Số lượng, chất lượng các nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN) ở Đồng Nai ngày càng tăng. Để những nghiên cứu này đi vào thực tiễn, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích công tác nghiên cứu và hỗ trợ việc triển khai kết quả nghiên cứu vào đời sống sản xuất, kinh doanh.
Thí sinh tham gia thuyết trình sản phẩm dự thi Chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất năm 2019. Ảnh: H.Yến |
* Số lượng đề tài, giải pháp KH-CN tăng
Ngày 9-11 vừa qua, Ban chủ nhiệm Chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất (Chương trình 6) đã hoàn tất công tác chấm thi. Năm nay, chương trình thu hút 640 giải pháp dự thi, tăng hơn nhiều so với những năm trước đây. Không chỉ tăng về số lượng, các lĩnh vực dự thi cũng đa dạng, phong phú hơn. Nếu như những năm trước, lĩnh vực giáo dục chiếm đa số thì năm nay các lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp… cũng đã tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Chương trình 6 không phải là hội thi về sáng tạo KH-CN duy nhất tăng về số lượng. Các “sân chơi” khác như: hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, hội thi sáng tạo kỹ thuật… cũng ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia.
Theo thống kê của Sở KH-CN, trong giai đoạn từ 2017 đến tháng 9-2019, toàn tỉnh có 860 giải pháp KH-CN, cải tiến kỹ thuật tham gia các cuộc thi của tỉnh, trong đó có 149 giải pháp mới, khả năng áp dụng thực tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực nghiên cứu KH-CN, trong 3 năm (từ 2017-2019), toàn tỉnh có 30 đề tài nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng cấp tỉnh, 42 đề tài cấp cơ sở (cấp huyện, sở, ngành). Các đề tài này được triển khai thực hiện căn cứ vào nhu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, sở, ngành và có quy trình tuyển chọn chặt chẽ. Nhờ đó, nhiều đề tài nghiên cứu KH-CN đã được đưa vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là trong nông nghiệp.
Ông Phạm Long, Phó phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN) cho biết: “Mỗi đề tài sau khi hoàn thành đều được Sở KH-CN tổ chức hội đồng đánh giá nghiệm thu. Nếu đạt thì trình UBND tỉnh ban hành quyết định nghiệm thu kết quả và kết thúc nhiệm vụ, sau đó tiến hành triển khai kế hoạch đưa vào ứng dụng thực tế. Hằng năm, những đơn vị tiếp nhận kết quả đưa vào ứng dụng sẽ báo cáo kết quả ứng dụng về Sở KH-CN và Sở sẽ tổng hợp để báo cáo lại cho UBND tỉnh”.
* Các chính sách hỗ trợ ứng dụng KH-CN
Thời gian qua, Đồng Nai đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các nhà khoa học, người dân tham gia nghiên cứu KH-CN; cải tiến, sáng tạo khoa học - kỹ thuật, đồng thời tạo thuận lợi cho việc ứng dụng sáng tạo KH-CN vào thực tiễn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng và Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học – kỹ thuật tỉnh Vy Văn Vũ trao thưởng cho nhóm tác giả đoạt giải nhì của hội thi Sáng tạo kỹ thuật năm 2018. Ảnh: H.Yến |
Chỉ tính riêng trong năm 2018, UBND tỉnh đã có nhiều quyết định liên quan đến hoạt động KH-CN như: Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND quy định quản lý một số hoạt động KH-CN cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND quy định quản lý nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 59/2018/QĐ-UBND quy định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH-CN có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đặc biệt, Nghị quyết số 161/2019/NQ-HĐND quy định nội dung chi, mức chi cho hoạt động sáng kiến, sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã quy định các mức tiền thưởng, hỗ trợ cao hơn so với trước đây. Chẳng hạn, mức tiền thưởng của giải nhất của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh là 35 triệu đồng; mức tiền thưởng của giải nhất Chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập lên đến 25 triệu đồng… Điều này góp phần tạo động lực cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học - kỹ thuật, công nghệ.
Trước đó, năm 2016 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 837/QĐ-UBND về Chương trình KH-CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020.
Chương trình có 4 nội dung lớn gồm: thúc đẩy phong trào năng suất, chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất chất lượng, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy (chính sách ISO, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP, công cụ năng suất KaiZen, 5S, kiểm toán năng suất chất lượng); hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ và hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển giao công nghệ và tiết kiệm năng lượng.
Đây là chương trình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và đổi mới công nghệ. Tham gia chương trình này, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ tối đa lên đến 500 triệu đồng.
Tính đến nay, Sở KH-CN đã hỗ trợ đăng ký cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp cho 18 sáng chế, 15 giải pháp hữu ích, 119 kiểu dáng công nghiệp, gần 1.400 nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bằng cho 4 sáng chế, 4 giải pháp hữu ích, 110 kiểu dáng công nghiệp và 742 nhãn hiệu hàng hóa. Đây là những nghiên cứu, cải tiến, giải pháp KH-CN đã đi vào cuộc sống.
Theo thống kê của Sở KH-CN, trong giai đoạn từ 2017 đến tháng 9-2019, toàn tỉnh có 860 giải pháp KH-CN, cải tiến kỹ thuật tham gia các cuộc thi của tỉnh, trong đó có 149 giải pháp mới, khả năng áp dụng thực tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. |
Hải Yến