Xã hội

Hiện thực hóa giấc mơ an cư của công nhân

Hàng triệu công nhân lao động đang phải ở, sinh hoạt trong những khu nhà trọ xập xệ, không có đầy đủ trang thiết bị cần thiết vì nguồn cung về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên thực tế mới chỉ đáp ứng được 5-10%.

Đại diện doanh nghiệp nêu khó khăn khi triển khai xây dựng nhà ở xã hội tại hội thảo Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Báo Tiền phong tổ chức ngày 24-9 tại TP.Hồ Chí Minh
Đại diện doanh nghiệp nêu khó khăn khi triển khai xây dựng nhà ở xã hội tại hội thảo Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Báo Tiền phong tổ chức ngày 24-9 tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh:A.Yên

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Báo Tiền phong tổ chức ngày 24-9, tại TP.Hồ Chí Minh.

* Mới chỉ như “muối bỏ bể”

Tổng biên tập Báo Tiền phong Lê Xuân Sơn nêu thực tế, cả nước hiện có 400 khu công nghiệp, khu chế xuất với hơn 3 triệu công nhân lao động. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thu hút đông đảo công nhân lao động ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên, miền Tây.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai trong cả nước, quy mô xây dựng khoảng 182 ngàn căn hộ. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thậm chí, có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại. Vì thế, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường đang rất hạn chế.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà ở cho công nhân lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở khu vực phía Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua, còn lại phần lớn công nhân lao động đang phải ở trọ tại nhà dân với điều kiện sống rất thấp.

Nói rõ hơn về thực trạng này, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo báo cáo của các địa phương, riêng đối với dự án nhà ở cho công nhân hiện đã hoàn thành 100 dự án, quy mô 41 ngàn căn với tổng diện tích hơn 2 triệu m2, bố trí chỗ ở cho khoảng 330 ngàn người. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 73 dự án với khoảng 88 ngàn căn hộ, bố trí chỗ ở cho hơn 700 ngàn người. Những địa phương đông lao động và có nhu cầu nhà ở xã hội cao là: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.  Kết quả đạt được so với nhu cầu của người lao động chỉ như “muối bỏ bể”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội là cực kỳ bức thiết nhưng trên thực tế, với khả năng tài chính còn hạn chế, mức phí sinh hoạt đắt đỏ tại các đô thị khiến hầu hết công nhân lao động không đủ khả năng để sở hữu một căn hộ với giá hơn 1 tỷ đồng. Cho dù công nhân có được vay vốn ngân hàng và trả góp hằng tháng nhưng khả năng để họ trả đều đặn hằng tháng cũng rất khó khăn.

* Thủ tục rườm rà, thiếu vốn, thiếu đất sạch

Ông Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nói riêng là do gói tín dụng cho vay ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng đã kết thúc nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Hiện nay, ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1,2 ngàn tỷ đồng/9 ngàn tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Biểu đồ so sánh số căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành và đang triển khai tại 3 tỉnh, thành phố phía Nam có số công nhân lao động lớn.(Đồ họa: Hạnh Dung)
Biểu đồ so sánh số căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành và đang triển khai tại 3 tỉnh, thành phố phía Nam có số công nhân lao động lớn.(Đồ họa: Hạnh Dung)

Theo đề xuất của Ngân hàng nhà nước thì giai đoạn 2016-2020 cần bố trí khoảng 10 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 4 ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100 của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, khi quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản bày tỏ, doanh nghiệp rất tâm huyết, rất “nóng” nhưng khi bắt tay vào thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn.

Tại Đồng Nai, thời gian qua đã có một số doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở, ký túc xá giá rẻ cho người lao động thuê ở. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của khoảng 1 triệu người lao động (trong đó 60% là lao động ngoại tỉnh) thì số ký túc xá, nhà ở cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và xây dựng Lê Thành nêu thực tế, với thời gian triển khai và nguồn vốn như nhau, các doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại nhiều thuận lợi hơn và nhanh thu hồi vốn hơn so với dự án nhà ở xã hội. Cũng có nhiều doanh nghiệp tâm huyết xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động nhưng khi triển khai thì vướng đủ thứ. Các thủ tục quá rườm rà khiến từ khi xin giấy phép xây dựng đến khi triển khai mất đến 3 năm nên việc doanh nghiệp không mấy mặn mà với nhà ở xã hội là điều dễ hiểu.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho hay, thực hiện đề án đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, từ năm 2017 đến nay, mới có 23/50 địa phương giới thiệu địa điểm xây dựng và đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng. Trong đó, mới có 2 tỉnh là Hà Nam và Quảng Ngãi có quyết định giao đất chính thức cho Tổng liên đoàn để triển khai dự án.

“Khó khăn lớn nhất của các địa phương khi triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn là phải có quỹ đất sạch từ 3-5 hécta để giao cho Tổng liên đoàn đầu tư khoảng 550 tỷ đồng để xây dựng. Do đó, địa phương nào được cấp ủy, chính quyền giao đất sạch, có hạ tầng điện, nước, giao thông đến tận chân công trình, có nhu cầu nhà ở, nhà trẻ, siêu thị… bức thiết thì Tổng liên đoàn sẽ triển khai dự án trước. Ngược lại, địa phương nào chưa có đất sạch thì sẽ triển khai sau” - ông Phan Văn Anh nói.

* Những mô hình hay cần nhân rộng

Chia sẻ tại hội thảo về những kết quả đã làm được để giúp người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp an tâm làm việc, cống hiến, ông Quách Cường, Phó bí thư Đảng ủy Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, toàn hệ thống có khoảng 20 ngàn cán bộ, nhân viên làm việc tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng bách hóa… trên toàn quốc. Từ nhiều năm nay, Saigon Co.op đã ưu tiên hỗ trợ về nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp chia theo từng tiêu chí cụ thể. Với những lao động có hợp đồng lao động chính thức và có thời gian làm việc liên tục trong hệ thống Saigon Co.op từ đủ 10 năm trở lên mà chưa nhà ở hoặc nhà ở quá chật chội sẽ được Saigon Co.op hỗ trợ 200 triệu đồng/người nếu người lao động mua nhà. Nếu người lao động thuê nhà sẽ được đơn vị hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng trong 10 năm liên tục.

Nhiều công nhân lao động khó khăn đang phải sống, sinh hoạt trong những khu nhà trọ chật hẹp. Trong ảnh: Một nhóm công nhân quây quần bên nhau vào buổi tối cuối tuần tại một khu nhà trọ ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa
Nhiều công nhân lao động khó khăn đang phải sống, sinh hoạt trong những khu nhà trọ chật hẹp. Trong ảnh: Một nhóm công nhân quây quần bên nhau vào buổi tối cuối tuần tại một khu nhà trọ ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: N.Hòa

Theo đó, từ năm 2015 đến nay, đã có 83 nhân viên của Saigon Co.op được hỗ trợ mua hoặc thuê nhà với số tiền tương ứng 16,2 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang triển khai dự án chung cư Saigon Co.op tại phường 15, quận Gò Vấp trên tổng diện tích hơn 10 ngàn m2, quy mô 12 tầng với 99 căn hộ và 8 căn thương mại dịch vụ. Dự kiến đến năm 2020 dự án hoàn thành sẽ hỗ trợ nhân viên, người lao động của Saigon Co.op được mua với giá ưu đãi.

Còn ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú (chuyên ngành dệt may, đóng tại quận 9, TP.Hồ Chí Minh) thì cho hay, tổng công ty hiện có trên 10 ngàn lao động làm việc tại trụ sở chính và khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Riêng tại Cụm công nghiệp Phong Phú ở quận 9 có hơn 4 ngàn lao động, trong đó hơn 52% là lao động nhập cư.

Từ năm 2007, Tổng công ty cổ phần Phong Phú đã đầu tư xây dựng chung cư Nhân Phú với 197 căn hộ, diện tích từ 50-65m2 để bán cho cán bộ, công nhân viên với giá 9 triệu đồng/m2, thanh toán 20% khi nhận nhà. 80% số tiền còn lại, tổng công ty sẽ đứng ra bảo lãnh vay ưu đãi ngân hàng cho công nhân lao động trả dần từ 10-15 năm tùy theo thu nhập của mỗi người. Ngoài ra, tổng công ty còn xây dựng thêm các công trình công cộng tạo không gian sống đẹp với nhiều tiện ích cho người lao động. Nhờ đó, người lao động của tổng công ty có cuộc sống ngày càng tốt hơn, ổn định hơn và gắn bó lâu dài, nhiệt tình cống hiến cho doanh nghiệp.

Hạnh Dung - Thảo My


Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam:

Tập trung xây dựng các thiết chế Công đoàn

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang chủ trì, phối hợp để tích cực xây dựng thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cho công nhân lao động. Mục tiêu từ năm 2018-2030 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 50 thiết chế Công đoàn tại các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện có 23 tỉnh, thành phố đã giới thiệu địa điểm, bàn giao đất sạch để Tổng liên đoàn triển khai xây dựng. Mỗi thiết chế Công đoàn sẽ rộng từ 3-5 hécta, gồm khu nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, công trình văn hóa, thể thao, văn phòng tư vấn pháp luật. Trong đó, các khu nhà sẽ có khoảng 1 ngàn căn hộ có diện tích từ 30-45m2, giá bán từ 150 triệu đồng/căn trở lên, đáp ứng chỗ ở có chất lượng cho khoảng 4 ngàn đoàn viên là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có khó khăn về nhà ở. Với 50 thiết chế Công đoàn được xây dựng đến năm 2030, dự kiến sẽ phục vụ chỗ ở cho 200 ngàn đoàn viên, người lao động. Theo tính toán ban đầu, nếu mỗi cặp vợ chồng công nhân tiết kiệm 1,8-2 triệu đồng/tháng, trong khoảng 5-7 năm sẽ mua được căn hộ có diện tích 30m2.

Ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong:

Cần sự chung tay, đồng lòng…

Nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp đang là vấn đề rất bức xúc, cấp thiết, đặc biệt ở những tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung đông công nhân. Sau nhiều năm triển khai, việc thực hiện các giải pháp mới đi được một chặng đường rất ngắn. Có những tỉnh mới giải quyết được 2-4%, nhiều nhất mới chỉ đạt 28% nhu cầu nhà ở của công nhân lao động. Ách tắc về quỹ đất, vốn, cơ chế đang là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp, còn thủ tục, quy định rườm rà đang là khó khăn với người mua. Để công nhân lao động có thu nhập thấp thực sự an cư lập nghiệp và thay đổi cuộc đời, cần có sự chung tay, đồng lòng và quyết tâm lớn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ nhiều phía, tránh tình trạng bên này trông chờ, ỷ lại bên kia.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu phát triển Công ty cổ phần DKRA Việt Nam (đóng tại quận 5, TP.Hồ Chí Minh, chuyên tư vấn phát triển, tiếp thị, phân phối dự án bất động sản): Học tập mô hình ký túc xá của Đồng Nai, Bình Dương

Hơn 10 năm trước, chúng ta có chương trình 30 ngàn căn nhà, 30 ngàn căn hộ cho công nhân, sau đó đến chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội 30 ngàn tỷ đồng. Đến nay, gói cho vay ưu đãi này đã hết hạn nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng. Cơ chế chính sách, luật liên quan đến nhà ở xã hội đã có nhưng thực tế việc áp dụng chưa tốt, còn nhiều vấn đề xảy ra. Khổ nhất với các doanh nghiệp là thủ tục. Còn với người mua, các quy định rườm rà, lằng nhằng như phải có bảo hiểm xã hội, KT3, chứng minh thu nhập… cũng khiến không ít người phải đành bỏ cuộc dù nhu cầu của họ là có thật.

Nói là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp nhưng hiện nay kiếm được một căn hộ có giá dưới 1 tỷ 50 triệu đồng thực sự rất khó. Vì thế, các cơ quan chức năng, các nhà làm luật cần nghiên cứu để đưa ra những chương trình ưu đãi dài hạn hơn, sát với thực tế hơn. Đồng thời, cần phải có hệ thống quản lý thông tin của người mua, hệ thống quản lý bất động sản tốt để loại bỏ tình trạng có những người giàu nhưng lợi dụng chính sách ưu đãi nhà ở xã hội để mua đi bán lại, trong khi những người có thu nhập thấp, thực sự có nhu cầu thì lại không thể tiếp cận. Nếu chúng ta chưa thể xây dựng được những khu nhà ở khang trang, hiện đại, có đầy đủ tiện nghi, rộng rãi để phục vụ người lao động thì trước hết hãy học tập những mô hình ký túc xá ở Đồng Nai hay Bình Dương. Đó là doanh nghiệp xây dựng những căn hộ khoảng chừng 25m2, sau đó cho công nhân thuê với giá rẻ, giúp người lao động đỡ phần nào gánh nặng về tài chính, tập trung lo cho con học hành và ổn định cuộc sống.

An Yên - Nguyễn Hòa (ghi)


Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,891,799       3/786