Xã hội

Loay hoay tự chủ tài chính ở bệnh viện công lập

Nhằm huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở, mua sắm trang thiết bị… từ năm 2017, Bộ Y tế đã cho phép các bệnh viện công lập trong cả nước thực hiện tự chủ tài chính.

Nhằm huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở, mua sắm trang thiết bị, phát triển kỹ thuật, tăng nguồn thu cho bệnh viện… từ năm 2017, Bộ Y tế đã cho phép các bệnh viện công lập trong cả nước thực hiện tự chủ tài chính.

Bệnh nhân (ngồi vẽ) đang được điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Bệnh nhân (ngồi vẽ) đang được điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

TIN LIÊN QUAN
Tại Đồng Nai, Sở Y tế đã chấp thuận cho 3 bệnh viện công lập là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh thực hiện tự chủ tài chính. Theo đó, các bệnh viện phải cân đối nguồn thu để có tiền trả lương cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên thay vì được Nhà nước trả lương như trước. Điều này đã giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm được 200 tỷ đồng/năm. Song, do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về tự chủ tài chính nên nhiều bệnh viện đang rơi vào thực trạng “dở khóc, dở cười”.

* Tiết kiệm ngân sách

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Bộ sắp trình Chính phủ quy định đãi ngộ, trọng dụng nhân tài trong các cơ sở y tế. Khi đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp các bộ, ngành ban hành quy định các đơn vị tự chủ được phép trả lương trên cơ sở hiệu quả công việc, đồng thời có đãi ngộ tốt để giữ chân cán bộ y tế tại các bệnh viện công lập”.

Từ khi thực hiện tự chủ, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiết kiệm cho ngân sách 64 tỷ đồng/năm. Để “bù” vào khoản này, bệnh viện đã phải tăng cường tổ chức thực hiện thêm các dịch vụ ngoài bảo hiểm y tế như: khám bệnh cho người lao động tại doanh nghiệp, mở khu tiêm chủng (tiêm cả vaccine dịch vụ lẫn vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia). Hoặc ngoài số giường bệnh theo chỉ tiêu của Nhà nước giao, bệnh viện sẽ kê thêm giường ở những khoa đông bệnh, phòng bệnh còn trống để tăng nguồn thu...

TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết, từ tháng 3-2017, sau khi tiến hành tự chủ tài chính, bệnh viện phải tiết kiệm nhiều khoản chi phí như: điện, nước, văn phòng phẩm, đồng thời đưa vào sử dụng khu khám bệnh theo yêu cầu để có thêm khoản thu.

Còn tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, để thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, bệnh viện này đã mời một số chuyên gia y tế ở TP.Hồ Chí Minh về khám bệnh và “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ trẻ. Ngoài ra, lãnh đạo bệnh viện cũng có nhiều cách làm hay như mở phòng sinh gia đình, mở các dịch vụ như gội đầu cho bệnh nhân tại giường, nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế toàn bệnh viện để hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên chia sẻ: “Đổi mới để phát triển là yêu cầu sống còn đối với các bệnh viện công lập trong thời buổi y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Việc Bộ Y tế cho phép các bệnh viện công lập tự chủ về tài chính là đúng đắn. Khi có tự chủ, lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ, nhân viên y tế mới năng động, sáng tạo hơn trong công việc, đem đến hiệu quả khám, chữa bệnh tốt hơn. Vì nếu làm không tốt, bệnh viện không có nguồn thu sẽ không có tiền để trả lương cho nhân viên hoặc chỉ trả ở mức thấp”.

* Tự chủ nửa vời

Đến nay 100% đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Trong đó, có 5 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; 235 đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên; khoảng 1,2 ngàn đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực và hiệu quả mà chính sách tự chủ tài chính bệnh viện công mang lại. Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo các bệnh viện tiến hành tự chủ băn khoăn đó là mới được phép tự chủ một phần, chưa được tự chủ hoàn toàn. Các bệnh viện muốn bổ nhiệm nhân sự hay mua sắm trang thiết bị, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất đều phải xin phép cơ quan có thẩm quyền, không được tự quyết định.

“Chúng ta đang khuyến khích các bệnh viện công lập khoán việc, tự chủ tài chính để cải thiện thu nhập cho bác sĩ, nhưng giám đốc bệnh viện chỉ có quyền trả lương cho nhân viên mà không có quyền trả lương cao hơn cho những người làm việc hiệu quả; không có quyền cách chức, thay đổi biên chế của đơn vị, không được tự quyết giá viện phí, không được thu thêm” - TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế trăn trở.

Theo bác sĩ Phan Văn Huyên, dù bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính đã vài năm nay, nhưng dường như vẫn không có bất cứ “quyền” nào. Từ nguồn thu vẫn phải trích 45% cho rất nhiều nguồn quỹ như: quỹ phát triển sự nghiệp (25%), quỹ phúc lợi (10%), quỹ khen thưởng (5%), quỹ cải cách tiền lương (5%). Trong khi đó, bệnh viện không có bất cứ nguồn nào dành cho hoạt động xây dựng thương hiệu.

Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho rằng, tồn tại lớn trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính ngoài giá trần dịch vụ là vấn đề nhân sự. Mặc dù khi thực hiện tự chủ tài chính, các bệnh viện sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, nghĩa là nhân viên không còn trong biên chế nhà nước. Nhưng theo luật hiện hành, bệnh viện không thể bổ nhiệm cán bộ nếu đó không phải là công chức, viên chức.

“Ở các bệnh viện tư nhân, vấn đề nhân sự được thực hiện rất dứt khoát: bác sĩ nào làm được việc, tay nghề chuyên môn vững sẽ được chủ bệnh viện bổ nhiệm, cất nhắc; bác sĩ nào làm không tốt, để xảy ra tai biến hay điều tiếng sẽ bị cho nghỉ việc trong vòng “một nốt nhạc”. Còn ở bệnh viện công lập, mặc dù tự chủ về tài chính nhưng lãnh đạo bệnh viện không thể tự quyết vấn đề nhân sự như ở bệnh viện tư nhân. Muốn làm gì cũng phải thực hiện theo đúng quy trình” - TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất bộc bạch.

“Lách” bằng nhiều cách

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho hay, cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập mang lại nhiều hiệu quả tích cực như: giảm ngân sách nhà nước, tăng tính chủ động, sáng tạo của các bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, mặt trái của nó là khiến các bệnh viện gia tăng chỉ định sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) để tăng nguồn thu.

Theo đó, các bệnh viện chỉ định kéo dài ngày điều trị nội trú, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, không đúng quy trình kỹ thuật, áp sai giá dịch vụ, tách dịch vụ để thanh toán, đề nghị thanh toán trùng lặp, bác sĩ thực hiện các dịch vụ y tế không đúng phạm vi chuyên môn… làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh và lãng phí quỹ BHYT.

Ngoài ra, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh còn lo ngại quy định về thông tuyến khám BHYT tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh nhưng không có cơ chế kiểm soát dẫn đến tình trạng cơ sở khám chữa bệnh thu gom người có thẻ BHYT từ các địa phương khác đến kiểm tra sức khỏe, làm gia tăng tình trạng lạm dụng kỹ thuật y tế, lãng phí nguồn quỹ. Đặc biệt, các kỹ thuật trong lĩnh vực y học cổ truyền, phục hồi chức năng được các cơ sở khám chữa bệnh lạm dụng khá nhiều.

Hiện nay, người tham gia BHYT được chi trả hơn 18 ngàn dịch vụ kỹ thuật nhưng chỉ có 140 dịch vụ kỹ thuật có quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán; được thanh toán hơn 1 ngàn loại thuốc, hóa dược, sinh phẩm nhưng chỉ có 187 loại thuốc, hóa dược, sinh phẩm quy định điều kiện, tỷ lệ chi trả. Do đó, tình trạng người có thẻ BHYT đi khám bệnh nhiều lần tháng hay mượn thẻ BHYT của nhau để đi khám, chữa bệnh không phải hiếm gặp.

TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chia sẻ, bệnh viện không có chủ trương hay cố tình lạm dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cho bệnh nhân nhưng vẫn có một số bác sĩ vướng phải. Để hạn chế tình trạng này, bệnh viện đã tính trần cho từng khoa, phòng. Bác sĩ nào làm sai, lạm dụng thuốc, kỹ thuật dẫn đến vượt trần hoặc có biểu hiện trục lợi quỹ BHYT sẽ phải chịu trách nhiệm.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ thừa nhận: “Khi cơ chế chính sách còn chưa rõ ràng, chưa “mở” để tạo điều kiện thông thoáng cho các bệnh viện phát triển theo đúng tinh thần tự chủ thì những mặt trái như đã nói ở trên là điều hiển nhiên. Các bệnh viện phải tìm cách “lách” thì mới có tiền để “nuôi quân”, mới “giữ chân” được bác sĩ giỏi. Tuy nhiên, Sở Y tế không khuyến khích điều này. Điều mà ngành Y tế đang hướng tới, cốt lõi nhất vẫn là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Do đó, chúng tôi đang rất cần có những hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Y tế và các cơ quan chức năng để giúp các bệnh viện phát huy được tinh thần tự chủ”.

Hạnh Dung - Bích Nhàn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,843,252       23/590