Tại xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), người dân vẫn gọi bác sĩ Bùi Thị Hòa. Trưởng trạm y tế xã với cái tên thân thương: cô Ba.
Bác sĩ Bùi Thị Hòa khám bệnh cho người dân tại Trạm y tế xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: C.Ly |
Học xong chuyên khoa 1 (sau đại học), nhưng cô Ba vẫn gắn bó với Trạm y tế xã Phước Khánh vì: “Người dân của xã còn nghèo, đi khám bệnh ở bệnh viện phải đi rất xa. Đó chính là động lực để tôi trở thành bác sĩ, học nâng cao sau đại học và ở lại gắn bó lâu dài với nơi đây”.
Trước đây, những con đường dẫn đến Trạm y tế xã Phước Khánh đều là đất đỏ, mùa nắng thì bụi, còn mùa mưa lại lầy lội. Phương tiện đi lại chính của người dân là những chiếc ghe (xuồng). Mỗi ngày chỉ có một chuyến ghe, phải canh nước lớn mới đi được.
Bác sĩ Võ Phi Hồng, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch nhận xét: “30 năm trong nghề, bác sĩ Bùi Thị Hòa là người luôn toàn tâm, tận lực vì sức khỏe của người dân trong xã. Bác sĩ Hòa có công lớn trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho khám, chữa bệnh của Trạm y tế xã Phước Khánh”. |
Năm 1989, y sĩ Hòa vào làm việc tại Trạm y tế xã Phước Khánh. Lúc ấy trạm chưa có trụ sở mà phải “ở tạm” nhà dân. Mỗi lần đi chích ngừa vaccine cho trẻ nhỏ trên địa bàn xã, y sĩ Hòa phải xách từng thùng vaccine đến tận nhà dân để tiêm. Sau này, khi y sĩ Hòa trở thành bác sĩ, cũng là lúc trạm được đầu tư trang thiết bị y tế, người dân bắt đầu đến khám, chữa bệnh đông hơn.
Ông Lê Văn Sĩ (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh) bày tỏ: “Cô Ba rất nhiệt tình và tận tâm với mọi người đến khám bệnh. Chỉ cần bước tới thềm của trạm, cô đã hỏi thăm mình. Vì vậy, ai cũng quý mến và thường xuyên đến trạm chữa bệnh”.
Có lần, chị Nguyễn Thị Hồng, người dân trong xã bị bệnh vào ban đêm, cả gia đình đều đi vắng, chị đã gọi điện nhờ bác sĩ Hòa đến giúp. “Không ngần ngại, khoảng 20 phút sau, cô Ba đã đến nhà tôi khám bệnh, cấp thuốc khiến tôi rất cảm động. Với bất cứ ai, cô Ba cũng rất nhiệt tình” - chị Hồng kể.
Chiêu Ly