Công nghệ thông tin

Tôi có nên ký “hợp đồng hôn nhân”?

(NLĐO)- Tôi đưa bản “hợp đồng hôn nhân” cho ba tôi xem, ông nổi cơn thịnh nộ: “Dẹp, dẹp hết, không có cưới xin gì nữa. Thật quá đáng!”.

Trong nhà, từ ba, má tới các anh chị em không còn ai ủng hộ chuyện hôn nhân của chúng tôi nữa. Đúng hơn là có một người bỏ phiếu trắng là ông anh kế của tôi.

Mới đầu chính tôi cũng bị sốc về chuyện này. Sau khi bàn bạc chuyện cưới hỏi, Nhân bảo tôi: “Anh còn chuyện này phải nói rõ với em. Sau ngày cưới tuy chúng ta là vợ chồng nhưng có nhiều thứ phải rạch ròi. Ý anh muốn nói chuyện tài sản riêng. Cái gì của em trước khi cưới thì cũng sẽ là của em khi chúng ta thành vợ chồng và ngược lại. Để tránh sau này kiện tụng, tranh chấp, anh đề nghị trước khi cưới, chúng mình nên làm bản hợp đồng hôn nhân”. Tôi ngớ người ra.

Tôi có nên ký “hợp đồng hôn nhân”?

Nhân đưa cho tôi xem bản hợp đồng với những điều khoản hết sức rõ ràng mà anh tự tay soạn thảo. Trong đó có đoạn viết rằng những tài sản phát sinh sau hôn nhân do công sức của ai tạo ra thì sẽ thuộc về người đó khi có ly hôn; tài sản của riêng một trong hai người trước hôn nhân như nhà cửa, đất đai, các bất động sản khác, xe cộ, cổ phiếu… thì bên kia không có quyền tranh chấp khi ly hôn…”.

Tôi nhìn Nhân trân trối. Hình ảnh người đàn ông lịch sự, ga-lăng, hiểu biết, có địa vị xã hội, niềm mơ ước của bao cô gái trẻniềm tự hào của tôi bấy lâu nay đã bị chao đảo. Hóa ra, dù có nói yêu tôi cách mấy thì điều trước tiên, trước cả tình cảm của chúng tôi trong suy nghĩ của anh, chính là tiền.

“Tại sao phải làm như vậy?”- tôi thất thần hỏi anh. Không trả lời ngay, anh chăm chú nhìn vào tờ giấy, sau đó chậm rãi nói: “Vì nó có lợi cho tương lai của chúng ta. Anh và Hương Nhu trước đây đã không rạch ròi mọi thứ nên khi chia tay cứ nhùng nhằng mãi gần 10 năm chưa xong”.

Anh nhắc lại cuộc hôn nhân đổ vỡ với người vợ trước và xem đấy là hình mẫu cho mọi ứng xử trong hôn nhân sau này. Tôi thua anh 10 tuổi nhưng điều đó không phải là rào cản, là điều cấm kỵ trong hôn nhân bởi tôi yêu anh chân thành và cho đến giờ, tôi không hề biết anh có gì ngoài bản thân anh.

Tôi cầm tờ giấy đứng dậy: “Anh cho em thời gian để suy nghĩ. Thật ra việc này với em không đơn giản. Nó làm cho em băn khoăn về tình yêu của mình. Không lẽ mọi thứ đều không thể qua được tiền bạc hay sao?”. Nhân nắm tay tôi: “Anh không có ý gì khác ngoài việc muốn mọi thứ đơn giản, rạch ròi, dễ ứng xử khi xảy ra sự cố. Em biết đấy, anh làm khoa học nên mọi thứ cần chính xác”. Tôi gật đầu: “Anh có lý”.

Tôi có nên ký “hợp đồng hôn nhân”?

Và tôi ra về mà trong lòng nặng trĩu. Năm nay tôi 34 tuổi. Tuy không phải là người thành đạt nhưng tôi có công ăn việc làm ổn định. Tôi bắt đầu làm việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên bây giờ tôi hoàn toàn tự chủ về tài chính. Tôi không có nhà riêng vì ba má muốn anh em tôi quây quần trong ngôi nhà chung nhưng nếu muốn ra riêng, tôi vẫn có thể tự lo cho mình một nơi trú ngụ. Tôi không có xe hơi nhưng không phải vì tôi không đủ khả năng sắm nó mà vì tôi thấy không cần thiết. Tôi còn có nhiều thứ khác để có thể bảo đảm cho mình một cuộc sống độc lập, tự do, không phải phụ thuộc vào ai.

Tôi gặp Nhân cách nay 3 năm. Khi đó anh đang vào giai đoạn cuối của cuộc ly hôn gay cấn với vợ cũ. Gặp tôi, anh nói rằng, nhờ tôi mà anh có được những phút giây bình yên trong cơn bão tố của cuộc đời. Rồi anh nói yêu tôi nhưng không muốn tiến tới hôn nhân vì không còn niềm tin vào gia đình. Anh đề nghị chúng tôi chỉ là bạn tình của nhau nhưng tôi không đồng ý. Tôi bảo: “Phụ nữ có người vầy, người khác. Anh đừng vì hôn nhân đổ vỡ mà mất niềm tin đối với tất cả phụ nữ. Em hứa sẽ mang lại hạnh phúc cho anh”.

Tôi nói mãi, cuối cùng anh cũng xiêu lòng. Nhưng cũng phải rất lâu sau anh mới chấp nhận chuyện cưới xin. Thấy anh như vậy, tôi rất vui, nghĩ rằng mình đã thật sự làm thay đổi được nhận thức của anh về tình yêu, hôn nhân. Tôi nguyện với lòng sau khi cưới, trong khả năng của mình sẽ làm tất cả mọi điều để anh được hạnh phúc, để bù đắp cho anh những mất mát, khổ đau sau sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên.

Chúng tôi bắt đầu bàn bạc về chỗ ở sau khi cưới, về nơi tổ chức đám cưới, về số khách mời, trang phục cưới của cô dâu, chú rể; ngày cưới... Thậm chí, tôi đã tự thiết kế mẫu thiệp cưới cho mình. Nói chung là những thứ cơ bản nhất đã hoàn tất. Tôi lên một bảng kế hoạch, trong đó có tiến độ thực hiện cho từng công việc. Vì anh là nhà khoa học nên tôi mới phải làm như thế để anh vui lòng. Trong thực tế, anh rất hài lòng và hẹn gặp nhau để thưởng công cho tôi vì sự chu đáo ấy.

Tôi có nên ký “hợp đồng hôn nhân”?

Tôi hí hửng đến gặp anh, lòng vui như trẻ thơ khi nghĩ đến những lời nói, cử chỉ yêu thương mà anh sắp sửa dành cho tôi. Sự việc diễn ra đúng như vậy. Anh khen ngợi và ôm hôn tôi đắm đuối. Mọi việc sẽ hết sức hoàn hảo nếu như sau đó anh không trưng ra cái hợp đồng hôn nhân và đề nghị tôi nghiên cứu kỹ; sau đó sẽ bàn bạc, thương lượng và ra công chứng ký kết…

Tôi ra về với bao thứ ngổn ngang trong lòng. Mấy ngày sau, không kềm được, tôi đã nói với ông anh kế của tôi. Anh nghe xong và tận mắt nhìn thấy bản hợp đồng hôn nhân thì mới tin đó là sự thật. Anh nhăn nhó một hồi rồi bỗng phá lên cười: “Mày hên rồi nghen bé Tư”. Tôi ngạc nhiên: “Sao mà hên? Em đang rầu thúi ruột đây nè”.

Ông anh tôi thôi cười: “Anh nói hên là vì nhờ có vụ này mà em nhìn rõ hơn một con người mà mình định gắn bó cả đời. Nhân dịp này anh cũng mong em tìm hiểu kỹ cuộc hôn nhân trước đây của anh ta, xem lý do vì sao mà nó đổ vỡ”. Tôi nhăn mặt: “Em hỏi mà anh ấy đâu có chịu nói hết? Đại khái là tính tình không hợp”.

Anh tôi bảo đó là lý do phổ biến nhất của mọi cuộc ly hôn nhưng phía sau nó có rất nhiều rắc rối, phức tạp. “Vậy chớ anh ủng hộ hay phản đối bản hợp đồng hôn nhân này?”- tôi sốt ruột. Anh bảo không ủng hộ cũng không phản đối, nếu thật lòng yêu nhau thì hãy quên đi bản hợp đồng ấy; còn cứ suy nghĩ, bận tâm về nó thì sẽ không bao giờ thấy yên ổn, hạnh phúc.

Anh bảo tôi đem chuyện này ra bàn bạc với cả nhà xem ý kiến mọi người thế nào. Kết quả là ba tôi nổi cơn thịnh nộ, má tôi giận dỗi, anh hai gạt phắt, bé Năm trề môi, bé Sáu lắc đầu, con Út cười phá lên rồi lấy tay chém vào không khí với ý nghĩa là cắt đứt.

Tôi thật sự bối rối, không biết phải quyết định ra sao. Tôi thấy ý kiến của mọi người đều có lý nhưng hôn nhân lại là chuyện riêng của hai người. Hãy nói cho tôi xem, với việc đề nghị phải ký hợp đồng hôn nhân trước khi cưới, có phải chồng tương lai của tôi quá chú trọng chuyện tiền bạc hay vì lý do nào khác? Tôi có nên tiếp tục nghĩ đến đám cưới hay là chấm dứt từ bây giờ để khỏi đau khổ về sau?

Người lao động

ly dị, bất động sản, vợ cũ, người đàn ông, tài sản riêng, tiến tới hôn nhân, nhà khoa học, cuộc hôn nhân, cô gái trẻ, bản hợp đồng, niềm tự hào, công


© 2021 FAP
  3,255,849       3/1,524