Xã hội

Nghề may vẫn thu hút lao động nam

Nói đến may mặc, phần lớn mọi người nghĩ đây là công việc dành cho nữ giới bởi đặc thù công việc đòi hỏi sự mềm mại, cẩn thận, khéo léo. Tuy nhiên, nghề này hiện đang được nhiều lao động nam lựa chọn và đam mê với nghề.

Lao động nam làm việc tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa)
Lao động nam làm việc tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Hòa

Nhiều nam giới theo nghề may tại các doanh nghiệp (DN) có tay nghề cao, được DN trọng dụng, tin tưởng chọn vào may ở bộ phận may chủ chốt hoặc cất nhắc lên làm tổ trưởng xưởng may, quản lý chuyền...

* Đam mê với nghề may

6 năm nay, anh Nguyễn Ngọc Thành theo đuổi nghề may các sản phẩm thời trang tại Công ty TNHH Hoàng Gia GMT (Khu Công nghiệp (KCN) Sông Mây, huyện Trảng Bom). Anh Thành cho biết, ban đầu khi đi tìm việc anh định nộp hồ sơ vào công ty gỗ. Tuy nhiên, khi đi qua công ty may, thấy có nhiều người tập trung tại cổng đợi phỏng vấn nên anh cũng xếp hàng xin việc với mong muốn nhanh có việc làm, kiếm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Công nhân Nguyễn Văn Công làm việc tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (KCN Amata, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Đến với nghề may, ngoài có công việc, thu nhập, tôi học được nhiều thứ, rèn được tính cẩn thận, tỉ mỉ, mềm mại trong công việc và cuộc sống”.

“Trong số hơn 30 người vào phỏng vấn, hơn một nửa có tay nghề may, bản thân tôi vừa nam giới vừa không có tay nghề và kinh nghiệm nên rất lo lắng. May mắn được DN nhận vào làm và sau khi được đào tạo nghề 2 tháng trực tiếp tại xưởng, tôi nắm bắt công việc và có thể may được các chi tiết sản phẩm từ nhỏ cho đến lớn” - anh Thành chia sẻ.

Từ suy nghĩ làm nghề may chỉ là công việc tạm thời để có thu nhập, nhưng lâu dần nghề đã trở thành niềm đam mê của anh. Để có thể may thành thạo như lao động nữ, anh Thành tranh thủ thời gian nghỉ trưa học hỏi đồng nghiệp có thâm niên lâu năm trong nghề may để nâng cao tay nghề. Với sự nỗ lực đó, hiện anh đã được DN chọn vào may tại xưởng may mẫu các mặt hàng thời trang. Với anh, sự cố gắng và kiên trì trong công việc đã mang lại cho anh nhiều thành công, có nguồn thu nhập khá, cải thiện cuộc sống.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Minh, làm việc tại Công ty TNHH Kowide Outdoors, chuyên sản xuất các mặt hàng ba lô, túi xách (KCN Suối Tre, TP.Long Khánh) lại đến với nghề may như một cái duyên. Trong một lần cùng bạn chở nước uống vào giao cho công ty, anh thấy có bản tin đăng tuyển lao động nam, nữ nghề may với chế độ và thu nhập hấp dẫn. Ngày hôm sau, anh mạnh dạn nộp hồ sơ xin việc và được nhận vào làm bộ phận cắt chỉ các sản phẩm.

“Lúc đó, tôi đang thất nghiệp nên DN nhận vào làm là mừng lắm, giao làm gì tôi làm cái đó, từ cắt chỉ đến chuyển nguyên liệu cho công nhân may, sắp xếp sản phẩm và đóng hàng. Nhưng có duyên may sản phẩm túi xách thì phải mất một năm sau tôi mới được ngồi máy” - anh Minh bày tỏ.

Theo anh Minh, cuối năm 2016, khi DN thiếu lao động may các đơn hàng gấp rút, anh cùng một số lao động nam khác được DN đào tạo lớp may cấp tốc để may các chi tiết, đáp ứng đơn hàng đã ký trước Tết. Khi tiếp nhận công việc, anh không nghĩ mình có thể kiên trì vì quá vất vả, phải ngồi máy cả ngày khiến người nhức mỏi, đau lưng. Tuy nhiên, được sự động viên của đồng nghiệp, anh dần thích ứng và rồi đam mê với công việc này lúc nào không hay. Anh Minh cho biết, nếu chỉ nghe đến nghề may, nhiều người sẽ nghĩ đơn giản chỉ may một sản phẩm bất kỳ, công việc rất nhẹ nhàng nhưng khi đi vào công việc cụ thể, người thợ có tay nghề thôi chưa đủ mà còn phải chịu khó, kiên trì và có ý thức vươn lên để gắn bó lâu dài với nghề.

Với những cố gắng trong công việc, rèn luyện nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu công việc, nhiều năm liền, anh Minh được công ty chọn là một trong những người thợ giỏi. Ngoài ra, anh còn là gương công nhân tiêu biểu được tuyên dương trong phong trào thi đua sản xuất giỏi hằng năm. Các sản phẩm DN giao anh may vừa đúng mẫu mã, vừa đạt chất lượng và số lượng sản phẩm.

* Tạo điều kiện để công nhân nam tăng thu nhập

Hiện tại, do nhu cầu sản xuất mở rộng, nhiều DN may mặc đều thiếu hụt lực lượng lao động khá lớn. Do đó, các DN trong lĩnh vực may mặc vẫn đăng tuyển lao động nam, nữ liên tục, đồng thời đưa ra các chế độ, phúc lợi tốt để thu hút lao động. Đối với lao động nam khi tuyển dụng sẽ được đào tạo nghề may bài bản để may các công đoạn nhỏ, chi tiết của sản phẩm. Việc tạo điều kiện để họ nâng cao tay nghề, tăng thu nhập cũng được nhiều DN chú trọng.

Anh Phạm Xuân Tâm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai (KCN Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) cho hay, tại DN nhiều lao động nam không những may giỏi mà còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho DN. Thực tế khi tuyển dụng, lao động nam không tự tin với nghề nhưng qua quá trình đào tạo cùng với sự kiên trì của mỗi người, họ đã vươn lên làm tổ trưởng, quản lý chuyền may. Một số lao động nam may nhiều công đoạn như: cắt vải, vắt sổ, may chi tiết, lắp ghép các loại vải riêng biệt thành một sản phẩm theo mẫu hoàn thiện.

Tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (KCN Amata, TP.Biên Hòa), nhiều lao động nam có thâm niên làm việc đều đạt tay nghề giỏi và có vị trí cao. Anh Nguyễn Văn Công, có thâm niên 12 năm gắn bó với công ty cho hay, công nhân vào làm việc tại DN nếu tay nghề cao sẽ có rất nhiều lợi thế bởi nếu hoàn thành công việc tốt, quyền lợi của công nhân được hưởng nhiều hơn. Chẳng hạn tăng tiền chuyên cần, tiền vượt chỉ tiêu sản phẩm, được khen thưởng hằng tháng…

Thực tế, để giữ chân lao động có tay nghề, nhiều DN không những tạo điều kiện để họ phát huy tay nghề, tăng thu nhập mà sẵn sàng chi trả các phúc lợi thỏa đáng để đảm bảo đời sống người lao động. Đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch) cho hay, ngoài cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, DN thường xuyên cải thiện các phúc lợi để người lao động yên tâm gắn bó với nghề và vì sự phát triển của DN như: chi trả lương, thưởng cao, hỗ trợ nhà ở, nuôi con nhỏ, xây dựng trường học cho con công nhân…

Nguyễn Hòa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,890,958       1/771