Tại chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2019 do Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức vào tối 17-10 vừa qua, hình ảnh cụ bà 83 tuổi Đỗ Thị Mơ ở một làng quê tỉnh Thanh Hóa đạp xe lên UBND xã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo gây ấn tượng mạnh.
Nhiều người xúc động với câu chuyện và càng trân trọng hơn khi nghe bà nói muốn nhường suất hộ nghèo cho người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn vì bà vẫn còn sức lao động, cuộc sống thoải mái, chứ không đến nỗi khó khăn mà phải trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước.
Cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi), người viết đơn xin thoát nghèo |
Câu chuyện của bà cụ 83 tuổi xin ra khỏi danh sách hộ nghèo cho thấy một thực tế đáng mừng ở Việt Nam hiện nay là người nghèo không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài mà đã biết vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Tất nhiên, để thoát khỏi đói nghèo, người nghèo rất cần những “cần câu” để có thể “câu cá” nuôi sống bản thân và gia đình. Rất nhiều gia đình khó khăn từ nguồn vay hỗ trợ của Nhà nước cùng sự hỗ trợ về kỹ thuật và ý chí vươn lên đã từng bước thay đổi hoàn cảnh, có thu nhập ổn định cuộc sống. Sự chung tay của các tổ chức, cá nhân dành cho người nghèo đã tiếp sức cho người nghèo chống lại đói nghèo.
Phát biểu tại lễ trao giải báo chí về công tác giảm nghèo năm 2019 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm mạnh từ hơn 58% năm 1993 xuống còn khoảng 5,35% theo chuẩn đa chiều vào cuối năm 2018. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng giúp Việt Nam trong mục tiêu Thiên niên kỷ Việt Nam hoàn thành trước thời hạn, được Liên hợp quốc ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi Việt Nam là một điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên toàn cầu.
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng bày tỏ mong muốn sẽ huy động được ngày càng nhiều hơn các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước dành cho công tác giảm nghèo, nhằm tạo thêm động lực cho người nghèo thoát nghèo một cách bền vững.
Tại Đồng Nai, nhờ sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,98%. Số hộ nghèo này vẫn đang nhận được những nguồn hỗ trợ thiết thực như: cho vay vốn; tạo việc làm; hỗ trợ bò, dê giống; xây, sửa nhà, trao học bổng…
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Văn Phước, từ những chương trình có ý nghĩa vì người nghèo được thực hiện thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai thành công vào mục tiêu xóa nhà dột nát, nâng cao chất lượng nhà ở cho hộ nghèo. Đặc biệt, phong trào Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực cùng chăm lo, tiếp thêm sức mạnh cho người nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Minh Ngọc