Kim ngạch thương mại 2 chiều Mỹ - châu Phi thua xa Trung Quốc và Liên minh châu Âu trong năm 2013
Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đón tiếp gần 50 nhà lãnh đạo châu Phi đến Washington dự hội nghị cấp cao Mỹ - châu Phi lần đầu tiên. Theo AP, thúc đẩy kinh tế là mục tiêu chính của hội nghị khai mạc ngày 4-8 (giờ địa phương) và kéo dài 3 ngày này.
Hội nghị diễn ra giữa lúc Mỹ đang bị phân tâm bởi một loạt cuộc khủng hoảng khắp thế giới - từ cuộc xung đột ở Dải Gaza, khủng hoảng Ukraine đến mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan ở Iraq… - trong khi châu Phi chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng. Dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi cũng phủ bóng đen lên hội nghị khi tổng thống 3 nước bị ảnh hưởng là Sieria Leone, Liberia và Guinea hủy kế hoạch đến Washington. Ngoài ra, 4 nhà lãnh đạo Zimbabwe, Sudan, Eritrea, Cộng hòa Trung Phi không được mời vì bị Washington chỉ trích là “vi phạm nhân quyền, dân chủ”.
Tuy nhiên, những thách thức trên không đủ để dập tắt sự lạc quan của nước chủ nhà. Theo Reuters, Mỹ sẽ thông báo các khoản đầu tư trị giá gần 1 tỉ USD tại hội nghị, bao gồm các thỏa thuận kinh doanh, khoản tiền tài trợ thêm cho lực lượng duy trì hòa bình và hàng tỉ USD cho các chương trình lương thực, thực phẩm và điện lực ở châu Phi… Không dừng lại ở đó, ông Obama sẽ thúc giục quốc hội gia hạn Đạo luật Cơ hội tăng trưởng châu Phi (AGOA) hết hạn vào ngày 30-9 tới. AGOA cho phép hầu hết các nước châu Phi tiếp cận ưu đãi thị trường Mỹ. Nguy cơ do chủ nghĩa khủng bố ở châu Phi đem lại dự kiến cũng được thảo luận.
Hội nghị trên được xem là nỗ lực của Mỹ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và những nước khác về vai trò và tầm ảnh hưởng tại lục địa đen. Ông Christopher Wood, một nhà phân tích tại Viện Các vấn đề quốc tế Nam Phi, nói với Reuters: “Mỹ có lẽ đã tụt lại phía sau trong cuộc đua nhằm chinh phục cảm tình của châu Phi. Vì thế, hội nghị là con đường để Mỹ chạy đua với những đối thủ như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)”. Theo thống kê của Viện Brookings, kim ngạch thương mại 2 chiều Mỹ - châu Phi trong năm 2013 là 60 tỉ USD, thua xa Trung Quốc (170 tỉ USD) và EU (trên 200 tỉ USD). Thế nhưng, bà Linda Thomas-Greenfield, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi, bác bỏ nhận định trên. “Quan hệ giữa chúng tôi với châu Phi rất mạnh mẽ và có từ lâu đời. Đây là cơ hội để tái khẳng định điều này với các nhà lãnh đạo châu Phi” - bà phát biểu trước thềm cuộc gặp. Hơn nữa, giới chức Mỹ chỉ ra rằng dù đổ nhiều tiền hơn vào châu Phi nhưng Bắc Kinh chỉ quan tâm khai thác tài nguyên thay vì thúc đẩy sức mạnh kinh tế của châu lục này. "Chúng tôi không chăm chăm vào tài nguyên của châu Phi mà chú trọng tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương” - ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, khẳng định.
Một số nhà phân tích nhận định ông Obama đã chú ý nhiều hơn đến châu Phi trong nhiệm kỳ thứ hai sau khi bị chỉ trích phớt lờ lục địa đen trong nhiệm kỳ đầu. Ông công du châu Phi vào năm ngoái và nhiều khả năng trở lại đó trước khi nhiệm kỳ kết thúc. Tổng thống Mỹ là người phát động sáng kiến mang điện đến 20 triệu hộ gia đình ở vùng châu Phi hạ Sahara và chương trình học bổng dành cho các nhà lãnh đạo trẻ châu Phi. Vì thế, không có gì khó hiểu khi nhà lãnh đạo Mỹ hết lời ca ngợi: “Châu Phi đang tăng trưởng và nơi này có những thị trường phát triển mạnh mẽ, những doanh nghiệp và tài năng xuất chúng”.
“Phương Tây cần cứng rắn với Trung Quốc”
Trả lời phỏng vấn tạp chí The Economist (Anh) hôm 4-8, ông Obama cho rằng phương Tây cần cứng rắn với Trung Quốc giữa lúc nước này mở rộng vai trò trong nền kinh tế thế giới. “Chúng ta cần phải cứng rắn với Trung Quốc vì họ sẽ cứ lấn tới hết mức có thể chừng nào chưa gặp sự kháng cự... Chỉ kêu gọi họ tuân theo các quy tắc quốc tế là chưa đủ” - ông Obama đánh giá. Tổng thống Obama cũng tin rằng căng thẳng về thương mại giữa 2 nước sẽ được giải quyết khi Trung Quốc không đơn thuần chỉ là “nhà sản xuất giá rẻ của thế giới” và các công ty của nước này bắt đầu tạo ra sản phẩm có giá trị cao.