Ấn tượng của U.15 Malaysia và U.18 Myanmar tại Giải Đông Nam Á vừa qua đều là sản phẩm của Học viện Bóng đá quốc gia. Đặc biệt, đội U.15 Malaysia vùi dập U.15 Autralia 3-0 ở vòng bảng, đánh bại U.15 Việt Nam 3-1 và chủ nhà U.15 Thái Lan 2-1 ở bán kết và chung kết để lên ngôi vô địch,...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau lứa Công Phượng, Quang Hải thành công vang dội 2 năm qua, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn hiếm khi gặt hái thành công ở sân chơi bóng đá trẻ |
Trong khi đó, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam của VFF được thành lập từ năm 2006 với cơ sở vật chất khá khang trang, hiện đại (kinh phí do FIFA đầu tư xây dựng) nhưng 13 năm qua kết quả đào tạo hầu như là con số 0, chỉ là địa điểm cho các đội tuyển quốc gia tập luyện và… cho thuê sân bãi. Không có một trung tâm quốc gia nên các “lò” đào tạo HAGL, Viettel, PVF, Hà Nội, SLNA hay TP.Hồ Chí Minh với việc hợp tác cùng CLB Lyon và Học viện Juventus vừa triển khai, thực tế mạnh ai nấy làm, mỗi nơi một phách, một chương trình huấn luyện và cũng không có ai kiểm tra, đúc kết. Với các phong cách, triết lý chơi bóng được đào tạo khác nhau nên khi cầu thủ được tập hợp lên tuyển HLV rất khó “gò” lại, thay đổi trong 1-2 tháng.
Một lỗ hổng khác là bỏ sót nhân tài. Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, có nhiều năng khiếu đặc biệt về cả tài năng thiên bẩm lẫn tố chất thường ở vùng sâu, vùng xa, xuất thân từ những gia đình khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là đối tượng không có thông tin, hiểu biết và điều kiện kinh tế để đưa con em mình tìm đến những địa chỉ tuyển sinh của các trung tâm (chỉ tổ chức ở thành phố, tỉnh lỵ, huyện lỵ). Trong khi đó, vì lý do kinh phí, công tác đào tạo bóng đá trẻ của địa phương hiện gần như “mất trắng”, ngay cả ở những nơi giàu truyền thống như: Long An, An Giang, Đồng Tháp... (đội 1 còn sống lay lắt).
Đã đến lúc VFF phải nâng cấp Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ thành hc viện quốc gia. Đây là “cỗ máy cái” hoạch định chiến lược tổng thể; định hướng, xây dựng mô hình đào tạo một cách thống nhất, bài bản; chuyển giao công nghệ, khoa học cho các CLB, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trong toàn quốc. Việc này sẽ giúp bóng đá Việt Nam có được lối chơi ổn định, thống nhất từ cấp CLB đến các đội tuyển. Ngoài ra, học viện phải xây dựng hệ thống, tiêu chuẩn hóa công tác tuyển chọn, đào tạo thật chuyên nghiệp; có đội ngũ tuyển trạch viên kinh nghiệm và nhiệt huyết để tìm kiếm, phát hiện mọi nhân tài “còn trong lá ủ” ở mọi miền Tổ quốc.
Nhưng “ngọc bất trác bất thành khí”, ngọc thô phải thường xuyên được mài giũa mới sáng, mới thành sản phẩm trân quý. Ngay cả khi khâu tuyển chọn, đào tạo chuyên nghiệp mà các cầu thủ trẻ không được thường xuyên cọ xát cũng khó trưởng thành, phát tiết. Với hệ thống thi đấu các giải U quốc gia hiện nay, mỗi năm cầu thủ trẻ đá nhiều nhất chỉ khoảng 10 trận (bao gồm cả vòng loại khu vực và vòng chung kết). Phải làm lại hệ thống thi đấu từ lứa U.15-16, U.18-19 đến U.21-22 vận hành song song hằng tuần với V.League, Giải hạng nhất như các nền bóng đá tiên tiến.
Sự thất bại, mất mùa của bóng đá trẻ 3 năm liên tiếp vừa qua là lời cảnh tỉnh cần thiết.
Với bóng đá trẻ, vai trò thầy giỏi ngay từ bước huấn luyện chập chững, uốn nắn từng động tác kỹ thuật ban đầu là rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định. Lên tuyển càng đòi hỏi cao hơn. Thế nhưng, chế độ cho một trợ lý HLV ở đội tuyển U.18 Việt Nam hiện nay là… 3,5 triệu đồng/tháng (!?). |
Đông Kha