(NLĐO) - Bão Rammasun (Thần sấm) rất mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp đi vào phía Đông biển Đông trong sáng nay, 16-7, sớm hơn so với dư kiến ban đầu.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương cho biết vào 7 giờ sáng nay 16-7, vị trí tâm bão Rammasun ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Luzong (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Như vậy sáng nay bão sẽ đi vào phía Đông biển Đông, sớm hơn so với dự báo ban đầu. Đến 7 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 7 giờ ngày 18-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Biển Đông, có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ ngày mai (17-7) có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương chiều 15-7, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cảnh báo đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có khả năng đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ và còn diễn biến phức tạp. Sau khi vào biển Đông bão sẽ giảm 1-2 cấp, chỉ còn cấp 10, cấp 11 tuy nhiên sau đó nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trở lại cấp 12, 13, giống cơn bão số 2 năm 1983 (bão Vera). Từ ngày 19 đến 22-7, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa trung bình 200 - 300 mm, có vùng 300 - 400 mm.
Ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khuyến cáo do bão sẽ gây mưa vùng Đông Bắc Bộ nên cần rà soát phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Cần chú ý ứng phó ngập lụt ở đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội là tâm mưa từ ngày 20 đến 23-7, cảnh báo úng lụt đô thị, cần có phương án chống úng ngập.
Chiều tối 15-7, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã tiếp tục có công điện thứ 2 về cơn bão Rammasun chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các tỉnh Bắc Bộ và các bộ ngành liên quan yêu cầu chỉ đạo các địa phương, đơn vị thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động vào nơi tránh trú, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Tùy theo diễn biến cụ thể của bão, các tỉnh chủ động xác định thời điểm cấm tàu thuyền hoạt động trên biển; tổ chức neo đậu an toàn, kiểm tra và có phương án bảo vệ an toàn người dân sống ven sông, khu nuôi trồng thủy sản... Các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ chủ động có phương án tiêu úng cho lúa, chống ngập đối với các đô thị lớn như Hà Nội; Hải Phòng. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn và xử lý các tình huống khẩn cấp do bão gây ra.
Phòng chống lụt bão, quần đảo Hoàng Sa, mưa bão, bão lại về, mùa bão lũ, khí tượng thủy văn, tìm kiếm cứu nạn, bão Rammasun, bão mạnh tiến về biển