Xã hội

Xây dựng Trường học hạnh phúc: Cần thay đổi từ mỗi thầy cô giáo

Mô hình Trường học hạnh phúc đang được Bộ GD-ĐT triển khai ở nhiều địa phương với ba giá trị cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Mô hình không chỉ đề cao vai trò của thầy cô giáo mà ngay cả những nhân viên bình thường như tạp vụ, bảo vệ trong trường học cũng không kém phần quan trọng.

Giáo viên Trường tiểu học Tân Tiến (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh  làm quen với môn Tin học
Giáo viên Trường tiểu học Tân Tiến (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh làm quen với môn Tin học. Ảnh: C. Nghĩa

Trường học hạnh phúc là ngôi trường mơ ước mà ở đó chỉ có niềm vui thầy trò, bạn bè dành cho nhau. Tuy nhiên để xây dựng được một ngôi trường hạnh phúc đích thực lại không hề đơn giản, đòi hỏi cái tâm thực sự của người quản lý cho đến mỗi giáo viên và nhân viên trong trường học.

* Xây dựng ngôi trường mơ ước

Chia sẻ tại hội thảo Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm và đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc do Sở GD-ĐT và Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tổ chức mới đây, TS.Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cho rằng, muốn xây dựng được ngôi trường hạnh phúc thì trước tiên phải có những thầy cô hạnh phúc. Thầy cô phải thực sự yêu nghề, yêu thương và tôn trọng học sinh; luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, thông cảm và sẵn sàng làm tất cả những điều tốt nhất cho học sinh của mình. Khi hạnh phúc của thầy cô được lan tỏa đến học sinh, học sinh cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết: “Xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc cần xuất phát từ chữ tâm có trong mỗi nhà giáo. Hạnh phúc của thầy cô sẽ lan tỏa đến trái tim của từng học trò và học trò sẽ chăm ngoan hơn khi được thầy cô của mình tận tâm, tận tụy giảng dạy. Xây dựng Trường học hạnh phúc thành công còn góp phần loại bỏ những tiêu cực tác động xấu đến ngành Giáo dục, nhà trường và học sinh”.

Theo TS.Nguyễn Ngọc Ân, thầy cô muốn học trò của mình cảm nhận được hạnh phúc trong mỗi buổi đến trường thì phải có phương pháp giúp học trò cảm nhận việc học thật sự thoải mái, không bị áp lực bởi điểm số thành tích. Các em đến trường không chỉ học kiến thức để đạt được những điểm số cao, mà còn học làm người và trau dồi những kỹ năng cần thiết cho quá trình trưởng thành về sau. Thực tế, việc học đang đè nặng lên tâm lý của nhiều học sinh, khiến các em không còn cảm thấy thú vị.

Không ít cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, thu nhập của một bộ phận giáo viên còn thấp, đời sống còn khó khăn, dẫn đến tư tưởng còn dao động, chưa thực sự có động lực cống hiến hết tâm sức cho sự nghiệp trồng người. Có trường hợp giáo viên còn thiếu cả kỹ năng sống cần thiết, dẫn đến lúng túng trong việc giáo dục học sinh. Có giáo viên còn nhận định chưa chính xác giữa học sinh cá biệt với học sinh có cá tính, dẫn đến cách ứng xử sư phạm thiếu chuẩn mực, dễ đẩy học sinh vào những suy nghĩ tiêu cực. Thậm chí, khi xảy ra những tình huống bất ngờ, do kỹ năng xử lý tình huống còn “non”, thiếu kiềm chế đã để lại những điều tiếng, ảnh hưởng uy tín của người thầy.

* Thay đổi vì học trò

Thầy Nguyễn Văn Duyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) cho biết, trường học hạnh phúc cần xuất phát từ đội ngũ nhà giáo, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý phải là những người tiên phong thay đổi vì học trò. Khi cán bộ quản lý thay đổi theo hướng tích cực, lấy học sinh là trung tâm thì tức khắc đội ngũ giáo viên của trường cũng sẽ làm theo một cách tự giác. Ngày nay, không chỉ có giáo viên chủ nhiệm mới phải gần gũi với học sinh, mà Ban giám hiệu cũng phải gần gũi và hòa đồng với các em. Các hoạt động phong trào của nhà trường không giao khoán cho Đoàn thanh niên mà thầy cô trong Ban giám hiệu và toàn thể giáo viên phải cùng tham gia và có trách nhiệm với học sinh.

Thầy Từ Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) chia sẻ, từ lâu ngành Giáo dục đã có khẩu hiệu thiết thực mà thầy cô nào bước vào giảng đường sư phạm đều thuộc lòng, đó là: kỷ cương - tình thương - trách nhiệm. Mô hình Trường học hạnh phúc cũng chứa đựng ý nghĩa của khẩu hiệu đó. Để học sinh đến trường và cảm nhận được sự yêu thương của thầy cô, ngôi trường phải được các em xem như là ngôi nhà hạnh phúc của mình. Trong ngôi nhà đó, mỗi thầy cô phải đóng vai trò là những người cha, người mẹ luôn luôn biết lắng nghe, thấu hiểu, tận tụy, tôn trọng và giúp đỡ các em.

 Thầy Long nêu ví dụ, để giảm bớt áp lực học hành cho học sinh, Trường THPT Long Thành đã cho ra đời nhiều câu lạc bộ như: bóng đá, bóng rổ, câu lạc bộ tiếng Anh. Học sinh được giáo dục đạo đức và tình yêu thương, sự chia sẻ, tinh thần trách nhiệm qua các hoạt động trải nghiệm như: Hành trình về địa chỉ Đỏ, thăm hỏi các bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay ra quân làm vệ sinh môi trường… Khi tổ chức các hoạt động thì không chỉ có học sinh tham gia mà Ban giám hiệu và giáo viên ở các tổ cùng tham gia để mối quan hệ thầy trò thêm gần gũi...

Trong khi đó, thầy Trần Văn Hiền, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, để có những lớp học trò giỏi, chăm ngoan, năng động thì rất cần những thầy cô giáo tận tâm, tận tụy với nghề, với học sinh. Do đó, hằng tuần trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, Ban giám hiệu thường tạo cơ hội cho giáo viên chia sẻ. Có những tình huống phát sinh trong chuyên môn giáo viên mang ra cuộc họp để “mổ xẻ” và thầy cô giúp nhau cùng tháo gỡ. Khi thầy cô thay đổi và học trò thay đổi theo thì đó là động lực để sớm có một ngôi trường hạnh phúc.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,826,355       7/943