống bị nước đẩy đi. Miệng cống mở ra. Tôi quay xe lại đi lối khác thì nghe một tiếng hét. Nhìn lại, tôi thấy thằng bé rớt xuống miệng cống nên nhào tới cứu mà không kịp. Nó bị cuốn mất vào lòng cống”. Được biết, Tỷ sụp cống trong lúc cởi trần, mặc quần đùi chạy từ khu nhà trọ ra đường lớn tắm mưa cùng vài đứa trẻ khác.
Đường 22/12 là một trong những tuyến đường lớn giao với Quốc lộ 13. Hệ thống cống thoát nước hai bên đường 22/12 khá to. Nhiều đoạn cống có chiều rộng đến 4 m, sâu hơn 5 m. Mưa lớn, nước trong lòng cống chảy rất xiết. Từ chiều tối 6-9, hàng chục chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương dò tìm Tỷ rất khó khăn.
Tỷ là con của chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1981, làm công nhân) và anh La Thái Vũ (SN 1978, phụ hồ), cùng quê An Giang. Chị Hằng kể do vợ chồng đi làm liên tục nên gửi Tỷ và đứa con gái út 2 tuổi cho chị ruột cùng khu trọ trông coi. Chị vừa kể vừa khóc: “Tôi đi làm về, không thấy nó đâu, đi tìm thì nghe một đứa nhỏ bảo thấy Tỷ sụp xuống cống”... Kiệt sức vì tìm con, trưa 7-9, hai vợ chồng về nhà trọ chỉ biết ôm hình con khóc ngất.
Đơn vị hữu trách chủ quan
Cả cha và mẹ bé Tỷ đều bức xúc vì hệ thống cống trên đường 22/12 quá thiếu an toàn. Chị Hằng nói: “Cống ở đây thua ở quê tôi. Dưới quê, trên miệng cống người ta có làm lưới sắt. Nắp cống có bay đi thì lưới vẫn còn nên trẻ không thể rớt xuống được”. Còn anh Vũ khẳng định trước khi con mình chết, anh đã thấy nhiều người té xe vì những nắp cống trên đường 22/12 dịch chuyển khi ngập nước. Một phụ nữ bán tạp hóa gần chỗ Tỷ sụp cống nói: “Mấy cái nắp cống ở đây bị vậy lâu rồi. Mưa lớn một cái là trôi. Tạnh mưa, người ta lại khiêng nắp cống đậy lại cho ngay ngắn”.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Dương khẳng định hệ thống cống hai bên đường 22/12 do Phòng Quản lý đô thị thị xã Thuận An quản lý và duy tu. Nước trong hệ thống đường cống này sẽ đổ vào trục cống lớn do Sở NN-PTNT đang thi công. Sau đó, sẽ chảy ra suối Đờn rồi xuôi về sông Sài Gòn.
Ông Lâm Trung Cang, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Thuận An, xác nhận: “Chúng tôi chịu trách nhiệm duy tu nạo vét. Các tấm đan (nắp cống - PV) có hư thì thay. Nói chung, đan còn tốt lắm. Do cơn mưa ngày hôm qua quá lớn nên tấm đan mới bị bung”. Trả lời vì sao trong quá trình duy tu, bảo dưỡng không phát hiện, phòng tránh, ông Cang nói: “Tấm đan nặng mà, mình đâu nghĩ mưa lớn có thể đẩy tấm đan như vậy!”.
Theo ông Cang, hệ thống cống này do Ban Quản lý dự án của thị xã Thuận An thi công xong đã gần 10 năm. Sắp tới, Phòng Quản lý đô thị sẽ xin UBND thị xã Thuận An cấp vốn để kiên cố hóa hệ thống cống.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, Văn phòng Luật sư TP HCM, nhận định: Về nguyên tắc đơn vị chức năng phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng để nắp cống không thể trôi khỏi miệng cống. “Đây là lỗi vô ý gây chết người. Người nhà nạn nhân hoàn toàn có thể kiện đòi bồi thường” - luật sư Vinh khẳng định. Nếu chứng minh được khi thi công nắp cống có sự rút ruột khiến nắp cống thiếu chất lượng dẫn đến việc bé Tỷ chết oan, theo luật sư Vinh, những cá nhân liên quan hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cống ngầm không có lưới chắn
Ngày 7-9, Công an phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết thi thể bé Lê Văn Mạnh - SN 2007, học lớp 2 Trường Tiểu học Tân Hiệp - đã được tìm thấy vào tối 6-9. Trước đó, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 6-9, trong cơn mưa rất lớn, xe đưa đón học sinh chở Mạnh từ trường về nhà. Khi xe dừng trên đường DH 409, phường Tân Hiệp, Mạnh bước xuống rồi bị cuốn xuống rãnh thoát nước dọc đường. Sau đó, Mạnh bị cuốn tiếp vào một ống cống rất lớn đặt ngầm, cắt ngang đường DH 409. Miệng cống thoát nước này hở, không có lưới chắn!
GÓC NHÌN
Đừng đổ cho… ông trời!
Không riêng bé La Văn Tỷ, đã có nhiều người thiệt mạng vì lọt cống, đa số là trẻ em.
Rạng sáng 1-1-2009, bé Ngô Hoàng Võ (SN 2003, “hành nghề” múa xiếc đường phố) trong lúc đi tìm anh mình đã lọt chân xuống cống thuộc một dự án đang thi công của công trình bờ kè Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP HCM) và thiệt mạng. Ghi nhận hiện trường cho thấy miệng cống được đậy bằng ván sơ sài.
Trưa 31-8-2011, bé Nguyễn Gia Huy (học lớp 1, ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) mất mạng sau khi rơi xuống hầm trong sân trường. Hầm này đưa vào sử dụng đã 3 năm, dùng để chứa nước nhưng không được đậy nắp.
Và rất nhiều cái chết oan uổng như thế đã xảy ra... Đến hôm 6-9, sau cơn mưa chiều thì những chiếc cống vô tâm đã cướp thêm 2 sinh mạng trẻ thơ ở Bình Dương.
Những chiếc cống, tất nhiên, không có lỗi. Các nạn nhân cũng không có lỗi. Lỗi thuộc về người lớn, trực tiếp xây dựng, quản lý và sử dụng những công trình ấy. Nhìn miệng cống trên đường 22/12 (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), nơi em La Văn Tỷ mất tích vào chiều tối 6-9, ai cũng rùng mình. Rộng và sâu như thế, mưa quá to và nước chảy rất xiết, người lớn dù có bơi giỏi đến mấy nếu chẳng may rơi xuống cống cũng chết chắc, nói gì trẻ em.
Cơ quan hữu quan tỉnh Bình Dương bước đầu đã đổ lỗi cho... ông trời: Vì mưa quá to nên nước ép mạnh, tấm đan bung ra, rời đi. “Tấm đan nặng mà, mình đâu nghĩ mưa lớn có thể đẩy tấm đan như vậy!”. Cách lý giải kiểu như đùa này của một quan chức hữu trách địa phương cộng với lời kể của người dân sở tại rằng mấy tấm đan trôi hoài, hễ mưa lớn là trôi, hết mưa người ta khiêng đậy lại... đã tố cáo đâu là địa chỉ phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn thương tâm này!
Phía nạn nhân có khi sẽ kiện đòi bồi thường nhưng chẳng gì có thể bù đắp nổi sự mất mát. Làm thế nào để những chiếc bẫy chết người như thế không giăng ra nữa? Có người nói “dại” rằng phải đến khi mấy “ông thi công”, “ông giám sát”, “ông quản lý” thọ nạn thì những chiếc bẫy kiểu ấy mới được dẹp.
Ừ, thì nói “dại”, nhưng biết đâu...!
Quý An