Từ bỏ túi ni-lông là cách mà người dân ở Cù Lao Chàm thể hiện tình yêu đối với nơi họ sinh sống
Tờ mờ sáng, chợ hải sản trên cầu cảng ở thôn Bãi Làng (Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) tấp nập người dân và du khách. Trên tay các bà, các chị là chiếc giỏ nhựa. Lựa cá xong, họ bỏ vào giỏ rồi tiếp tục sang chợ gần đó để mua thực phẩm. Nhiều người 2 tay xách đuôi những con cá to chạy ù về nhà thay vì đựng trong túi ni-lông. Những quán bán đồ ăn sáng tấp nập người. Ai muốn mua về đều mang vật dụng đến để đựng vì chủ quán không dùng túi ni-lông. Với mỗi người dân xã đảo Tân Hiệp, đó là những hình ảnh hết sức bình thường bởi mọi việc đã đi vào nề nếp từ 5 năm trước.
Bớt tiền lời cho đảo sạch hơn
Trước năm 2009, Cù Lao Chàm ngập rác thải sau những lần đón tiếp các đoàn du khách. Rác do du khách mang tới, rác do người dân làm du lịch thải ra... Từ một hòn đảo hoang sơ, sạch bong, Cù Lao Chàm bị ô nhiễm trầm trọng. Khách đến đông dần cũng là lúc Cù Lao Chàm gánh những túi rác khổng lồ. Sau mỗi cơn sóng vỗ, túi ni-lông nổi lềnh bềnh trên mặt biển bị đánh dạt vào bờ.
“Khi đó, người dân đảo cũng cảm thấy hổ thẹn với lương tâm, với du khách nhưng chưa nghĩ ra cách xử lý” - ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, nhớ lại. Thế rồi, trong một lần tìm cách làm sạch Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy TP Hội An, đã cương quyết thực hiện kế hoạch “Nói không với túi ni-lông”. Thế là từ tháng 5-2009, kế hoạch chấm dứt sử dụng túi ni-lông chính thức được thực hiện ở Cù Lao Chàm.
Khó khăn đầu tiên bắt nguồn từ chính những người dân trên đảo khi họ bị buộc phải từ bỏ sự tiện lợi do túi ni-lông mang lại. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, tiểu thương chợ Tân Hiệp, cho biết: “Tui bán thịt mà không được dùng túi ni-lông nên cảm thấy vướng víu, khó chịu vô cùng. Cái khó ló cái khôn, ban đầu tui lấy lá chuối bọc thịt lại cho người mua hàng bỏ vào giỏ, không ngờ sạch sẽ và tiện lợi vô cùng. Về sau, lá chuối khó kiếm nên tui chuyển sang gói bằng các lá khác”.
Các chủ tiệm mì Quảng, chè đậu, nước mía… cũng đau đầu không kém khi phải “đoạn tuyệt” với túi ni-lông. “Thế mà mọi chuyện cũng êm xuôi cả. Tui bán mì Quảng trên đảo chục năm nay, có túi ni-lông đựng cũng tiện, không có thì ăn tại chỗ bằng tô. Ai muốn mua về thì mang tô tới, ai ở xa thì đi chợ đem theo cà mèng, rứa là xong” - bà Trần Thị Ba, bán mì Quảng trước chợ Tân Hiệp, nhớ lại.
Đến nay, thay vì tay không đến chợ, các bà nội trợ trên đảo dùng giỏ nhựa được chính quyền cấp phát. Lựa hàng xong, không chỉ đồ khô mà đồ ướt hoặc thấm nước họ cũng bỏ vào giỏ sau khi được gói bằng giấy, lá. “Ban đầu cũng bất tiện nhưng về sau, tôi lại thấy sạch vô cùng. Xài túi ni- lông tiện nhưng lại rất dơ” - bà Nguyễn Thị Châu, thôn Bãi Làng, so sánh.
Theo mức giá hiện tại, túi ni-lông rẻ hơn túi lát hoặc túi giấy rất nhiều. “Túi ni-lông giá 25.000-40.000 đồng/kg nhưng túi lát mỗi cái đã 1.500-10.000 đồng. Chúng tôi mất số tiền lời kha khá khi mua túi tự hủy thay túi ni-lông để đựng hàng cho khách nhưng rồi thấy đảo mình sạch hơn, khách đến đông hơn nên vui mà quên mất khoản lời lỗ kia” - bà Nghĩa cười.
Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều tiểu thương bán hàng lưu niệm, hải sản tại Bãi Làng. “Mỗi khi trao cho du khách hàng hóa đựng trong túi tự hủy, chúng tôi cảm thấy tự hào hơn vì đã truyền đến họ thông điệp bảo vệ và giữ gìn cho hòn đảo nay luôn sạch đẹp” - một tiểu thương nói.
“Phục kích” túi ni-lông
Để đạt được kết quả như hôm này là cả một quá trình đầy chông gai chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ. Ông Nguyễn Văn An cho biết khi triển khai chiến dịch, UBND xã Tân Hiệp phải năm lần bảy lượt họp dân, hết vận động, nói nhẹ rồi nói nặng. Xã cũng lập một đội tuyên truyền hằng ngày nhắc nhở người dân không dùng túi ni-lông, cấp phát giỏ nhựa, túi tự hủy cho họ xài.
“Ban đầu, chúng tôi chỉ nhắc nhở, khi người dân không thực hiện thì mới mời lên làm việc rồi phạt. Nói vậy chớ xã chưa phạt ai bao giờ. Nay thì người dân trên đảo lại còn ghét túi ni-lông nữa đấy!” - ông An phấn khởi.
Khu vực cầu cảng ở thôn Bãi Làng, nơi ca nô chờ đưa khách từ đất liền ra đảo, lúc nào cũng có vài dân quân “phục kích” xem du khách có mang theo túi ni-lông không. Nếu phát hiện du khách đem túi
ni-lông lên đảo, lực lượng này liền nhắc nhở, hướng dẫn họ thay bằng túi tự hủy. Anh Nguyễn Tấn Việt, dân quân ở xã Tân Hiệp, cho biết thỉnh thoảng vẫn có du khách dùng túi ni-lông đựng vật dụng mang lên đảo. “Đa phần họ là khách lần đầu đến đảo nên chúng tôi chỉ nhắc nhở. Khi hiểu ra, họ vui vẻ chấp hành” - anh Việt cho biết.
Ở Cù Lao Chàm, người dân đã quen với việc hễ thấy túi ni-lông là ngay lập tức mang bỏ vào sọt rác. Ngay sau khi dùng xong những loại thực phẩm khô gói trong túi ni-lông mang từ đất liền ra đảo, người dân cũng bỏ vào sọt rác. Mỗi buổi sáng, trên bờ biển có lực lượng dùng thuyền thúng đi vớt rác thải. “Rác ít hơn rất nhiều so với trước đây và hầu như không còn túi ni-lông nữa nhưng chúng tôi vẫn phải làm để bảo đảm vệ sinh mặt nước biển” - một công nhân vệ sinh môi trường giải thích.
Chị Nguyễn Thị Trang, chủ một nhà nghỉ ở Cù Lao Chàm, cho biết chị vốn sinh ra và lớn lên ở đây. Từng đi học ở nhiều nơi nhưng sau khi tốt nghiệp, chị vẫn trở về hòn đảo này sinh sống. “Cù Lao Chàm vẫn giữ được nét hoang sơ và mộc mạc, không một chút xô bồ, lúc nào cũng tĩnh lặng và sạch sẽ. Bỏ đi thói quen có hại để Cù Lao Chàm sạch hơn là cách mà người dân ở đây lựa chọn để thể hiện tình yêu đối với hòn đảo nhỏ xinh này” - chị Trang trải lòng.
Mong nhiều nơi không túi ni-lông
Bà Trần Thị Thiên Thạch (SN 1961, ngụ quận 3, TP HCM) bày tỏ sự hài lòng khi trải qua một tour du lịch ngắn ngày ở Cù Lao Chàm. Nghe Cù Lao Chàm là hòn đảo duy nhất trên cả nước không sử dụng túi ni-lông nên bà ao ước được đến một lần, vừa để du lịch vừa kiểm chứng xem có đúng như lời đồn không.
“Khi đi dạo quanh đảo, tôi không hề thấy túi ni-lông. Tôi đã đi du lịch nhiều nơi nhưng hiếm có nơi nào nói không triệt để với túi ni-lông như Cù Lao Chàm. Tôi ước gì các hòn đảo ở nước ta, thậm chí nhiều nơi khác, cũng nói không với túi ni-lông để môi trường ngày càng sạch đẹp hơn” - bà Thạch thổ lộ.