Xã hội

Có nên gắn camera trong lớp học?

Trong khi nhiều trường THCS, THPT cho biết khá tự tin, thoải mái với việc trang bị camera trong lớp học thì các trường mầm non, tiểu học lại tỏ ra dè dặt hơn.

Thầy và trò Trường THCS Hùng Vương (huyện Trảng Bom) trong giờ dạy học (trường đã gắn camera trong lớp học). Ảnh: H.Yến
Thầy và trò Trường THCS Hùng Vương (huyện Trảng Bom) trong giờ dạy học (trường đã gắn camera trong lớp học). Ảnh: H.Yến

TIN LIÊN QUAN
Thực tế, việc gắn camera đã mang lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý của nhà trường. Tuy vậy, đây là biện pháp mang tính hỗ trợ công tác an ninh trường học nhiều hơn là giúp tăng cường gắn kết gia đình - nhà trường trong công tác giáo dục học sinh.

* “Quản sinh” công nghệ

Nhiều cách làm

Để trang bị được hệ thống camera trong lớp học, các trường đã có nhiều cách làm khác nhau. Nơi thì sử dụng kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của trường; nơi thì làm theo hình thức 50% kinh phí nhà nước, 50% xã hội hóa. Có trường lại huy động xã hội hóa 100% theo hình thức cuốn chiếu, tức là có tiền tới đâu thì làm tới đó rồi dần dần phủ kín các lớp học. Mức tiền ủng hộ của phụ huynh khoảng từ 50 ngàn đồng trở lên.

Trong số các trường công lập của tỉnh, Trường THPT Ngô Sĩ Liên (thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) là một trong những trường trang bị hệ thống camera trong lớp học sớm nhất. Từ năm 2012, trường đã gắn camera phủ khắp 32 lớp học và các khu vực khác trong trường.

Sau Trường THPT Ngô Sĩ Liên, nhiều trường THPT, THCS khác cũng tiến hành trang bị camera tại lớp học. Năm học 2016-2017, Trường THPT Xuân Hưng (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) đã huy động nguồn lực xã hội hóa từ phụ huynh để gắn camera tại 25 phòng học. Từ khi có camera, việc quản lý nề nếp học sinh có hiệu quả rõ rệt. Vì biết có camera theo dõi, nhà trường, cha mẹ có thể xem lại tình hình lớp học bất cứ lúc nào nên học sinh chấp hành nội quy tốt hơn. Công việc quản lý của quản sinh, Ban giám hiệu nhờ đó cũng bớt vất vả. Việc mất cắp, học sinh viết, vẽ bậy lên tường và nghịch ngợm làm hư hỏng tài sản gần như không còn. Trong các giờ kiểm tra chính, học sinh cũng giảm hẳn ý định  “quay bài”…

Năm học 2016-2017 là năm mà Trường THCS Quang Trung (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) gắn camera ở 17 phòng học. Theo thầy Trần Đình Chi, Hiệu trưởng nhà trường, hệ thống camera này giống như một quản sinh, hoạt động đắc lực, hiệu quả trong “nghiệp vụ” quản lý học sinh.

Việc trang bị camera trong lớp học đã được một số trường học ngoài công lập thực hiện từ nhiều năm nay. Đặc biệt, ở khối trường mầm non, việc trang bị camera còn phục vụ nhu cầu theo dõi tình hình con học ở lớp của phụ huynh. Thông thường, những phụ huynh muốn xem camera trực tuyến sẽ đăng ký với nhà trường và phải đóng một khoản tiền từ 70-100 ngàn đồng/tháng sau đó sẽ được cấp mật khẩu truy cập. Cũng có những trường tính chi phí phục vụ quan sát camera trực tuyến chung trong khoản tiền học phí nên phụ huynh không cần đăng ký và đóng thêm tiền.

Cô Trần Thị Mai Chi, Hiệu trưởng Trường mầm non Q.Treo (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, nhà trường đã gắn camera và phục vụ phụ huynh quan sát trực tuyến từ năm 2015. Ban đầu, phụ huynh thường quan sát camera vì lo lắng cho con, giám sát xem bé được chăm sóc như thế nào ở trường. Khi phụ huynh có lòng tin ở nhà trường rồi thì họ sẽ ít xem camera hơn. Tâm thế xem camera của phụ huynh lúc này là để biết được nhà trường có thực hiện các hoạt động giáo dục như công bố hay không, quan sát việc trẻ tương tác với giáo viên như thế nào...

* Trường mầm non, tiểu học dè dặt

Ông Đỗ Đăng Bảo Linh, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT) cho biết, việc trang bị hệ thống camera là một trong những giải pháp để phòng, chống bạo lực học đường ở các cơ sở giáo dục theo chủ trương của Bộ GD-ĐT. Việc trang bị camera phải có sự bàn bạc, thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh. Các trường học cũng cần chú ý làm công tác tư tưởng với giáo viên để họ hiểu rằng việc gắn camera là để hỗ trợ cho công tác quản lý học sinh, giám sát an ninh trong nhà trường và thực hiện việc phòng, chống bạo lực học đường theo chủ trương của Nhà nước.

Trong khi đại diện nhiều trường THCS, THPT cho biết khá thoải mái khi gắn camera trong lớp học thì các trường mầm non, tiểu học lại tỏ ra dè dặt hơn. Hiện tại, các trường ở 2 bậc học này mới chủ yếu trang bị camera ở khu vực sân trường, cổng trường và bếp ăn.

Cô Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Cúc (thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) cho biết: “Do khu vực xung quanh trường thường xuyên xảy ra tình trạng mất cắp nên trong dịp hè vừa qua nhà trường đã quyết định lắp camera để theo dõi an ninh. Ngoài ra, để quản lý tốt tình hình thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi cũng gắn thêm 1 camera trong nhà bếp”.

Nếu lắp camera ở lớp học nhà trường sẽ thuận lợi hơn trong quản lý. Trường hợp xảy ra sự cố có thể truy xuất dữ liệu để làm minh chứng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bậc học mầm non bởi trẻ ở lứa tuổi mầm non thường có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích nhiều hơn học sinh những bậc học khác. Mặt khác, khi có camera, giáo viên cũng sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình. Như vậy sẽ tốt cho giáo viên và tốt cho cả công tác quản lý giáo dục của nhà trường.

Những phân tích nêu trên cũng khá phù hợp với đặc trưng của bậc tiểu học. Tuy nhiên, những trường tiểu học có gắn camera thì cũng chỉ gắn ở hành lang và dưới sân trường.

* Nên đặt niềm tin vào giáo viên

Trong cuộc họp đầu năm học của Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh Trường mầm non Hoa Sen (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), vấn đề lắp đặt camera trong lớp học đã được đưa ra bàn luận khá sôi nổi. Một vài ý kiến rất mong muốn huy động phụ huynh đóng góp gắn camera để theo dõi trực tuyến nhưng đa phần đại diện phụ huynh khác lại phản bác ý kiến này.

Theo đó, thời gian qua, một số vụ việc bạo hành trẻ xảy ra đã gây nên tâm lý bất an cho phụ huynh, nhất là những người có con nhỏ đang học mẫu giáo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều phụ huynh mong muốn gắn camera quan sát.  Tuy nhiên, bình tĩnh nhìn lại thì những vụ việc đó chủ yếu xảy ra ở những nhà, nhóm trẻ ngoài công lập; giáo viên, bảo mẫu bạo hành trẻ là những người không có nghiệp vụ chuyên môn tốt lại thiếu sự giám sát chặt chẽ của quản lý nhóm trẻ.

Việc trang bị hệ thống camera đã giúp ích rất nhiều cho các trường trong quản lý nề nếp học sinh. Trong ảnh: Thầy Hồ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) đang quan sát các lớp học qua màn hình máy tính
Việc trang bị hệ thống camera đã giúp ích rất nhiều cho các trường trong quản lý nề nếp học sinh. Trong ảnh: Thầy Hồ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) đang quan sát các lớp học qua màn hình máy tính (ảnh: QT)

Tuy hệ thống camera có tác động tích cực trong việc duy trì nề nếp, kỷ cương ở trường học nhưng đây không phải là biện pháp duy nhất giúp gắn kết gia đình - nhà trường trong công tác giáo dục học sinh. Việc tin tưởng, thấu hiểu của phụ huynh dành cho giáo viên mới là nhân tố tích cực trong mối liên kết này.

Cô Hồ Thị Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương (thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) trải lòng: “Chúng tôi mong muốn phụ huynh hãy tin tưởng nhà trường, giáo viên và có sự thông cảm, chia sẻ cho công việc của chúng tôi. Chính điều này sẽ giúp chúng tôi có thêm động lực để làm tốt công việc của mình. Chúng tôi cũng mong quý phụ huynh hãy nâng cao nhận thức trong chăm sóc, giáo dục trẻ để phối hợp cùng các cô giáo trong công việc này”.

Thầy Trần Đình Chi cũng đồng tình với ý kiến trên: “Ở trường tôi, chỉ có Ban giám hiệu và bộ phận quản sinh là được quyền truy cập, theo dõi hệ thống camera quan sát. Ban đầu, nhiều phụ huynh cũng có ý kiến được quan sát camera trực tuyến nhưng chúng tôi không đồng ý. Phụ huynh đã đưa con đến trường thì nên tin tưởng ở nhà trường”.

Hải Yến


Thầy Trần Văn Sơn, giáo viên môn Vật lý (Trường THCS Hùng Vương, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom):

Giáo viên chuẩn mực thì không ngại camera

Tôi nghĩ rằng nếu giáo viên chuẩn mực, không làm gì sai trái thì không việc gì phải “sợ camera”. Tuy nhiên, cũng phải công bằng mà nhìn nhận rằng, học sinh THCS và THPT đã có ý thức tốt hơn, biết chấp hành nội quy, kỷ luật của nhà trường. Đối với học sinh tiểu học và mầm non, giáo viên phải chịu nhiều áp lực hơn trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Do đó, giáo viên có nhiều nguy cơ để xảy ra những hành động nóng giận bộc phát, thiếu chuẩn mực.

Ở chiều ngược lại, phụ huynh cũng cần phải có sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ với những áp lực của giáo viên. Khi phụ huynh cho con theo học với thầy cô, nhà trường thì trước tiên chúng tôi mong muốn quý vị hãy đặt niềm tin ở chúng tôi. Khi xây dựng được niềm tin thì chúng ta có nhiều cách để gắn kết giữa gia đình và nhà trường. Camera chỉ nên là phương pháp hỗ trợ cuối cùng trong khâu xây dựng niềm tin đó.


Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,824,408       6/919