Hiện nay, nhiều trường đã chủ động hợp đồng với giáo viên người nước ngoài tăng cường dạy kỹ năng tiếng Anh cho học sinh nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở môn học này.
Giáo viên người nước ngoài tham gia dạy tiếng Anh cho học sinh Trường mầm non Bé Ngoan (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Ảnh: C.Nghĩa |
Trường THPT Trấn Biên (phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) hiện đang duy trì 20 lớp tiếng Anh tăng cường vào buổi chiều với sự tham gia của giáo viên nước ngoài. Mỗi lớp chỉ có từ 15-20 học sinh.
* Tạo cảm hứng cho học sinh
Trước đây, Trường THPT Trấn Biên từng tiếp nhận một số giáo viên người Philippines đến dạy tiếng Anh tại trường theo chương trình của Sở GD-ĐT phối hợp với Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC. Sau khi chương trình của Sở GD-ĐT kết thúc, nhà trường đã chủ động phối hợp với Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ (VMG) duy trì hoạt động học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài để nâng cao chất lượng dạy và học. Mỗi tuần học sinh được học tăng cường 2 buổi tiếng Anh, mỗi buổi kéo dài trong thời gian 2 giờ, trung bình mỗi tháng học sinh được học 8 buổi.
Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên Phạm Thị Thanh Hà cho biết, việc mời giáo viên người nước ngoài đến trường đã mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, thậm chí giáo viên của trường cũng có thể học hỏi thêm phương pháp dạy hiện đại của giáo viên nước ngoài. Nếu như học sinh trực tiếp đến các trung tâm tiếng Anh luyện thêm kỹ năng sẽ phải tốn từ 5-6 triệu đồng/khóa, thì ở trường các em chỉ phải đóng khoảng 1,5 triệu đồng/khóa.
Em Nguyễn Thanh An, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay, chương trình tiếng Anh chính khóa của trường vào buổi sáng còn khá nặng, sĩ số học sinh/lớp đông, trong khi thời gian mỗi tiết học lại ngắn nên em không thể tiếp thu đầy đủ nội dung, càng không thể luyện sâu cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Những buổi học tiếng Anh tăng cường với giáo viên nước ngoài mỗi lớp chỉ từ 15 học sinh đổ lại nên giáo viên dạy thoải mái, học sinh có nhiều thời gian để luyện các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói.
Tại Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), học sinh được học tiếng Anh ngay từ lớp 1 với 6 tiết/tuần, trong đó có 3 tiết tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Được học tiếng Anh sớm, đặc biệt lại có giáo viên nước ngoài đã tạo hứng khởi cho học sinh trong giờ học, đồng thời nhiều phụ huynh cũng cảm thấy an tâm hơn. Anh Lê Thành Phong, có con học ở trường cho rằng: “Việc học tiếng Anh với người nước ngoài ở trường sẽ khắc phục được những điểm yếu của học sinh khi học ngoại ngữ, nhất là kỹ năng nghe và nói, vì nhiều giáo viên nước ngoài thường dạy tốt hơn giáo viên trong nước ở 2 kỹ năng quan trọng này”.
* Tăng cường nền tảng cho học sinh
Từ năm học 2018-2019, Trường mầm non Bình Lợi (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) đã bắt đầu cho trẻ được tiếp xúc với môn tiếng Anh. Mỗi tháng, phụ huynh chỉ phải đóng 180 ngàn đồng để trẻ có cơ hội học 4 buổi học tiếng Anh với 1 giáo viên nước ngoài và 1 giáo viên Việt Nam làm trợ giảng. Trẻ được học tiếng Anh ban đầu với những nội dung đơn giản như: phát âm chữ cái, số đếm; tập nói những đồ vật, con thú, hay hát một số bài phù hợp với khả năng tiếp nhận của trẻ…
Giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh tại Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng. Ảnh: C.Nghĩa |
Cô Lê Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Lợi cho biết, ban đầu giáo viên nước ngoài vào lớp, trẻ tỏ ra khá rụt rè, nhưng với phương pháp tiếp cận cởi mở, vui vẻ, hầu hết trẻ đã nhanh chóng tự tin “bắt nhịp” với giáo viên. Sau mỗi buổi học, vốn từ vựng tiếng Anh của trẻ đã tăng lên, giáo viên của trường cũng có thể ôn tập từ vựng tiếng Anh cho trẻ mỗi ngày bằng cách đưa các bức tranh, đồ vật giúp trẻ xung phong đứng lên đọc.
Nei Etheridge là giáo viên quốc tịch Philippines đã có gần 2 năm dạy tiếng Anh cho một trung tâm ngoại ngữ 100% vốn đầu tư nước ngoài tại phường Tân Mai (TP.Biên Hòa). Ngoài dạy ở trung tâm, Nei Etheridge còn tham gia dạy tại một số trường phổ thông trên địa bàn TP.Biên Hòa vào buổi sáng và buổi chiều, vì vào thời điểm này trung tâm thường trống học viên. Theo kinh nghiệm của Nei Etheridge, sĩ số học sinh trên lớp của nhiều trường phổ thông hiện nay thường quá đông nên hiệu quả không cao.
Nei Etheridge cho biết: “Quá trình dạy tiếng Anh ở các trường, chúng tôi đã chia sẻ được nhiều kỹ năng cho giáo viên tiếng Anh người Việt Nam nhằm giúp học sinh có được những tiết học tốt hơn. Chẳng hạn thay vì dạy theo phương pháp truyền thống là cô nói trò ghi, một vài em được đứng lên phát biểu thì chúng tôi chia lớp thành nhóm nhỏ, các em thảo luận theo từng chủ đề, còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn. Các trò chơi cũng được đưa vào các buổi học tiếng Anh để tăng tính tương tác, đồng thời tiếng Anh còn được đưa vào môn học khác như Toán, Lịch sử…”.
Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) Đỗ Thị Lan Đài cho rằng, vai trò của giáo viên tiếng Anh người nước ngoài trong các trường phổ thông hiện nay rất quan trọng. Do đó, việc tuyển chọn giáo viên người nước ngoài phải được xem xét kỹ càng, nhằm đảm bảo chất lượng, đem lại hiệu quả tốt nhất trong giảng dạy.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ: Cần sự đồng hành của phụ huynh Chương trình giảng dạy môn tiếng Anh trong các trường phổ thông hiện nay và mặt bằng trình độ giáo viên bộ môn này chưa đồng đều nên chất lượng dạy chưa cao, còn có sự chênh lệch giữa trường ở thành thị và nông thôn. Do đó, việc thuê giáo viên nước ngoài đến giảng dạy là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Tuy nhiên, chi phí để thuê giáo viên người nước ngoài không hề nhỏ, do đó rất cần sự chung tay, góp sức từ phụ huynh. |
Công Nghĩa