Chương trình tư vấn hướng nghiệp Cùng bạn chọn nghề cho tương lai đã đi đến hơn 50 trường THPT trên toàn tỉnh. Trên 25 ngàn học sinh lớp 12 được tiếp cận thông tin.
Đối với đa số học sinh, chương trình đã giải tỏa “cơn khát” hướng nghiệp mà các em đang mong chờ, nhất là trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp ở năm học cuối cấp.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Long Thành) đặt nhiều câu hỏi trong chương trình tư vấn hướng nghiệp mới đây. Ảnh: H.Yến |
Chương trình do Sở GD-ĐT và Báo Giáo dục TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, được thực hiện từ ngày 23-9 đến 20-10.
* Mơ hồ trong lựa chọn ngành nghề
Ông Trần Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế chia sẻ: “Mặc dù năm nay chương trình tư vấn hướng nghiệp được tổ chức ngay từ đầu năm học nhưng theo tôi đây vẫn là biện pháp “chữa cháy” nhằm giúp học sinh có được một lượng thông tin, hiểu biết nhất định để giảm bớt việc lựa chọn ngành nghề sai, không bỏ học giữa chừng ở bậc học cao hơn… Về lâu dài, chúng ta cần có một chương trình hướng nghiệp dài hơi ở trường phổ thông sao cho khi lên lớp 10, 11 thì học sinh đã chọn ngành rồi. Lúc này, nhà trường chỉ hướng dẫn cơ bản cho các em về hệ thống đào tạo chứ không còn phải làm hướng nghiệp nữa”. |
“Thưa thầy, em cung Cự Giải thì nên chọn ngành gì?”, “Em là người ưa nổi loạn, vậy em phù hợp với nghề gì?”, “Em thích ngành quản trị kinh doanh nhưng bố mẹ lại muốn em học nghề kế toán, vậy em nên học ngành nào?”… Đó là ba trong số rất nhiều câu hỏi mà học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) đặt ra cho ban tư vấn hướng nghiệp trong chương trình tư vấn tại trường này.
Đây không phải là những câu hỏi xa lạ với những người làm công tác hướng nghiệp. Những thắc mắc hay gặp nhất của học sinh là: mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái trong lựa chọn nghề nghiệp, sự phân vân khi phải chọn giữa các ngành nghề. Có muôn vàn câu hỏi khác nhau, nhưng đa số đều cho thấy sự mơ hồ của học sinh trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Theo ông Đỗ Văn Sự, chuyên gia tâm lý của chương trình tư vấn hướng nghiệp, hiện nay rất nhiều học sinh lớp 12 đang gặp bất ổn về tâm lý trong lựa chọn nghề nghiệp. Điều này thể hiện rõ nét qua sự chi phối của gia đình, xã hội, bạn bè và các yếu tố rối nhiễu của thời buổi công nghệ hiện đại. Bản thân học sinh phải đưa ra quyết định trong bối cảnh chịu áp lực bởi nhiều luồng thông tin như vậy thì sẽ khó có thể đưa ra quyết định một cách chính xác, rõ ràng. Thậm chí, sự lựa chọn nghề nghiệp của học sinh lại bị lệ thuộc bởi những áp đặt của người khác.
TS.Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của học sinh trong việc chọn nghề là các em không đủ thông tin để tìm ra ngành nghề phù hợp với bản thân mình và chưa tự chủ trong việc tự hướng nghiệp ở phổ thông.
Hiện nay, đa phần học sinh đang chọn trường (theo điểm học tập) hơn là chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân. Những chương trình tư vấn hướng nghiệp đa phần không thể thỏa mãn hết được những băn khoăn, thắc mắc của học sinh. Nhiều em không đủ tự tin để đặt câu hỏi. Thậm chí với thời gian ít ỏi của một chương trình tư vấn, các chuyên gia cũng không có đủ thời gian để trả lời hết câu hỏi mà học sinh đặt ra.
Em Chu Ngọc Anh, lớp 12A9 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Long Thành) thừa nhận: “Bản thân em đang gặp khó khăn trong chọn nghề. Em bị yếu một trong 3 môn thuộc khối xét tuyển đại học nên không biết mình có nên tiếp tục theo đuổi hay không. Em rất cần những buổi tư vấn hướng nghiệp để có thể hiểu thêm được nhiều ngành nghề, từ đó có thể chọn được những ngành hợp với bản thân mình”.
* Chưa để ý phần “gốc”
Nếu ví việc hướng nghiệp như một cái cây thì các học sinh hiện chỉ quan tâm đến phần ngọn để hái quả chứ không quan tâm phần gốc rễ của cây. Theo đó, khi đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn, học sinh chỉ quan tâm về mức thu nhập, công việc trong tương lai mà “quên” đặt câu hỏi về những thứ cần phải xây dựng trước. Đó là kỹ năng, sở trường, yêu cầu bắt buộc phải có để đáp ứng được công việc mà mình lựa chọn.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế cho biết, trong chương trình tư vấn, đa phần học sinh cứ quanh quẩn hỏi ngành nghề nào tạo ra thu nhập cao, dễ có việc làm, những trường nào dạy giỏi. Trong khi đó, điều quan trọng nhất là phải lựa chọn ngành nghề nào phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình thì các em hầu như không quan tâm.
Bên cạnh đó, học sinh cũng chỉ để ý đến bậc đại học mà “ngó lơ” các bậc học khác như: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, trong khi không phải ai cũng đủ năng lực để học đại học.
“Các em cũng không tính toán xem mình sẽ làm việc ở đâu. Tôi vẫn thường nói rằng các em là người Đồng Nai thì nên suy nghĩ xem nhu cầu nhân lực trong tương lai ở Đồng Nai là gì để có thể làm việc tại chỗ. Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có nhu cầu cao về nguồn nhân lực. Tôi nghĩ rằng công tác hướng nghiệp ở địa phương cần lưu ý quảng bá nhiều hơn đến nhu cầu lao động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Đồng Nai để học sinh lựa chọn nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu ở địa phương” - ông Tuấn cho hay.
* Tiếp cận thông tin chính thống
Hiện nay, học sinh có rất nhiều kênh thông tin để tìm hiểu về công tác hướng nghiệp, đặc biệt là các thông tin trên internet. Những thông tin này cung cấp cho học sinh những thông tin đa dạng, nhiều chiều. Tuy vậy, nếu không biết cách tìm hiểu thông tin, các em có thể bị lạc trong chính rừng thông tin đa chiều đó và sẽ đưa ra những lựa chọn sai lầm.
Vì vậy, điều cần thiết là học sinh phải biết sàng lọc thông tin, thiết lập được “màng chắn” để miễn nhiễm với những thông tin gây rối nhiễu, chọn được những thông tin cần thiết… Cách an toàn nhất là tìm thông tin từ các trang báo, trang mạng chính thống, có uy tín.
Theo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Sở GD-ĐT nên có một chuyên trang riêng về hướng nghiệp. Trang này sẽ cập nhật các thông tin chính thống về định hướng nghề nghiệp, tập hợp đội ngũ chuyên gia để viết bài, tư vấn trực tiếp. Việc hướng nghiệp dài hơi rất cần “bàn tay” của Sở GD-ĐT.
Các chương trình tư vấn hướng nghiệp trực tiếp thường có sự đồng hành của các trường đại học, cao đẳng bởi vì những đơn vị này mới có các chuyên gia hiểu sâu về các ngành đào tạo. Tuy vậy, trong khâu tổ chức cần có sự kiểm soát về mặt nội dung để đảm bảo thông tin đến với học sinh một cách khách quan nhất.
Về phía các trường phổ thông, cần phải xây dựng chương trình trải nghiệm, giúp các em khám phá bản thân. Sau đó phải có bộ phận tư vấn để các em thấy bản thân mình có phù hợp với ngành nghề mình đã chọn hay không.
Về phía học sinh, các em cũng phải tự hướng nghiệp. Điều này không quá khó. Mỗi ngày, các em có thể tự đặt ra cho mình để xem cái mình yêu thích có phải thực sự là niềm đam mê không, các em có đủ sức làm hay không? Sau khi đặt ra câu hỏi cho chính mình, học sinh phải tự tìm hiểu trước, sau đó gặp gỡ thầy cô, bạn bè và tìm đến các chuyên gia để tham vấn.
Hải Yến
Ông Trần Nam, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh):
Xây dựng chương trình hướng nghiệp như một dự án
Để công tác hướng nghiệp đạt được hiệu quả thì các trường phải xây dựng một chương trình dài hơi, thực hiện như một dự án. Chẳng hạn như, học sinh sẽ được đánh giá, xếp vào các nhóm ngành để các em trải nghiệm. Việc trải nghiệm có thể làm bằng nhiều cách: nghe chia sẻ của chuyên gia ngành, đến với doanh nghiệp, đến với trường đào tạo ngành nghề đó… Như vậy, các em có mường tượng rõ nét hơn về ngành nghề mình chọn. Sau đó tiến hành đánh giá và tái định hướng cho học sinh. Về chi phí có lẽ cần phải có sự chung tay của phụ huynh.
Một vấn đề nữa là Sở GD-ĐT nên có một chuyên trang riêng về hướng nghiệp. Trang này sẽ cập nhật các thông tin chính thống về định hướng nghề nghiệp, tập hợp đội ngũ chuyên gia để viết bài, tư vấn trực tiếp. Việc hướng nghiệp dài hơi rất cần “bàn tay” của Sở GD-ĐT. Nếu để học sinh tự đi tìm thông tin thì rất có thể các em sẽ bị lạc trong chính rừng thông tin ấy.
Ông Lưu Phước Dũng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi:
Định hướng nghề có trọng tâm
Tôi cho rằng ngoài nhà trường thì các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp phải cùng can thiệp vào công tác hướng nghiệp cho học sinh. Theo đó, các doanh nghiệp khi có lời mời của trường phổ thông hoặc cao đẳng, đại học thì nên tham gia giới thiệu về ngành nghề, nhu cầu lao động và yêu cầu đối với lao động của công ty mình cho phụ huynh, học sinh được biết.
Hiện nay, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang xây dựng một loạt video clip về các ngành nghề. Qua các video này, học sinh sẽ hiểu được ngành nghề đó là gì, yêu cầu công việc, kỹ năng… như thế nào. Những video này rất sinh động. Sở GD-ĐT và Sở Lao động - thương binh, xã hội nên tiếp cận dùng làm tài liệu cho công tác hướng nghiệp.
Việc định hướng nghề nghiệp cũng cần có trọng tâm chứ không nên định hướng tràn lan. Chẳng hạn, ở Đồng Nai thì nên hướng nhiều hơn đến ngành công nghiệp phụ trợ; công nghệ may, công nghệ giày, hàng gia công điện tử; nông nghiệp công nghệ cao…
Cô Nguyễn Thị Thanh Dung, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa):
Cần có giáo viên được đào tạo về hướng nghiệp
Về công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông hiện nay, tôi thấy có rất nhiều công việc phải làm. Nhưng theo tôi, việc cần thiết nhất là phải đào tạo một cách bài bản cho giáo viên làm công tác hướng nghiệp. Hiện nay, người làm công tác tư vấn hướng nghiệp trong trường học chủ yếu tư vấn dựa vào kinh nghiệm cá nhân chứ chưa được đào tạo.
Người làm công tác hướng nghiệp có nhiệm vụ khơi gợi để học sinh tự tìm hiểu và đưa ra quyết định chứ không phải là “ấn” cho học sinh theo quan điểm của mình.
Phải có thời gian để tư vấn cho học sinh. Mỗi đối tượng học sinh có một đặc điểm, xu hướng nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình khác nhau… Do đó, không thể tư vấn đại trà được mà phải phân loại để hoạt động tư vấn đi đúng trọng tâm.
Hải An (ghi)