Thể thao

Bóng đá Việt Nam cần học Nhật Bản

Sáng 3-7, có lẽ đội tuyển Nhật Bản đã kết thúc hành trình World Cup 2018 ở vòng 1/8 bởi dải thiên hà của Bỉ. Nhưng đoàn quân xứ Phù Tang hoàn toàn có thể tự hào là đội thành công nhất của 2 lục địa Á - Phi trên đất Nga.

Dù có chút sứt mẻ hình ảnh bởi 15 phút cuối thiếu tinh thần “samurai” trong trận đấu với Ba Lan hòng bảo toàn chiếc vé đi tiếp trước Senagal nhưng cũng phải thông cảm với HLV Akira Nishino và các học trò khi sứ mệnh thời điểm đó của họ không chỉ cho nước Nhật mà còn cả châu Á khi là đại diện duy nhất còn sót lại.

Trong bối cảnh hầu như các đại diện của bóng đá châu Á ở World Cup này như: Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia, Australia đều thất bại với cách chơi bóng theo kiểu châu Âu thì sự thể hiện của Nhật Bản theo một lối đi riêng giành được thành công thực sự đáng khâm phục. Đó là lối chơi đậm chất kỹ thuật, dùng sự khéo léo, đa dạng cùng tinh thần quyết tâm để khỏa lấp thua kém về thể hình, thể lực trước các đối thủ ở “biển lớn”. Đây là điều rất đáng để các đội bóng khác của châu Á, trong đó có Việt Nam học hỏi. Phải xây dựng được một lối chơi phù hợp với điều kiện con người cụ thể vốn không thể đọ sức được với các khu vực khác.

Tuyển Nhật Bản để lại ấn tượng về kỹ thuật cá nhân rất đồng đều, điêu luyện ở từng vị trí và đặc biệt tâm lý tự tin trong xử lý ở mọi tình huống. Lối chơi và các phương án tấn công của Nhật cũng rất đa dạng. Họ có thể phối hợp nhỏ trung lộ, có thể chơi giãn biên, cầm bóng đột phá, thậm chí đủ thể lực để chơi áp sát, pressing trên toàn bộ mặt sân và không phụ thuộc vào một ngôi sao nào.

Với những nét tương đồng nhất định về ưu điểm và cả nhược điểm của con người, bóng đá Nhật thực sự có nhiều điều đáng để chúng ta suy nghĩ. Làm thế nào để khai thác được điểm mạnh về sự khéo léo, linh hoạt, khắc phục hạn chế về thể hình, thể lực và xây dựng lối chơi phù hợp xuyên suốt các đội tuyển từ nhỏ đến lớn? Chỉ khi ấy bóng đá Việt Nam mới mơ đến một ngày xuất hiện ở World Cup.

Trung Dũng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  1,054,198       1/1,170