Quy trình bảo quản, vận chuyển, tiêu hủy lượng dầu chứa chất độc hại rất phức tạp và dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường
Sáng 22-8, đoàn công tác của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Sở TN- MT tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Đầu tư Cửu Long và các đơn vị liên quan đã tổ chức họp khẩn bàn phương án xử lý dứt điểm lô hàng gần 7.000 lít dầu chứa chất độc hại PCB đang được lưu giữ tại cảng Cái Lân.
Xử lý quá phức tạp
Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, khi phát hiện 1 trong 3 máy biến thế mà Công ty Cửu Long nhập từ Hàn Quốc về cảng Cái Lân có chứa chất độc hại PCB, ngày 17-7-2008, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính công ty này, buộc phải tái xuất về Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty cho biết không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác không chịu nhận lại.
Để bảo đảm an toàn trong khi chưa có biện pháp xử lý, tháng 5-2014, Công ty Cửu Long đã phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh rút gần 7.000 lít dầu nhiễm PCB khỏi 3 máy biến thế, cho vào 2 container về đặt tại kho bãi của Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh cùng 3 máy. Theo ông Hoàng Danh Sơn, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, 2 container này đang được bảo quản ổn định, không có hiện tượng rò rỉ, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đối với vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh việc xử lý triệt để lô hàng này là vấn đề rất phức tạp nếu đối chiếu với quy định của quốc tế và Việt Nam. Hiện nay, cả nước chỉ có một nhà máy xử lý được chất độc này nhưng nằm ở tận tỉnh Kiên Giang. Giải pháp trước mắt là nhanh chóng di chuyển số dầu đến nơi an toàn, tránh rủi ro. Tiếp theo, sẽ tổ chức đưa dầu đến nơi có thể tiêu hủy triệt để. Đến nay, các bên nhất trí tạm thời di chuyển số dầu này vào Nhà máy Xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV đóng ở phường Dương Huy, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Vận chuyển, bảo quản nghiêm ngặt
Tại cuộc họp nêu trên, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, yêu cầu Công ty Cửu Long phải có trách nhiệm hơn nữa và giải quyết dứt điểm việc di chuyển 2 container chứa dầu có chất độc hại PCB cùng lô thiết bị máy biến thế trong tuần tới.
Ông Nguyễn Tuấn Dương, đại diện Công ty Cửu Long, khẳng định số dầu này chỉ được chuyển tạm về TP Cẩm Phả. Trong thời gian sớm nhất, gần 7.000 lít dầu sẽ được chuyển đến Công ty CP Xi măng Thành Công (tỉnh Hải Dương) để tiêu hủy khi đơn vị này được cấp phép xử lý chất thải độc hại.
Ông Dương cũng hứa sẽ hợp tác chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng trong việc xử lý triệt để số dầu nguy hại nêu trên, không để phát tán, ảnh hưởng đến môi trường. “Thực chất, trong gần 7.000 lít dầu được lấy ra từ 3 máy biến thế thì có tới gần 70% là nước do máy biến thế để ngoài trời lâu ngày, nước mưa thấm vào. Trong 30% còn lại, tuy dầu có lẫn PCB nhưng lượng PCB chưa đến 0,2 g” - ông Dương trấn an.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - cán bộ Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng Cục Môi trường - cho rằng 7.000 lít dầu độc hại được chứa trong 34 thùng phuy đậy nắp cẩn thận, đặt trong bể khay thép cho vào 2 container nên rất an toàn. Bên cạnh đó, nồng độ PCB trong dầu không cao lắm, khoảng 84 pmm, gấp 2 lần tiêu chuẩn chung của quốc tế. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển, bảo quản đối với số dầu này phải bảo đảm nhiều quy định nghiêm ngặt, sử dụng xe chuyên dùng...
Theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, chậm nhất là đầu tuần sau, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo và thực hiện việc vận chuyển ngay số dầu độc hại về TP Cẩm Phả. Một tổ giám sát liên ngành sẽ được thành lập, do Sở TN-MT chủ trì, để giám sát từ khâu bốc xếp, vận chuyển đến lưu kho lượng dầu độc hại này.
Không để xảy ra bất trắc
Cũng trong chiều 22-8, lực lượng chức năng đã tổ chức khảo sát tuyến đường đưa 2 container chất thải từ cảng Cái Lân về lưu tạm tại Nhà máy Xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV. Do trên hành trình có gần 15 km là đường xấu, nhiều ổ gà nên đoàn công tác đã yêu cầu doanh nghiệp vận chuyển phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn, bảo đảm không để bất trắc xảy ra.