Xã hội

Khó quản lý mỹ phẩm kém chất lượng

Mỹ phẩm kém chất lượng đang được bán tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, việc quản lý còn nhiều bất cập, khó kiểm soát.

Mỹ phẩm trị mụn Mai thảo mộc mới bị thu hồi vì không đảm bảo an toàn
Mỹ phẩm trị mụn Mai thảo mộc mới bị thu hồi vì không đảm bảo an toàn. Ảnh:B.Nhàn

Sở Y tế vừa ra quyết định xử phạt 70 triệu đồng và yêu cầu phía công ty tự thu hồi, tiêu hủy hơn 600 lọ mỹ phẩm trị mụn Mai thảo mộc.

* Phát hiện nhiều vụ sản xuất mỹ phẩm dỏm

Theo hồ sơ đăng ký lưu tại Sở Y tế, mỹ phẩm Mai thảo mộc (Nature Cosmetic) được Sở Y tế cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm 133/CBMP-ĐN, ngày 6-5-2019. Sản phẩm được sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất - thương mại mỹ phẩm Ngô Thanh Phú (địa chỉ: số 1, đường 19A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, phường An Bình, TP.Biên Hòa). Đơn vị công bố và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Mai Mai Phương (địa chỉ: 17D, đường Nguyễn Hữu Cảnh, KP.3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom).

Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra Sở Y tế tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH sản xuất - thương mại mỹ phẩm Ngô Thanh Phú thấy rằng, sản phẩm này chưa được sản xuất tại đây. Theo trình bày của ông Mai Cao Sơn, Giám đốc Công ty TNHH thương mại + dịch vụ Mai Mai Phương, thực tế sản phẩm này được sản xuất ở một cơ sở tại TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Sau đó, sản phẩm được vận chuyển vào Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Mai Mai Phương để tiêu thụ. Dù chỉ mới có mặt trên thị trường vài tháng (theo phiếu công bố sản phẩm), sản phẩm Mai thảo mộc đã có lượng tiêu thụ khá lớn. Tính đến ngày
14-8, công ty này đã bán được 2 ngàn lọ. Hình thức bán hàng chủ yếu là qua mạng xã hội và các đại lý bán lẻ.

Khi gõ cụm từ Mai thảo mộc trên công cụ Google, trong vòng 0,35 giây đã có 18,4 triệu kết quả. Theo trang www.maithaomoc.com, giá bán mà công ty đưa ra đối với sản phẩm Mai thảo mộc nguyên chất là 199 ngàn đồng/chai 5ml và 219 ngàn đồng/chai 5ml đối với Mai thảo mộc mix saffron.

Trước đó, Sở Y tế đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh, Công an Phường Trảng Dài kiểm tra hành chính Chi nhánh Công ty TNHH mỹ phẩm Hoa Việt (địa chỉ: KP.5, Phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Qua kiểm tra phát hiện số lượng lớn mỹ phẩm không an toàn cho người sử dụng với các nhãn hiệu:  Công ty TNHH mỹ phẩm Hoa Việt (địa chỉ: phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh).

Đây chỉ là 2 vụ việc cơ sở sản xuất mỹ phẩm có phiếu công bố sản phẩm nhưng không đảm bảo an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng mà ngành Y tế phát hiện trong thời gian qua. Riêng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến ngày 15-9, Cục đã phát hiện đến 70 vụ các sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng.

* Phiếu công bố không có giá trị

Ngay sau khi phát hiện 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đảm bảo an toàn, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành xử phạt hành chính và buộc tiêu hủy các sản phẩm cũng như thu hồi trong toàn quốc. Đối với sản phẩm Mai thảo mộc, Thanh tra Sở Y tế kết luận, mỹ phẩm này không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho người sử dụng theo quy định. Chính vì vậy, cơ sở phải chấm dứt ngay việc phân phối sản phẩm ra thị trường và tiến hành thu hồi sản phẩm ở các đại lý. Sau đó, công ty phải tự tiến hành tiêu hủy toàn bộ sản phẩm đã thu hồi trước ngày 15-9. Khi tiến hành tiêu hủy những sản phẩm trên phải có sự giám sát của Sở Y tế.

Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 15-9, toàn tỉnh đã kiểm tra và xử lý 70 vụ vi phạm về mỹ phẩm với số tiền phạt 310 triệu đồng. Trong đó, hàng giả có 4 vụ, xử phạt 27 triệu đồng; hàng ngoại nhập: 29 vụ, phạt 50 triệu đồng; hàng kém chất lượng 5 vụ, phạt hơn 30 triệu đồng; mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ là 23 vụ, phạt 172 triệu đồng…

Ngay khi thông tin này được công bố, nhiều người đã tỏ ra lo lắng khi đã từng sử dụng sản phẩm này. Chị Bùi Ngọc Ánh (ngụ tại phường Long Bình,TP.Biên Hòa) băn khoăn: “Sau sinh, mặt tôi nổi nhiều mụn. Thấy bạn giới thiệu sản phẩm này, tôi mua về dùng thử gần hết lọ đầu tiên thì nghe thông tin không an toàn nên cũng lo lắng”.

Dược sĩ CK1. Nguyễn Duy Văn, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) cho hay, việc sản xuất và lưu thông mỹ phẩm Mai thảo mộc không đúng với hồ sơ công bố là trách nhiệm của Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Mai Mai Phương. Số tiếp nhận phiếu công bố có giá trị chứng nhận mỹ phẩm đã được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, khai báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Phiếu này không có giá trị chứng nhận sản phẩm đó đảm bảo tính an toàn, hiệu quả.

Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP - ASEAN), như: phải có đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên môn; có hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng đầy đủ…

* Quản lý mỹ phẩm còn nhiều khó khăn

Việc sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm đạt chất lượng, an toàn cho người sử dụng là trách nhiệm của các nhà sản xuất. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dược sĩ Nguyễn Duy Văn cho biết, các trung tâm, viện kiểm nghiệm sẽ kiểm tra, giám sát về chất lượng mỹ phẩm. Riêng tại Đồng Nai. Trung tâm kiểm nghiệm Đồng Nai là cơ quan kiểm tra, giám sát về chất lượng mỹ phẩm lưu thông, phân phối trên thị trường. Khi phát hiện sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho người sử dụng, trung tâm báo cáo về Cục Quản lý dược và Sở Y tế để ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi sản phẩm trên thị trường.

Theo dược sĩ Võ Thị Quỳnh Như, Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm đã tiến hành kiểm nghiệm 40 mẫu sản phẩm mỹ phẩm như: kem trắng da, bột khử mùi, sữa rửa mặt, sữa chống nắng… trong đó, có 1 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều loại mỹ phẩm bày bán ở các quầy tạp hóa, cửa hàng nhỏ lẻ chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, nhãn hàng hóa chưa được ghi đúng quy định, quảng cáo chưa đúng với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm. Mỹ phẩm lại rất đa dạng về chủng loại, nhóm sản phẩm và bị làm nhái, làm giả ngày càng nhiều; trình độ hàng giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Dược sĩ Võ Thị Quỳnh Như chia sẻ: “Cán bộ của Trung tâm kiểm nghiệm Đồng Nai không đủ để có thể lấy hết được mẫu mỹ phẩm tại các quầy tạp hóa, mỹ phẩm bán ở chợ đem đi kiểm nghiệm. Trong khi đó, Việt Nam tham gia Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm nên muốn xem một mỹ phẩm có đạt chuẩn hay không lại phải mua mẫu chuẩn từ các nước. Do vậy, để làm một chỉ số xét nghiệm rất tốn kém nhưng kinh phí cho hoạt động kiểm nghiệm còn hạn hẹp”.

Ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Cục Quản lý thị trường Đồng Nai nhận định, thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán các sản phẩm mỹ phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả… được bán trên thị trường khá tràn lan. Hiện tại, Cục chỉ quản lý và xử phạt được những sản phẩm mỹ phẩm bày bán trực tiếp ở các cơ sở có biển hiệu, cơ sở bán hàng cố định.

“Chúng tôi không thể quản lý mảng kinh doanh online do không nắm được địa chỉ cụ thể và không có lực lượng để kiểm tra. Như vậy, họ sẽ không chịu bất kỳ sự quản lý nào của cơ quan nhà nước, gây thất thu thuế cho Nhà nước và sản phẩm lại không được kiểm định về chất lượng” - ông Hóa nhấn mạnh.     

       Bích Nhàn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,891,532       1/786