Với hơn 1,2 triệu dân, lại là thành phố công nghiệp, Biên Hòa rất cần những công viên như là "lá phổi xanh" để lọc khói bụi, điều tiết không khí, cân bằng hệ sinh thái của thành phố. Song quỹ đất hạn hẹp, ngân sách hạn chế, nhiều công viên được quy hoạch từ lâu vẫn chưa có điều kiện được triển khai; những công viên hiện có cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức...
Với hơn 1,2 triệu dân, lại là thành phố công nghiệp, Biên Hòa rất cần những công viên như là “lá phổi xanh” để lọc khói bụi, điều tiết không khí, cân bằng hệ sinh thái của thành phố. Song quỹ đất hạn hẹp, ngân sách hạn chế, nhiều công viên được quy hoạch từ lâu vẫn chưa có điều kiện được triển khai; những công viên hiện có cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức...
Người dân đi bộ tập thể dục buổi sáng ở Công viên Biên Hùng trong không khí mát mẻ, yên bình. Ảnh: P. Liễu |
Bài 1: “Lá phổi xanh” - không thể thiếu
Công viên là không gian chung, nơi người dân đến vui chơi, giải trí, tập thể thao và hưởng thụ các hoạt động văn hóa. Đây cũng là nơi nhiều người tìm được khoảng không gian yên tĩnh, thư giãn sau 1 ngày học hành, lao động vất vả để cân bằng cuộc sống.
* Không gian sinh hoạt của cộng đồng
4-5 giờ sáng, người dân đến tập thể dục tại khu công viên thuộc Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh (Công viên Quảng trường tỉnh) đã khá đông đúc. Ông Nguyễn Thái Học (75 tuổi, ngụ phường Trung Dũng) cho hay, chỉ khi nào bị bệnh hoặc mưa gió ông mới không ra đây, còn lại cứ 5 giờ sáng ông cùng vợ dắt nhau đi tập thể dục. Tập xong, vợ chồng ông ngồi thư giãn, trò chuyện rồi mới về. Chiều tối cơm nước xong, ông bà lại cùng nhau ra khu công viên hóng mát. Ông Học vui vẻ nói: “Từ khi về hưu, tôi với bà ấy ở công viên nhiều hơn ở nhà. Sáng, tối ra đây tập thể dục, thư giãn, trò chuyện với bạn bè trong không khí yên bình. Tuổi già thế là nhất”.
Về vấn đề đầu tư cho các công viên, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Doãn Văn Đồng cho biết, ngân sách hạn hẹp nên thành phố tập trung cho giáo dục để xóa ca ba, giải quyết vấn đề chống ngập. Công viên và cây xanh cũng rất cần thiết, nhưng phải tạm thời gác lại. Đặc biệt là quỹ đất công làm công viên ở Biên Hòa rất khan hiếm, việc giải tỏa, di dời các hộ dân để lấy đất làm công viên cũng nhiều khó khăn. |
Cũng trở thành điểm đến của nhiều người dân, Công viên Nguyễn Văn Trị (thuộc 2 phường Thanh Bình và Hòa Bình) có lợi thế nằm dọc bờ sông Đồng Nai thơ mộng. Đặc biệt, những năm gần đây, công viên này được đầu tư quy mô, trở thành đường hoa, phố đi bộ đã thu hút rất đông người dân đến vui chơi. Từ một khu vực nổi tiếng phức tạp về trật tự xã hội, giờ đây người dân Biên Hòa có thể bình yên đi dạo công viên mà không sợ cướp giật hay “xin đểu”. Mỗi tối, từ công viên này nhìn sang cầu Hóa An với ánh đèn lung linh sắc màu, mặt sông yên bình, người dân Biên Hòa như thấy yêu hơn chốn này.
Nhà ở gần công viên nên mỗi sáng vợ chồng anh Trần Ngọc Vinh (ngụ phường Hòa Bình) lại ra đây tập thể dục. Gió sông mát rượi, hoa lá xanh tươi khiến tâm hồn người tập cũng thư thái. Nạp năng lượng cho ngày mới chỉ 1 giờ đồng hồ ở công viên mỗi sáng, anh chị thấy phấn chấn cả ngày. “Biên Hòa rất cần những công viên như thế này. Không chỉ là “lá phổi xanh” lọc khí, lọc bụi mà cảnh quan đẹp làm cho mình thấy gần gũi với thiên nhiên hơn” - anh Vinh chia sẻ.
Được xây dựng đã trên 30 năm, nằm giữa trung tâm thành phố, Công viên Biên Hùng được xem là “nốt trầm” đáng yêu giữa đô thị ồn ào, đông đúc. Nằm giữa 4 con đường: 30-4, Hưng Đạo Vương, Trịnh Hoài Đức và Phan Đình Phùng, Công viên Biên Hùng không chỉ có những bồn hoa, thảm cỏ xanh mát mắt, mà còn có bờ hồ thơ mộng với những hàng cây cổ thụ tỏa bóng những hàng ghế đá cho mọi người ngồi nghỉ ngơi, thư giãn. Mỗi sáng, hàng trăm người đến đây tập thể dục; tối đến thì rực rỡ, sôi động bởi các khu vui chơi, giải trí cùng nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật phong phú.
Sáng nào cũng cùng chồng đi bộ thể dục nhiều vòng quanh bờ hồ Biên Hùng, chị Trần Thị Thùy Trang (nhà ở đường Phan Đình Phùng) thấy mình thư thái hơn giữa cuộc sống sôi động. Vào mùa nắng nóng, vào Công viên Biên Hùng sẽ cảm thấy rất mát mẻ, dễ chịu.
* Nhiều công viên chưa đủ chuẩn
Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, trên địa bàn thành phố hiện có 30 không gian xanh, bao gồm: công viên, hoa viên và khu du lịch. Thế nhưng, không gian xanh thực sự đáp ứng các tiêu chí của một công viên thì chỉ đếm trên đầu ngón tay; còn chiếu theo tiêu chuẩn quốc gia đối với công viên ở đô thị loại I thì không có công viên nào ở TP.Biên Hòa đạt chuẩn.
Cụ thể, theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9257:2012 về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị loại I và II, dành cho những đô thị có số dân từ 250 ngàn đến 1,5 triệu người, diện tích tối thiểu đối với công viên trung tâm phải 15 hécta. Trong khi đó, công viên có diện tích lớn nhất ở Biên Hòa hiện nay là ở khu Văn miếu Trấn Biên mới có 7,36 hécta, Công viên Quảng trường tỉnh là 6,9 hécta, Công viên Biên Hùng 3,7 hécta, Công viên Nguyễn Văn Trị 3,5 hécta, Công viên Long Bình 3,1 hécta, Công viên 30-4 chỉ có 1,26 hécta và Công viên Đài kỷ niệm là 0,35 hécta... Cũng theo quy định, các công viên phải dành 40-60% diện tích cho khu yên tĩnh, nhưng thực tế các công viên ở Biên Hòa gần như không có khu yên tĩnh, bởi hàng quán, khu trò chơi được bố trí dàn trải khắp công viên.
Các thành viên Nhóm khỏe - đẹp Thiện Tâm mỗi sáng đều tập aerobic tại Công viên Quảng trường tỉnh. . Ảnh: P. Liễu |
Dù được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công ích nhưng ở TP.Biên Hòa đất dành để xây dựng không gian xanh đủ chuẩn là rất khó khăn. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh/người ở Biên Hòa mới chỉ đạt 9m2/người, trong khi quy định là 12m2/người. Đây là cách tính bình quân của tất cả các mảng xanh có trên địa bàn thành phố; nếu tính riêng tỷ lệ cây xanh công viên/người sẽ còn thấp hơn.
Dành đất cho những không gian xanh là một nỗ lực của tỉnh và thành phố, tuy nhiên những công viên hiện có cũng chưa được đầu tư đúng mức. Ở một số công viên như: 30-4, Quảng trường tỉnh..., lượng ghế đá còn ít, một số ghế bị hư hỏng; lối đi nội bộ trong Công viên Long Bình bị rễ cây làm hư hỏng, đọng nước. Ngay cả nhà vệ sinh, một yêu cầu không thể thiếu ở các địa điểm vui chơi công cộng, nhưng nhiều nơi vẫn chưa có, như các công viên: Đài kỷ niệm, Quyết Thắng, 30-4. Ngay cả Công viên Nguyễn Văn Trị có chiều dài cả cây số cũng chỉ có 2 nhà vệ sinh lưu động; khu nhà vệ sinh ở Công viên Biên Hùng bị hư hỏng nặng...
Được giao quản lý Công viên Biên Hùng, Giám đốc Trung tâm phát triển cụm công nghiệp và dịch vụ công ích Biên Hòa Trần Quang Trung cho biết, nhà vệ sinh ở Công viên Biên Hùng được xây dựng cách nay rất lâu, nay xuống cấp trầm trọng, trung tâm đã nhiều lần kiến nghị thành phố về việc sửa chữa nhưng được thông báo chờ kế hoạch cải tạo chung công viên sẽ thực hiện đồng bộ. Trung tâm đã kiến nghị, trong thời gian chờ xây mới cần bố trí nhà vệ sinh lưu động.
Xuống cấp, hư hỏng, lại nhiều lần bị cắt nước do UBND thành phố chậm thanh toán, nhà vệ sinh ở Công viên Biên Hùng đang khiến nhiều người dân ngán ngại mỗi khi bước vào.
Ông Trần Quang Trung cho biết, kinh phí thành phố cấp cho hoạt động chăm sóc cây xanh, bảo đảm an ninh trật tự cũng như bảo dưỡng dịch vụ chiếu sáng và môi trường cho Công viên Biên Hùng thấp hơn rất nhiều so với thị trường, không đủ trả lương, trung tâm đang có xu hướng cắt giảm bớt số lượng nhân viên phục vụ tại công viên này.
Cũng gặp khó khăn trong vấn đề kinh phí bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh và các dịch vụ trong 16 công viên, hoa viên, mảng xanh khu dân cư được thành phố giao, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Sonadezi Nguyễn Duy Hoàng cho hay, kinh phí thành phố cấp có hạn, công ty phải cân đối các nguồn dịch vụ để bảo đảm công viên được chăm sóc tốt.
Phương Liễu
Bài 2: Công viên bị chiếm dụng