Công nghệ thông tin

Dồn lực đánh bắt xa bờ

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu các địa phương chủ động làm thí điểm, sau đó nhân rộng cho vay đóng tàu cá đánh bắt xa bờ

Ngày 22-8, tại hội nghị toàn quốc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản diễn ra ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát cho biết: Trong số hơn 127.000 tàu cá trên cả nước, chỉ có 28.000 tàu cá đánh bắt xa bờ với tổng sản lượng khoảng 2 triệu tấn/năm. Trong khi đó, trữ lượng thủy sản xa bờ ở các ngư trường rất lớn, chưa khai thác được bao nhiêu, như sản lượng cá ngừ đại dương chỉ khai thác được từ 50%-70% sản lượng cho phép.

Phân bổ tàu đóng mới chẳng thấm là bao

Theo Bộ NN-PTNT, Nghị định 67 quy định sẽ đóng mới thêm 2.079 tàu khai thác hải sản xa bờ, 205 tàu dịch vụ hậu cần. Bên cạnh đó, bộ còn chỉ định 4 đơn vị được thiết kế mẫu tàu cá vỏ sắt khai thác hải sản và làm dịch vụ.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (bìa phải) thăm xưởng đóng tàu tại tỉnh Khánh HòaẢnh: KỲ NAM

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (bìa phải) thăm xưởng đóng tàu tại tỉnh Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM

Tại hội nghị, các địa phương đều than rằng nghị định phân bổ số lượng tàu đóng mới quá ít so với nhu cầu của ngư dân. Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết các tổ chức, cá nhân của TP đã đăng ký 162 tàu khai thác hải sản và dịch vụ, trong khi chỉ được phân bổ 47 tàu.

Còn theo ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, địa phương này chỉ được phân bổ 30 tàu cá và 4 tàu dịch vụ. “Đề nghị tăng số lượng tàu phân bổ cho mỗi địa phương lên, chứ so với yêu cầu của ngư dân thì chưa thấm vào đâu. Ở Nam Định, những chủ tàu có công suất dưới 90 CV muốn bỏ tàu cũ, đóng tàu mới hiện đại, công suất lớn đã lên con số cả ngàn. Đó là chưa kể nhiều ngư dân, doanh nghiệp cũng muốn phát triển đóng mới để tăng số lượng tàu” - ông Hưng nói.

Ngoài ra, đại biểu các địa phương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thống nhất những tiêu chí cụ thể trong điều kiện xét duyệt cho ngư dân vay vốn để tránh tình trạng địa phương đã xét duyệt nhưng ngân hàng lại bác; cần chú trọng hơn về xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển, vùng sản xuất giống được đề cập trong nghị định này.

Có hiệu quả mới làm

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định việc phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ rất cần thiết nhằm nâng cao lợi ích kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng không vì thế mà tăng vô hạn tàu đánh bắt xa bờ.

“Việc đưa ra số lượng tàu đóng mới và phân bổ về các tỉnh, thành đã được nghiên cứu cụ thể sao cho hợp lý nhất, ngư dân có tàu mới làm ăn hiệu quả nhất. Khi đã đạt lợi nhuận và thí điểm thành công thì sẽ thay đổi, bổ sung mới. Nghị định 67 sẽ ưu tiên cho những ngư dân đánh bắt xa bờ đánh bắt có hiệu quả, có năng lực tài chính, có phương án sản xuất mang hiệu quả cao” - ông Phát nói.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh việc hỗ trợ lãi suất được ưu tiên hàng đầu cho đóng mới tàu sắt. Đối với ngư dân vay vốn đóng tàu, nhất là tàu vỏ sắt, nghị định quy định mức lãi suất hết sức ưu đãi từ 1%-3%/năm, thời gian vay 11 năm, hạn mức cho vay từ 70%-95% giá trị đóng mới tàu. Ngoài ra, nếu hư hỏng trong quá trình đánh bắt, Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí sửa chữa loại tàu này. Chính phủ sẽ chỉ đạo các địa phương chủ động làm thí điểm, sau đó nhân rộng cho vay đóng mới, cải hoán tàu ở khu vực của mình. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc thì phải báo cáo kịp thời để bộ, ngành liên quan tháo gỡ.

Hiện nay, 5 ngân hàng đã cam kết dành 14.000 tỉ đồng để cho ngư dân vay. 

Không hỗ trợ 2 đại gia nhập tàu cũ

Trả lời phỏng vấn của Báo Người Lao Động về việc Công ty CP Đức Khải

(TP HCM) và Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt (Vĩnh Long) xin cơ chế vay vốn ưu đãi từ Nghị định 67 lên đến hàng ngàn tỉ đồng để sắm tàu đánh cá đã qua sử dụng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định nhà nước sẽ không hỗ trợ.

“Biết đâu tàu nhập về không phù hợp với ngư dân thì sao? Những người mua đi bán lại ai chịu trách nhiệm? Người dân có được hưởng lợi ích gì không? Thực tế, việc quản lý nguồn vốn từ những việc trên là không thể. Hơn nữa, việc kiểm duyệt kiểm soát tàu cũ nhập từ các nước rất khó. Tàu cũ nhập về là đưa rác thải về Việt Nam” - Phó Thủ tướng nói.

Trước thông tin này, ông Trần Văn Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt, phân trần công ty ông chỉ nhập tàu dưới 8 năm tuổi. Ý tưởng nhập tàu xuất phát từ chuyến đi thực tế tại Indonesia cách đây hơn 1 năm chứ không phải sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67. Công ty muốn nhập tàu để giúp ngư dân có được phương tiện bảo đảm khi ra khơi. Hơn nữa, với phương tiện tàu vỏ sắt, khâu bảo quản thủy hải sản sẽ hiệu quả hơn tàu gỗ hiện tại, lại tiết kiệm hơn nhiều so với nhập tàu mới. Phía Hàn Quốc cũng ủng hộ kế hoạch của công ty và sẵn sàng hỗ trợ ông thực hiện việc này.  K.Nam - C.Tuấn

Người lao động

© 2021 FAP
  3,228,382       2/872