Công nghệ thông tin

“Dọn đường” cho máy bay đúng giờ

Nhiều giải pháp quyết liệt đã được triển khai nhằm đem lại sự thuận tiện cho hành khách ở sân bay và giảm yếu tố tác động gây chậm, hủy chuyến

Trong các ngày từ 14 đến 16-7, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) tổ chức đoàn kiểm tra giám sát hoạt động khai thác của các hãng hàng không và đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan tại 3 sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất (TSN) và Đà Nẵng.

Tổ chức lại mặt bằng khai thác

Là tổ trưởng tổ kiểm tra giám sát, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục HKVN, cho biết trước mắt, Cục HKVN phải giải quyết ngay những vấn đề cấp bách, cụ thể bố trí lại mặt bằng khai thác nhà ga đến và đi nội địa ở sân bay TSN và Nội Bài. Tại sân bay TSN, nhà ga nội địa đi luôn ùn tắc do chỉ có một cửa ra/vào nên Cục HKVN yêu cầu điều chỉnh các quầy bán hàng thương mại để mở thêm cửa.

Theo đó, Cảng Hàng không TSN đã đóng ngay quầy hàng D6 chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông và thu nhỏ gian hàng của Công ty Dịch vụ hàng không TSN (Sasco) để mở thêm 1 lối đi cho hành khách. Trung tâm An ninh hàng không cũng được yêu cầu dịch chuyển máy soi chiếu an ninh vào phía trong, nhường diện tích cho khách xếp hàng, tăng năng lực thông quan. Về phía Cảng Hàng không TSN phải tăng cường 2 người trong cả 3 ca trực hằng ngày để nhanh chóng giải quyết công việc.

Xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: 
TẤN THẠNH
Xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: TẤN THẠNH

“Thông thường, việc bố trí lại cửa soi chiếu an ninh phải mất 3 ngày nhưng chúng tôi yêu cầu phải làm xong trong 1 ngày và các bên đã thực hiện ngay” - ông Võ Huy Cường nói.

Các hãng hàng không cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp “tự cứu” mình. Ông Lê Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Khai thác Nội Bài của hãng hàng không Vietjet Air, cho hay đã lên kế hoạch bố trí máy bay dự phòng. Việc này không đồng nghĩa dành 1 máy bay nằm không để trám vào lịch khai thác khi có hiện tượng chậm, hủy chuyến mà bố trí mỗi máy bay ở chế độ chờ từ 3-6 giờ/ngày, thực hiện luân phiên ở mỗi sân bay khác nhau. Như vậy, lúc nào hãng cũng có 1 máy bay nằm chờ, sẵn sàng “chia lửa” khi lịch bay biến động.

Một giải pháp tình thế vừa được các hãng hàng không đồng loạt áp dụng là thực hiện lọc khách. Trước giờ dừng làm thủ tục cho khách lên máy bay 10 phút, hãng cho nhân viên đi gọi từng khách có tên trong danh sách chuyến bay, ưu tiên làm thủ tục đăng ký và dán thẻ an ninh để được qua cửa soi chiếu sớm nhất.

Giảm giá, bán thêm đồ ăn bình dân

Đáng lưu ý, giá nước uống, mì gói, phở… tại sân bay đã giảm nhẹ. Bà Nguyễn Thụy Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng không Miền Nam, cho hay chỉ sau một ngày yêu cầu điều chỉnh giá, 1 trong 3 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ tại TSN đã giảm giá đồ ăn, nước uống từ ngày 15-7. Cụ thể, Sasco đã giảm từ 5.000-10.000 đồng mỗi suất cơm, phở, bún, mì. Giá phở gà, bò; bún; miến giảm từ 65.000 đồng/tô xuống còn 55.000 đồng/tô, nước uống Wami chỉ còn 12.000 đồng/chai.

Theo bà Minh, mức giảm này chưa nhiều nhưng là một động thái tích cực. Các cơ quan chức năng đang xem xét khả năng giảm giá thuê mặt bằng và các giải pháp đồng bộ khác nhằm tạo điều kiện cho DN giảm giá đồ ăn, thức uống mạnh hơn. Còn tại khu vực ga quốc tế, giá suất ăn đang bằng giá của các sân bay Thái Lan, Đài Loan.

Đánh giá xu hướng khách đi hàng không giá rẻ ngày càng tăng, Cảng vụ Hàng không Miền Nam cũng yêu cầu cả 3 DN cung cấp dịch vụ phi hàng không ở sân bay TSN bổ sung các sản phẩm phù hợp với đối tượng khách bình dân. Đó là bán thêm mì gói, bánh mì, bún, bánh bao, nước uống. Cảng vụ cũng yêu cầu Cảng Hàng không TSN lắp ngay 2 trụ nước uống miễn phí tại nhà ga quốc nội để phục vụ hành khách. Hiện nay, mới chỉ có nhà ga quốc tế được cung ứng nước uống miễn phí.

Luật hóa việc xử lý vi phạm chậm, hủy chuyến

Chiều 15-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nguyên nhân khiến giá dịch vụ tại các sân bay tăng cao là giá thuê mặt bằng và DN lợi dụng vị trí độc quyền.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo luật đã bổ sung quy định một số loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do nhà nước định giá bao gồm: giá dịch vụ an ninh hàng không tăng cường; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ hàng không khác; giá thuê mặt bằng tại cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay. Ông Lý cho rằng nên giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thẩm quyền định giá đối với dịch vụ chuyên ngành hàng không để kịp thời điều chỉnh, bình ổn giá nhằm bảo vệ quyền lợi của hành khách.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai, băn khoăn quy định cụ thể như vậy sẽ rộng hơn quy định của Luật Giá hiện hành nên cần xem lại. Đồng tình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: “Giá một bát mì gói thì định giá làm gì? Nhà nước không định giá các loại phi hàng không, còn nó phức tạp thì trách nhiệm của cơ quan quản lý”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định nếu theo Luật Giá thì không xử lý được gói mì tôm nên cần phải điều chỉnh lại luật cho phù hợp. Theo đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, so với Luật Giá, dự thảo luật này mở rộng thêm giá phục vụ hành khách và an ninh tăng cường. Trước đây, giá các loại này do nhà nước quy định nhưng nay Luật Giá đã bỏ. Vị này cho rằng việc đưa vào quản lý giá thuê mặt bằng, dịch vụ ăn uống, dịch vụ thiết yếu độc quyền là cần thiết vì ảnh hưởng trực tiếp đến hành khách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất để tránh trường hợp người dân bức xúc bát phở có giá tới 500.000-600.000 đồng thì không nên giao hẳn cho DN mà Bộ GTVT phải xây dựng khung giá.

Tại buổi thảo luận, Ủy ban Pháp luật cho rằng việc chậm chuyến, hủy chuyến bay là vi phạm hợp đồng vận chuyển, ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách.

“Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định theo hướng DN được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không có nghĩa vụ khai thác vận chuyển hàng không trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép; không gián đoạn khai thác vận chuyển hàng không 12 tháng liên tục và phải duy trì chất lượng tổi thiểu dịch vụ vận chuyển hàng không theo quy định của Bộ GTVT” - ông Lý nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy; hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển. Việc kỷ luật lao động, xử lý hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm gây ra việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm, chuyến bay bị hủy cũng sẽ được quy định rõ ràng.

Th.Kha

Người lao động

© 2021 FAP
  3,297,967       1/877