(NLĐO)- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phải thốt lên như vậy tại phiên họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật BHXH sửa đổi của Ủy ban Thường vụ QH sáng 13-8.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII khai maạc ngày 11-8. Ảnh: TTXVN
Sáng 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.
Góp ý cho điều khoản quy định về các hình thức đầu tư của quỹ BHXH (điều 94) trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên: “Tôi đề nghị các đồng chí phải ngồi lại với nhau để xem lại và viết lại, chứ viết thế này là vỡ quỹ rồi mất hết tiền”.
Chủ tịch QH cho rằng BHXH không phải là cơ quan đầu tư tài chính, làm gì có nghề. Vì vậy vác tiền đi đầu tư là phải thận trọng ."Ví dụ cho ngân sách nhà nước vay nhưng cho vay như thế nào thì phải nói cho rõ".
Thứ hai là đầu tư vào công trình kinh tế trọng điểm quốc gia. “Trời đất ơi, đường sắt cao tốc rồi đường này đường kia, đường Bắc-Nam vv.. các đồng chí có đầu tư không? viết thế này là không được”.
Về ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư, chủ tịch QH nói: Anh có phải công ty chứng khoán đâu, anh có phải là người có nghề đâu mà chịu rủi ro mất tiền. Tiền này không phải là tiền của cơ quan BHXH, vì vậy giao cho các anh cái quyền này là không được.
“Ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư làm sao mà các đồng chí làm được và không được làm”
Rồi còn các hình thức đầu tư khác do Chính phủ quy định. “Như vậy là chết rồi. Cái gì cho phép làm là làm, chứ không có hình thức khác được. Cái gì mà được ngân sách bảo đảm, bảo lãnh ủy thác thì được chứ còn có cổ phần là không được rồi”
Góp ý cho điều 93 của dự thảo Luật BHXH sửa đổi về nguyên tắc đầu tư: Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết.
“Viết như thế này thì an toàn, hiệu quả cái gì? Tôi đề nghị các ủy ban của QH, hội đồng soạn thảo, các cơ quan liên quan cần xem xét lại. Với Bộ Tài chính, tôi thấy khi thông qua dự thảo này ở Chính phủ, tôi thấy Bộ thiếu trách nhiệm”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: các đồng chí phải xem lại điều 94, khi nào nó có thể thực hiện được như quy định ở điều 93 thì mới được, đó là hoạt động của quỹ phải an toàn, hiệu quả và phải thu hồi được khi cần thiết.
Điều 93. Nguyên tắc đầu tư
Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết.
Điều 94. Các hình thức đầu tư
1. Mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, của các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ;
2. Cho Ngân sách Nhà nước vay;
3. Gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ;
4. Đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia;
5. Ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư; các hình thức đầu tư khác do Chính phủ quy định.
6. Chính phủ quy định chi tiết Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Quốc hội khóa XIII, trái phiếu, ủy ban thường vụ quốc hội, dự án trọng điểm, vốn điều lệ, nguy cơ vỡ quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm